PHÓNG VIÊN: - Nhiều dự báo lượng kiều hối chảy về Việt Nam năm 2019 ước đạt 16,7 tỷ USD, tăng 4,6% so với năm trước và có thể tiếp tục nằm trong số 10 quốc gia có dòng kiều hối chảy về mạnh nhất. Theo ông đâu là nguyên nhân Việt Nam thu hút tốt kiều hối?
TS. NGUYỄN TRÍ HIẾU: - Sự tăng trưởng của kiều hối về Việt Nam trước tiên do sự ổn định của VNĐ. Đây là một hấp lực hút nguồn ngoại tệ chảy về Việt Nam để đổi ra tiền đồng phục vụ chi tiêu hoặc đầu tư.
Nguyên nhân thứ hai, người lao động và kiều bào ở nước ngoài càng ngày có thu nhập cao nên các khoản ngoại tệ gửi về Việt Nam cho người thân nhiều hơn.
Thứ ba, lượng kiều bào và lao động Việt Nam trên thế giới cũng đông đảo hơn, trong đó lượng người đi lao động xuất khẩu ngày càng gia tăng. Các yếu tố thuận lợi này đã thúc đẩy mức tăng trưởng của kiều hối các năm qua.
Ngoài ra, Chính phủ có nhiều chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho môi trường kinh doanh theo hướng thông thoáng hơn, đơn giản hóa các thủ tục đầu tư, làm tăng niềm tin vào thị trường, đã thu hút kiều bào chuyển tiền về nước cho người thân tham gia sản xuất, kinh doanh…
- Đã từng có lo lắng việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất sẽ ảnh hưởng đến dòng kiều hối từ thị trường này, tuy nhiên các năm qua kiều hối vẫn liên tục tăng. Hiện Fed đã điều chỉnh giảm lãi suất so với trước, liệu điều này có giúp tăng lượng kiều hối trong năm tới, thưa ông?
- Khi Fed giảm lãi suất, tất cả lãi suất tiền gửi cũng giảm trên thị trường tài chính của Mỹ, do đó kiều bào có khuynh hướng chuyển tiền về Việt Nam để đầu tư kinh doanh. Đó cũng là lý do để dòng tiền tăng lên.
Thế nhưng, Fed giảm lãi suất không nhiều (chỉ 0,25%). Vì thế, động lực để kiều bào hoặc người lao động gửi tiền về nước không phải do nguyên nhân chính Fed giảm lãi suất, mà do các yếu tố tôi đã phân tích ở trên.
Nếu sang năm 2020 Fed giảm lãi suất nữa cũng vẫn không phải là động lực chính để hút kiều hối ở thị trường Mỹ. Kiều bào chuyển tiền về nước vì họ tin tưởng ở tiền đồng nhiều hơn, tin tưởng những hoạt động đầu tư kinh doanh ở Việt Nam thuận lợi hơn nhờ sự ổn định của VNĐ chứ không phải lý do lãi suất.
- Theo ông, ngoài những yếu tố thuận lợi kể trên, Việt Nam còn cần thêm chính sách gì để thu hút nguồn kiều hối hiệu quả hơn trong thời gian tới?
Ngoài yếu tố nền kinh tế phải ổn định để tạo lòng tin cho kiều bào, cần có chính sách thông thoáng, tạo thuận lợi cho môi trường kinh doanh, đơn giản hóa các thủ tục đầu tư… nhằm thu hút kiều bào chuyển tiền về nước cho người thân tham gia sản xuất, kinh doanh. |
Thứ hai, đây là nguồn tiền đi một chiều không hoàn trả lại, giúp Việt Nam có thêm nguồn thu ngoại tệ ổn định, tăng dự trữ ngoại hối quốc gia.
Chúng ta đều biết, dòng vốn ODA hay các nguồn vốn vay ngoại tệ khác của Chính phủ đều có lãi và phải hoàn trả sau một thời gian. Kể cả vốn đầu tư trực tiếp hoặc gián tiếp nước ngoài cũng vậy, vốn đầu tư có thể sinh ra cổ tức/lãi trên khoản đầu tư đó và lãi/cổ tức đó sẽ được gửi về cho người nước ngoài.
Đồng thời tới thời hạn nào đó, các nhà đầu tư có thể rút vốn về. Trong khi với nguồn kiều hối không phải trả lãi, không phải trả lại gốc, nền kinh tế không chịu gánh nặng nợ nước ngoài, còn hỗ trợ cán cân thanh toán quốc gia, gia tăng tiết kiệm và đóng góp tích cực đến sự phát triển của thị trường tài chính.
Tuy nhiên, nguồn kiều hối cũng có tính bất ổn trong đó. Nguồn này tăng giảm tùy thuộc vào quyết định cá nhân của người Việt Nam ở nước ngoài, trong khi vấn đề đi vay Chính phủ hay vốn đầu tư nước ngoài đều có kế hoạch rõ ràng.
Vì vậy, để thu hút kiều hối trước tiên nền kinh tế phải ổn định. Khi kiều bào cảm thấy nền kinh tế ổn định, chính sách tỷ giá ổn định, thị trường tài chính bền vững (bao gồm các thị trường chứng khoán đến ngoại hối, vàng, bất động sản, ngân hàng) sẽ tạo ra niềm tin cho kiều bào chuyển tiền về.
Thứ hai, Việt Nam cần có thêm những cơ hội đầu tư. Khi mở ra các cơ hội đầu tư, Chính phủ cần phổ biến, quảng bá rộng rãi qua tất cả hệ thống đại sứ quán, lãnh sự quán của Việt Nam ở nước ngoài, Ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài cần có văn phòng để tiếp xúc, tư vấn và hỗ trợ các doanh nhân kiều bào về Việt Nam muốn làm ăn và đầu tư, từ đó sẽ gia tăng lượng kiều hối chuyển về Việt Nam.
- Xin cảm ơn ông.