“Khơi thông” cho bất động sản chứ không giải cứu

(ĐTTCO) - Trước thềm Hội nghị thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững diễn ra vào sáng mai 17-2, Bộ Xây dựng đã có báo cáo nhận định “Thị trường bất động sản có vai trò, đóng góp quan trọng trong nền kinh tế và tác động ảnh hưởng đến nhiều ngành nghề, lĩnh vực. Tuy nhiên thời gian qua, đặc biệt là nửa cuối năm 2022, thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn…”.
“Khơi thông” cho bất động sản chứ không giải cứu

Do đó, nhiều chuyên gia cho rằng, chúng ta cần khơi thông để bất động sản hoạt động trở lại bình thường chứ không phải “giải cứu”.

Từ tác động trực tiếp đến người lao động

Anh Trần Văn Vinh, Tổng giám đốc Công ty Xây dựng Thành Vinh, một doanh nghiệp chuyên thi công các dự án nhà ở cao tầng tại TPHCM và các tỉnh phía Nam cho biết, nếu như những năm trước sau ngày mùng 10 tết, hàng trăm cán bộ, công nhân của công ty đã phải ra công trình, vào văn phòng làm việc. Và những tháng ngày sau đó công nhân, cán bộ kỹ thuật trên công trình phải làm 3 ca mới đảm bảo tiến độ theo yêu cầu của chủ đầu tư.Tuy nhiên năm nay, đến giờ này mọi người đều phải ở nhà chờ đợi thông tin việc làm và cũng chưa biết bao giờ mới khởi động công trình trở lại.

“Cuối năm thường là thời điểm công nợ được chủ đầu tư hoặc tổng thầu giải quyết nhiều nhất, nhưng năm nay dường như không có gì,mọi người mọi gia đình trong công ty đón một cái tết hết sức đơn sơ và những ngày tháng tới cuộc song của hàng trăm anh em chưa biết thế nào”- Anh Vinh chia sẻ. Ảnh hưởng nặng nề, trực tiếp nhất là người lao động tại các tập đoàn bất động sản, theo tìm hiểu của chúng tôi tại một số tập đoàn bất động sản lớn đã phải cắt giảm trên dưới 50% lực lượng lao động, có phòng ban cắt giảm lên đến 90%.Đại diện một doanh nghiệp bất động sản chia sẻ, hàng trăm ngàn người lao động trực tiếp hoặc gián tiếp trong lĩnh vực bất động sản bị ảnh hưởng thu nhập trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp giảm 30-50% lương, nhiều người bị mất việc…

Theo ghi nhận của chung tôi tại “phố mội thất” trên đường Lý Thường Kiệt, Tô Hiến Thành (Quận 10), TPHCM không khí mua bán khá đìu hiu. Chị H. chủ một cửa hàng nhôm kính cho biết, đến giờ này khách hàng truyền thống chưa có ai đặt đơn hàng mới; nhiều hợp đồng đã ký trước đó khách hàng cũng chủ động điện thoại nói tạm ngưng chờ thông tin mới. Theo chị H., dự án của đơn vị bị dừng, tiền không về do chủ đầu tư không có nguồn thu, cũng không vay được từ ngân hàng để trả cho doanh nghiệp cung ứng vật liệu.

Thêm vào đó, gần 20% dự án vẫn còn khả năng duy trì công trình, nhưng thanh toán chia thành nhiều đợt nên phải đợi tiền. Do đó nguồn tiền giúp xoay vòng rất khó khăn. Doanh nghiệp giờ chỉ trông vào phần nhỏ bán lẻ từ phía người dân có nhu cầu xây nhà ở. Tương tự, nhiều đại lý sắt thép cũng không tiêu thụ được sản phẩm, một nhân viên bán hàng cho biết giá thép đã được điều chỉnh xuống nhiều lần nhằm hỗ trợ khách mua, nhưng chủ yếu do nhu cầu thấp nên hàng bán chậm.

Chủ tịch Hiệp hội Xây dựng và vật liệu xây dựng TP.HCM Lê Viết Hải, cho rằng ngành bất động sản có liên quan đến hệ sinh thái của ngành xây dựng như: vật liệu, quản lý dự án, vận chuyển, bảo hiểm… Vì vậy bất động sản ngưng trệ, các doanh nghiệp xây dựng sẽ bị ảnh hưởng. Vị này cho biết: “Năm 2021, tổng sản lượng ngành xây dựng đạt khoảng 82 tỷ USD đã đóng góp tỷ trọng không nhỏ cho nền kinh tế, nếu ngành xây dựng phát triển, đương nhiên kéo theo các ngành khác trong hệ sinh thái phát triển.

Ngược lại, xây dựng gặp vấn đề sẽ ảnh hưởng nhiều đến nền kinh tế. Bởi không có công ăn việc làm cho lực lượng ngành này chắc chắn là tác động xấu đến xã hội, mà lực lượng lao động đó rất lớn”. Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, nêu: “Doanh nghiệp bất động sản bán được hàng, chắc chắn ngành cung cấp đầu vào cho việc phát triển nhà ở cũng kích hoạt. Ví dụ như: vật liệu, xi măng, gạch đá, cát sỏi, sắt thép, thiết bị máy móc, thì sau đó công trường, nhà máy lại được sản xuất. Nhưng thực tế hiện nay, một số nhà máy đang phải dừng hoạt động, hoặc hoạt động cầm chừng do không có thị trường, hoạt động thị trường yếu, công nhân nghỉ việc… dẫn đến nguy cơ phá sản rất cao”.

Đến khả năng tác động đến… 40 ngành kinh tế khác

Mới đây, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đã công bố kết quả nghiên cứu đề tài khoa học “Bất động sản trong nền kinh tế Việt Nam - Vai trò và khuyến nghị chính sách”.

Nhóm nghiên cứu đề tài cho thấy sự đóng góp của bất động sản thông qua khả năng lan tỏa đến trên 40 ngành kinh tế quan trọng khác của nền kinh tế, nhất là những ngành liên quan trực tiếp như: xây dựng, công nghiệp chế biến chế tạo, du lịch, lưu trú - ăn uống và tài chính - ngân hàng... Bên cạnh đó, đề tài còn chỉ ra rằng, khi nhu cầu sử dụng cuối cùng của ngành bất động sản mở rộng tăng 1 tỷ đồng sẽ kích thích giá trị sản xuất của các ngành còn lại là 0,772 tỷ đồng và lan tỏa tới giá trị tăng thêm là 0,191 tỷ đồng…

Trường hợp giá trị sản xuất của nhóm ngành bất động sản thay đổi giảm 10%: GDP sẽ giảm 1,247%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chịu ảnh hưởng mạnh nhất, giảm tới 0,861%, tiếp theo đó là các ngành: nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản (giảm 0,366%); du lịch (giảm 0,352%); dịch vụ khác (giảm 0,348%); ngành chịu ảnh hưởng giảm thấp nhất là công nghiệp khai thác (giảm 0,210%)…

Có thể thấy, bất động sản có “dây mơ rễ má” đến rất nhiều ngành nghề khác. Khi một dự án nhà ở ngưng triển khai xây dựng, tính thanh khoản kém lập tực sẽ ảnh hưởng đến hàng ngàn người lao động trực tiếp trên công trường, ảnh hưởng đến sức tiêu thu của gạch, đá, sắt thép, tín dụng… Chính vì vậy nhiều chuyên gia đều đồng tình với quan điểm là phải tạo điều kiện cho bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững để các ngành nghề khác cùng phát triển, tạo công ăn việc làm cho người lao động.

Nhiều chuyên gia cũng đề xuất không nên dùng từ "giải cứu" thị trường bất động sản. Theo đó, khi thị trường bất động sản ‘ách tắc’ phải tìm cách khơi thông giống như khơi thông những mắt xích trong nền kinh tế, thúc đẩy sự phát triển bình ổn, bình thường của bất động sản cũng như nền kinh tế; chứ không phải chỉ là ‘giải cứu’ cho bất động sản. Do vậy, chúng ta phải tháo gỡ ‘nút thắt’ này để phát triển, khơi thông nguồn lực, vận hành thị trường bất động sản trở lại bình thường; điều này sẽ tác động thúc đẩy kinh tế phát triển, chứ không phải chỉ để gỡ khó cho bất động sản.

Các tin khác