Giờ đây, các chuyên gia xem nó là một nhân tố bong bóng thị trường, có thể ảnh hưởng đến đời sống hàng triệu người bình thường.
Nơi trú ẩn của tội phạm
Như đã đề cập trong bài “Tiền ảo - Mảnh đất màu mỡ của tội phạm” (xuất bản ngày 12-1-2023), tiền ảo nói chung và Bitcoin nói riêng đã bị giới tội phạm lợi dụng cho những mục đích bất chính như hack, rửa tiền, lừa đảo, ransomware (dùng mã độc để tống tiền) và buôn bán hàng hóa bất hợp pháp. Theo Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC), TĐT là phương thức thanh toán được báo cáo nhiều nhất trong các vụ lừa đảo, chiếm 728,8 triệu USD (33,5%) trong các báo cáo từ đầu năm đến tháng 8-2022.
Trong khi đó, Europol cho biết trong 125 tỷ USD được bọn tội phạm ở châu Âu rửa trong năm 2018, có hơn 5,5 tỷ USD rửa thông qua TĐT. Theo SSRN, trong năm 2022 có gần 14 triệu giao dịch liên quan đến tội phạm TĐT. Sự phát triển của TĐT đã mang đến những cơ hội mới cho bọn tội phạm. Thí dụ, tin tặc khai thác các lỗ hổng trong các tổ chức tập trung (như sàn giao dịch TĐT) và các thuật toán phi tập trung để chiếm đoạt tiền ảo. “Khi bọn tội phạm đã biến các bit kỹ thuật số thành tiền, bạn có thể tạm biệt số tiền của mình” - một chuyên gia nói.
Tiền ảo và Bitcoin còn là phương tiện tài chính hữu hiệu của các tổ chức khủng bố nhằm né tránh sự theo dõi của các cơ quan chức năng. Cơ quan Tình báo tài chính Australia (Austrac) đã cảnh báo các nhóm người Australia quyên góp TĐT cho các tổ chức khủng bố ở nước ngoài. Phó giám đốc điều hành và người đứng đầu bộ phận tình báo của Austrac, John Moss, cho biết: “Chúng tôi đã thấy bằng chứng về việc người Australia gửi tiền vào các tài khoản TĐT ở nước ngoài có liên quan đến al-Qaida, liên kết với Isil, phần lớn là sự hỗ trợ cho việc đi lại, đào tạo, trả lương cho các chiến binh và đồng phục”.
Các nhà chuyên môn đã chỉ ra 4 đặc tính của Bitcoin khiến nó yếu kém về kinh tế, nhưng lại mạnh mẽ cho tội phạm. Thứ nhất, nó không hiệu quả cho giao dịch bán lẻ. Các giao dịch TĐT dựa trên công nghệ chuỗi khối (blockchain). Công nghệ này liên quan đến việc chia sẻ, cập nhật và xác thực sổ cái ở nhiều nơi, khiến hệ thống trở nên rất chậm đối với các giao dịch bán lẻ. Trong những tình huống như vậy, tiền mặt và thẻ nhanh hơn nhiều.
Thứ hai, thiếu quy chế thị trường. Hiện tại, không có quy định thị trường hợp pháp nào cho giao dịch TĐT. Ngay cả các chính phủ cũng hoài nghi về khả năng tồn tại của Bitcoin. Do đó, không có tổ chức tài chính do chính phủ quản lý nào hỗ trợ giao dịch TĐT. Hơn nữa, do thiếu các quy định, TĐT cực kỳ khó theo dõi nên nó thường được dùng cho các giao dịch mờ ám.
Thứ ba, TĐT rất ngốn năng lượng. Khai thác TĐT tiêu thụ rất nhiều điện và có thể chiếm gần 25% doanh thu của người khai thác. Trừ khi chúng ta có các nguồn năng lượng tái tạo, nếu không nó thực sự không đáng. Chẳng hạn, nếu nền kinh tế Ấn Độ chạy hoàn toàn bằng Bitcoin, tất cả điện năng của thế giới sẽ không đủ để hỗ trợ các giao dịch.
Thứ tư, nó tạo ra nền kinh tế song song. Khi bạn không thể theo dõi tiền, mọi người bắt đầu tận dụng nó cho các giao dịch bất hợp pháp. Sử dụng nó trên web đen, rửa tiền, yêu cầu tiền chuộc chỉ là một vài trong số những trường hợp…
Không xài vẫn bị hại
Đừng tưởng rằng bạn không đầu tư tiền ảo, không chơi Bitcoin sẽ đứng ngoài vòng xoáy tai hại của nó. Tác hại của nó đến xã hội là thực chất trong cuộc sống hàng ngày, như các trường hợp ở Mỹ những năm gần đây cho thấy. Khi cơn bão mùa Đông Uri đánh sập các nhà máy điện trên toàn tiểu bang Texas, hàng chục ngàn ngôi nhà chìm trong bóng tối băng giá. Tính đến cuối ngày 14-2-2021, gần 40 người đã chết, một số do bị cóng.
Trong khi đó, tại trang trại Bitdeer ở ngoại ô Austin, nhiều dãy máy tính đang sử dụng điện đủ để cung cấp năng lượng cho khoảng 6.500 ngôi nhà vẫn đang được bật để ông chủ trang trại có thể kiếm Bitcoin. Oái oăm thay, để buộc trang trại này tắt điện nhằm cung cấp điện cho dân chúng, nhà điều hành lưới điện của bang phải trả cho chủ trang trại 175.000 USD/giờ. Nhờ đó, chỉ trong 4 ngày không “đào” Bitcoin, Bitdeer đã nhận được hơn 18 triệu USD.
Theo báo New York Times, hiện có tổng cộng tới 34 trang trại đào Bitcoin như vậy ở Mỹ, tất cả đều ngốn điện gấp hàng chục ngàn lần các hộ dân xung quanh. Theo tính toán, trang trại ở Kearney sử dụng lượng điện tương đương 73.000 ngôi nhà xung quanh chúng; cơ sở ở Dalton đang sử dụng lượng điện năng gần bằng 97.000 hộ gia đình xung quanh; mỏ của Riot Platforms ở Rockdale, Texas, sử dụng lượng điện tương đương với 300.000 ngôi nhà gần nhất…
Ở một số khu vực, việc gia tăng nhu cầu điện đến từ các trang trại Bitcoin đã khiến giá tăng đột biến. Tại Texas, nơi 10 trong số 34 mỏ được kết nối với lưới điện của bang, nhu cầu gia tăng đã khiến hóa đơn tiền điện cho khách hàng sử dụng điện tăng gần 5%, tương đương 1,8 tỷ USD mỗi năm.
Mức tiêu thụ năng lượng khổng lồ của chúng kết hợp với khả năng tắt gần như ngay lập tức, cho phép một số công ty tiết kiệm tiền và kiếm tiền bằng cách tắt điện. Họ có thể tránh phải trả phí khi nhu cầu cao nhất, và bán lại điện với giá cao khi giá tăng đột biến, thậm chí được trả tiền để đề nghị tắt.
Thí dụ rõ ràng nhất là Texas, nơi các công ty Bitcoin được nhà điều hành lưới điện trả tiền vì đã hứa sẽ nhanh chóng cắt điện nếu cần thiết để ngăn chặn sự cố mất điện. Báo cáo cho biết các trang trại đã kiếm được ít nhất 60 triệu USD từ việc “cắt điện” này kể từ năm 2020.
Việc gia tăng nhu cầu điện của các trang trại Bitcoin đã làm các nhà máy điện hóa thạch (như than) hoạt động trở lại. Chẳng hạn, 99% nhu cầu năng lượng của hoạt động khai thác kỹ thuật số Stronghold ở Nesquehoning, được đáp ứng bởi các nhà máy nhiên liệu hóa thạch, gây ra 192.000 tấn ô nhiễm carbon mỗi năm.
Đáng lưu ý là việc sản xuất Bitcoin không mang lại nhiều việc làm như các ngành tốn nhiều điện năng khác như sản xuất kim loại hay nhựa... Một trang trại Bitcoin chỉ cần vài chục nhân viên.
Ngoài việc là phương tiện tài chính hữu hiệu của các tổ chức khủng bố, TĐT còn gây khó khăn đến việc sử dụng điện của người dân sống gần nơi sản xuất ra TĐT.