Chọn lọc đầu tư
Năm 2020, xu hướng chính của khối ngoại vẫn là bán ròng với tổng giá trị bán ròng lên đến 18.780 tỷ đồng - lượng bán ròng được cho lớn nhất trong khoảng 4 năm trở lại đây. Theo giới phân tích, nguyên nhân chính xuất phát từ diễn biến phức tạp của các sự kiện thế giới như Covid-19 và bầu cử Tổng thống Mỹ. 2 sự kiện này đã làm dòng vốn ngoại có phần e ngại với các thị trường cận biên, trong đó có Việt Nam. Tâm lý chung của NĐTNN là rút vốn để giảm thiểu các rủi ro trong các sự kiện có quy mô toàn cầu, chuyển sang các tài sản an toàn hơn như trái phiếu hay CP của các quốc gia phát triển như Nhật Bản, Mỹ hay EU.
Tuy nhiên, có thực tế là khối ngoại dù duy trì trạng thái bán ròng thông qua các giao dịch khớp lệnh, nhưng lại mua ròng thông qua các giao dịch thỏa thuận. Nổi bật nhất là giao dịch mua ròng mã VHM (CTCP Vinhomes) trong tháng 6-2020 với giá trị lên đến 14.170 tỷ đồng. Điều này cho thấy khối ngoại đã chọn lọc hơn trong việc rót vốn. Đáng chú ý, dòng tiền ngoại trên TTCK bắt đầu có dấu hiệu đảo chiều trong 2 tháng cuối năm 2020. Cụ thể, khối ngoại giảm bán ròng trong tháng 11 sau khi kết quả bầu cử Mỹ đã gần như an bài; mua ròng trở lại trong tháng 12 dù trạng thái bán ròng vẫn duy trì ở các nước trong khu vực châu Á. Riêng trong tháng 12, theo thống kê, các quỹ ETF đã thu hút được khoảng 2.260 tỷ đồng, tương đương 50% tổng lượng vốn ETF vào Việt Nam cả năm 2020 là 4.580 tỷ đồng.
Động lực kép
Từ chuyển biến lạc quan trong tháng cuối năm 2020, giới phân tích kỳ vọng dòng vốn ngoại sẽ tích cực hơn trong năm nay. Theo CTCK Rồng Việt (VDSC), những yếu tố để kỳ vọng và dòng vốn ngoại trong năm 2021 là: TTCK Việt Nam được tăng tỷ trọng theo 5 đợt trong rổ chỉ số MSCI Frontier; “nút thắt” room ngoại được “cởi bỏ” nhờ dự thảo Nghị định Luật CK sửa đổi cho phép nới room ngoại từ 49% lên 100%.
Đặc biệt, dự thảo thông tư hướng dẫn về giao dịch trên TTCK là một trong những thông tin đáng chú ý trong năm 2021. Dự thảo này có một số điểm chính, như giao dịch T+0, bán khống, bổ sung công cụ ngắt mạch và quy định về độ tuổi tối thiểu được mở tài khoản CK. Việc Bộ Tài chính đưa ra những điểm mới nêu trên trong dự thảo thông tư là phù hợp, nhằm tạo độ mở thúc đẩy tính tiếp cận với TTCK và xa hơn thu hút được dòng vốn ngoại.
Ngoài nhóm yếu tố kể trên, động lực vốn ngoại còn đến từ mức định giá rẻ. Mức định giá rẻ không chỉ so với lịch sử, còn so với các thị trường khác vốn đang tăng mạnh nhờ nền lãi suất thấp. Theo thống kê, VN Index đang giao dịch với mức định giá P/E đạt 16,03x (cao hơn mức bình quân 5 năm là 15,9x), nhưng vẫn khá hấp dẫn so với các nước trong khu vực châu Á (trung bình 26,2x). Theo CTCK Sài Gòn (SSI), mức P/E đang tương đương thời điểm trước khi xảy ra dịch Covid-19. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại rất khác so với năm 2018 (P/E đạt 21,6x) khi thanh khoản dồi dào và số lượng NĐT tăng mạnh. Trong năm 2021, theo ước tính của Bloomberg, Việt Nam vẫn nằm trong nhóm các thị trường có hiệu suất sinh lợi tốt nhất, với dự phóng ROE tăng lên mức 15,7% (cao nhất kể từ năm 2014) và EPS của thị trường cũng được ước tính tăng trưởng 2 chữ số trong năm nay.
Chờ cơ hội trở lại
Chờ cơ hội trở lại
Điểm nổi bật của TTCK trong năm 2020 và tháng đầu năm 2021, là sự xuất hiện ngày càng nhiều NĐT cá nhân mới (F0). Theo số liệu từ Trung tâm Lưu ký CK (VDS), trong tháng cuối cùng của năm 2020 có 63.243 tài khoản CK được mở mới, nâng tổng số tài khoản mở mới trong năm lên 392.527 tài khoản (tăng 108% so với năm 2019). Như vậy, tính đến cuối năm 2020, tổng số tài khoản trên toàn thị trường đạt xấp xỉ 2,8 triệu, trong đó NĐT cá nhân chiếm đến 98,3%.
Theo CTCK VNDirect (VND), những yếu tố giúp TTCK thu hút được NĐT cá nhân mới, gồm lãi suất tiền gởi ngân hàng giảm, các kênh đầu tư khác gặp khó khăn, CK có thể giao dịch trực tuyến và không cần nhiều vốn đầu tư. Không chỉ áp đảo về số lượng, NĐT cá nhân còn làm chủ “cuộc chơi” với tỷ lệ giao dịch chiếm 70-80%, thậm chí có thời điểm đạt hơn 90% trên tổng giá trị giao dịch của toàn thị trường. Đây là con số rất khủng, nếu biết rằng TTCK Mỹ cũng có sự gia tăng đáng kể của NĐT cá nhân trong thời gian gần đây do dịch bệnh Covid-19 nhưng cũng chỉ mới chiếm tỷ lệ khoảng 25%.
Sự bùng nổ về số lượng của NĐT F0 khiến NĐTNN gần như bị lu mờ. Không những thế, khối ngoại gần như bị động khi ra quyết định đầu tư vì giá CP bị đẩy lên quá cao, phá vỡ mọi mô hình phân tích kỹ thuật. Không giống NĐT tổ chức, NĐT cá nhân thường mang tâm lý kém vững vàng khi tham gia thị trường, đôi khi đưa ra những quyết định mua bán thiếu cẩn trọng. Đáng chú ý, các quyết định của NĐT cá nhân tập trung ở khung thời gian ngắn hạn nhiều hơn. Điều này ảnh hưởng trực tiếp lên các diễn biến của thị trường, tạo ra những biến động rung lắc mạnh trong trường hợp có các tin tức bất ngờ.
Ở thời điểm hiện tại, việc đưa ra cảnh báo thị trường sẽ rung lắc trong những phiên giao dịch sắp tới đối với NĐT cá nhân rất khó. Thậm chí, nhiều chuyên gia CK khi được phỏng vấn đã từ chối trả lời vì lo ngại sẽ bị “ném đá”. Tuy nhiên, khi VN Index tăng quá cao, những phiên điều chỉnh mạnh hoàn toàn có khả năng xảy ra. Đây sẽ là cơ hội cho NĐTNN quay trở lại khi nhận thấy giá CP đã giảm về mức hợp lý. Và khi dòng vốn ngoại quay trở lại, thị trường sẽ phát triển bền vững hơn.