Khoảng trống pháp lý thanh toán di động

(ĐTTCO) - Thanh toán di động đang ngày càng nóng hơn, khi cùng với sự chạy đua cùng các NH là các tập đoàn công nghệ lớn như Apple, Google, Samsung cho đến các công ty fintech, đã mang lại nhiều lợi ích cho người dùng.
 Tuy nhiên, hình thức này mới chỉ được sử dụng cho những khoản thanh toán nhỏ, và vẫn đang trong tình trạng vừa phát triển vừa điều chỉnh.
Cạnh tranh mảng thanh toán
Cuối tháng 8-2018, Vietinbank công bố đã phát triển iPay Mobile với phiên bản 4.0.8, với nhiều chức năng vượt trội. Cụ thể, với chức năng chuyển khoản nhanh 24/7, người dùng có thể chuyển tiền nhanh đến số tài khoản của người nhận, nhận tiền ngay tức thì, kể cả với các giao dịch liên NH, ngoài giờ giao dịch cũng như trong ngày nghỉ, ngày lễ.
Ứng dụng này còn có chức năng đặt phòng khách sạn để khách hàng hàng lựa chọn được khách sạn như mong muốn. Khi thực hiện thanh toán bằng QR Pay, hệ thống cho phép khách hàng nhập ngay mã giảm giá khi giao dịch.
Ngoài ra, Vietinbank iPay Mobile còn hỗ trợ chuẩn QR Billing khi thực hiện thanh toán hóa đơn bằng QR Pay các dịch vụ viễn thông, truyền hình, vé máy bay… cho các nhà cung cấp dịch vụ có kết nối với cổng thanh toán VNPAY. Ứng dụng này còn có “cẩm nang chỉ đường”, khi cho phép tra cứu nhanh địa chỉ nhà hàng, trạm xăng, bệnh viện, địa điểm mua sắm bên cạnh tính năng cũ là tìm kiếm ATM hoặc phòng giao dịch. 
Khoảng trống pháp lý thanh toán di động ảnh 1
Ảnh minh họa.
Trong khi đó, Vietcombank ra mắt dịch vụ VCBPAY thuộc hệ sinh thái Mobile Banking của NH, với nhiều tính năng như gửi quà may mắn, chuyển tiền thông qua số điện thoại, trợ lý chatbot trang bị công nghệ AI, sẽ giúp người dùng hoàn tất các yêu cầu giao dịch bằng giọng nói, thanh toán nhanh bằng cách quét mã QR tại các cửa hàng, website hay thao tác trên VCBPAY để nạp tiền điện thoại, đặt vé máy bay, đặt phòng khách sạn, mua vé xem phim…
Để chạy đua trong lĩnh vực thanh toán di động, nhiều NH cũng tung ra khuyến mại ưu đãi lớn dành cho khách hàng sử dụng dịch vụ này. Chẳng hạn SHB đã phối hợp cùng Vietnam Airlines khuyến mại giảm giá 10% cho khách hàng thanh toán vé máy bay bằng tính năng QR Pay trong ứng dụng SHB Mobile khi mua vé máy bay trên website của hãng này.
Tuần cuối tháng 8, BIDV khuyến mại để khuyến khích người dùng đặt vé máy bay trên BIDV SmartBanking, thông qua việc hoàn 200.000 đồng cho 200 giao dịch đầu tiên mỗi ngày và giao dịch có giá trị từ 2 triệu đồng trở lên. Hay khi đăng ký mới dịch vụ BIDV SmartBanking và liên kết với Ví MoMo, người dùng nhận quà tặng đến 200.000 đồng để thanh toán trên MoMo. Điều này cho thấy, các NH đang rất chú trọng đến việc cạnh tranh với các công ty fintech, các tập đoàn công nghệ lớn để giành thị phần trong mảng thanh toán di động

Khách hàng sử dụng ngày càng tăng
Việc các NH đang cấp tập cải tiến, khuyến khích người dùng sử dụng dịch vụ thanh toán di động cũng là điều dễ hiểu, khi tốc độ phát triển của lĩnh vực này vô cùng nhanh chóng.
Theo số liệu của Vụ Thanh toán NHNN, trong 6 tháng đầu năm nay, thanh toán qua kênh internet đạt 127 triệu món, với giá trị giao dịch 8.020 tỷ đồng; tăng trưởng 50% về số lượng và 32% về giá trị so với cùng kỳ 2017. Trong khi đó, giao dịch thanh toán di động đạt 81 triệu món, với giá trị giao dịch 676 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng so với cùng kỳ 2017 là 32% về số món và 144% về giá trị. 
Báo cáo của một số công ty fintech cũng cho thấy, thanh toán qua di động đang có xu hướng phát triển rất nhanh. Tổng số giao dịch trên Ví Việt có mức tăng trưởng vượt bậc trong năm 2017, số lượng giao dịch trong tháng 12-2017 trên Ví Việt đã cán mốc 1 triệu giao dịch với tổng số tiền giao dịch 1.600 tỷ đồng, gấp 4,5 lần tháng 12-2016.
Còn tính đến đầu tháng 5-2018, Ví Việt đã có 2,2 triệu người dùng. Sau khi ra mắt sản phẩm tiết kiệm trực tuyến và cho vay trực tuyến khoảng 3 tháng, tổng số tiền huy động tiết kiệm trên Ví Việt đã vượt mốc 1.800 tỷ đồng, tổng số tiền cho vay tiêu dùng đạt 250 tỷ đồng. 
Trong khi đó, một ứng dụng thanh toán di động khác là ví điện tử MoMo, từ 1 triệu khách hàng vào năm 2014 hiện đã có hơn 11 triệu khách hàng (gồm 8 triệu khách hàng sử dụng ví điện tử trên di động và hơn 3 triệu khách hàng sử dụng dịch vụ tại điểm giao dịch MoMo) thanh toán mua sắm mọi thứ trong cuộc sống hàng ngày và đang đặt mục tiêu tăng lượng người dùng ứng dụng lên 16 triệu người vào năm 2019.
Ra mắt vào tháng 9-2017, chỉ sau 6 tháng, Samsung Pay - ứng dụng thanh toán di động dựa trên nền tảng của Samsung đã đạt gần 400.000 lượt người  đăng ký, 500.000 giao dịch thành công và tổng giá trị giao dịch đạt 350 tỷ đồng. 

Thiếu hành lang pháp lý
Hiện nay việc xây dựng một cơ sở hạ tầng tài chính vẫn rất tốn kém, do đó NH phát triển dịch vụ tài chính thông qua hệ thống chi nhánh cho khách hàng có thu nhập thấp, doanh thu cũng không thể bù đắp chi phí. Do đó, thanh toán di động đang trở thành mảnh đất đầy tiềm năng để các NHTM, công ty fintech và các tập đoàn công nghệ lớn cạnh tranh khai thác.
Tuy nhiên, với sự góp mặt ngày càng đông và hình thức thanh toán ngày càng đa dạng nhưng hoạt động này vẫn chưa được kiểm soát rõ ràng. Điều này dẫn đến việc đã xảy ra trường hợp những người chơi game và đánh bạc online sử dụng các cổng thanh toán trung gian để chuyển tiền từ thẻ ATM, ví điện tử vào đó để mua tiền ảo, thẻ game… Thậm chí còn xây dựng hệ thống thanh toán cho hoạt động đánh bạc trực tuyến phi pháp.
Gần đây, nhiều ví điện tử còn triển khai hình thức thanh toán các khoản vay cho các ứng dụng vay tiền online như iDong, Doctor Dong, trong khi đây không phải là những tổ chức được cấp phép hoạt động tín dụng chính thức. Do đó, hoạt động này rất cần những quy định chặt chẽ về phạm vi, dịch vụ được phép thực hiện. Tức là đưa ra một hàng rào pháp luật để các đơn vị cạnh tranh lành mạnh hơn.
Theo đại diện của một ví điện tử, công nghệ tài chính đang phát triển rất nhanh, cơ quan quản lý vẫn phải quan sát, xem xét trên tổng thể mới đi đến quyết định có mở ra cho sử dụng hay không. Đó là lý do dẫn đến việc hành lang pháp lý quản lý hoạt động này vẫn chưa đáp ứng được mong đợi.
Ngày 4-9, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, về việc rà soát về việc chuyển tiền kinh doanh qua POS, ví điện tử Ali Pay, Wechat Pay sau khi xảy ra các vụ việc thanh toán trái phép của khách du lịch Trung Quốc tại Việt Nam.
Trong đó, NHNN được giao nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế trong lĩnh vực tiền tệ, viễn thông… để đề xuất các biện pháp quản lý đối với hoạt động thanh toán hàng hóa, dịch vụ qua POS, ví điện tử Ali Pay, Wechat Pay, những ví điện tử phổ biến và được ưa chuộng đối với khách du lịch; nghiên cứu xây dựng chính sách để các NHTM Việt Nam cung cấp các hoạt động thanh toán qua ví điện tử thay vì các đối tượng bán hàng cung cấp bất hợp pháp như hiện nay. 
 Các NHTM và công ty fintech đẩy mạnh thanh toán di động, nhưng cơ quan quản lý vẫn chưa xây dựng hành lang pháp lý để quản lý những trường hợp xảy ra tranh chấp, do đó người dùng vẫn còn nhiều lo ngại khi sử dụng dịch vụ. Đó là lý do thanh toán di động hay thanh toán điện tử chỉ được thực hiện cho những khoản tiền nhỏ, còn các khoản thanh toán có giá trị lớn vẫn dùng những phương tiện thanh toán truyền thống để đảm bảo an toàn. 
TS. Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế 

Các tin khác