![Không cần đi tắt, hãy đi một cách khôn ngoan](https://image.sggp.org.vn/w1000/Uploaded/2025/evofjasfzyr/2025_02_08/shutterstock-2388901453-9738-9065.jpg.webp)
Đầu năm 2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị công bố Nghị quyết của Chính phủ về kế hoạch hành động triển khai Kết luận của Bộ Chính trị, về xây dựng TTTC khu vực và quốc tế tại Việt Nam.
Thủ tướng cho rằng, việc xây dựng các TTTC quốc tế sẽ giúp Việt Nam kết nối thị trường tài chính toàn cầu, thu hút các tổ chức tài chính nước ngoài, tạo thêm nguồn lực mới, thúc đẩy nguồn lực hiện hữu, tận dụng cơ hội dịch chuyển dòng vốn đầu tư quốc tế để phát triển kinh tế-xã hội, thúc đẩy phát triển thị trường tài chính Việt Nam hiệu quả, theo chuẩn mực quốc tế, tạo ra động lực mới, tạo sự đột phá về phát triển.
Điều tôi chú ý là ở chỗ “tạo động lực mới” và “kết nối thị trường tài chính toàn cầu”, “thu hút các tổ chức tài chính nước ngoài”.
Đó chính là điều mà TPHCM cần mà cũng là điều làm cho một TTTC thoát khỏi tầm quốc gia và vươn ra tầm quốc tế. Nhưng còn rất nhiều câu hỏi và băn khoăn về con đường đi đến TTTC quốc tế. Trong bài này tôi sẽ chia sẻ một vài suy nghĩ về những câu hỏi đó.
TTTC quốc tế quốc tế khác TTTC quốc gia như thế nào?
TTTC quốc gia (NTFC - National Financial Centre) và TTTC quốc tế (IFC - International Financial Centre) là hai khái niệm có những đặc điểm khác nhau. TTTC quốc gia chủ yếu phục vụ hoạt động kinh tế của quốc gia, bao gồm hoạt động ngân hàng, thị trường chứng khoán, quỹ đầu tư, và các tài sản tài chính trong phạm vi nội địa. TTTC quốc tế thì lại vượt ra khỏi giới hạn quốc gia, cung cấp các dịch vụ tài chính, đầu tư, và giao dịch quốc tế, thu hút các tập đoàn, ngân hàng, quỹ đầu tư nước ngoài.
Cái đặc tính xuyên quốc gia (cross-border) trong các giao dịch là đặc tính quan trọng mà Ngân hàng thanh toán quốc tế BIS, xem là một yếu tố chủ yếu để đánh giá một TTTC có được xếp vào hàng TTTC quốc tế hay chưa.
Để đo lường tầm quan trọng của hoạt động quốc tế so với hoạt động trong nước, có hai đặc điểm liên quan: loại hình kinh doanh được thực hiện với người không cư trú, và quy mô của hoạt động kinh doanh này so với hoạt động kinh doanh với người cư trú.
Các TTTC quốc tế (IFC) vì vậy sẽ phải có tỷ lệ giao dịch kinh doanh quốc tế cao hơn nhiều so với TTTC trong nước. Khi tỷ lệ giao dịch quốc tế với người hoặc tổ chức không cư trú trở nên rất cao so với nội địa, các trung tâm đó đôi khi được gọi là TTTC hải ngoại (offshore). Đó cũng là thứ mà Đà Nẵng muốn nhắm tới, nhưng lại không phải là một mục tiêu phù hợp cho TPHCM, vì bản thân các giao dịch tài chính nội địa của TPHCM đã có quy mô rất lớn rồi.
Các giao dịch quốc tế ở TPHCM vì vậy không thể chiếm ở quy mô áp đảo của một TTTC hải ngoại được. Các trung gian tài chính hải ngoại (OFC) chủ yếu giao dịch với người không cư trú là chính, chuyển tiền từ quốc gia này sang quốc gia khác, và nó không phải là mô hình phù hợp cho TP.HCM.
Hiểu nôm na, tham vọng TTTC quốc tế của TPHCM là hướng tới gia tăng tỷ trọng các hoạt động giao dịch tài chính quốc tế, thu hút thêm các tổ chức tài chính nước ngoài đến TPHCM làm ăn và kéo theo các thương vụ quốc tế. Nó phù hợp với mục tiêu tạo động lực tăng trưởng mới cho TPHCM.
Thế nhưng câu hỏi tiếp theo đặt ra là: vì sao các tổ chức quốc tế không đến Singapore, Malaysia, hay Thái Lan mà phải sang Việt Nam để “làm deal quốc tế”? Làm thế nào chúng ta có thể thu hút được họ?
Làm thế nào để thu hút các tổ chức tài chính quốc tế và các thương vụ quốc tế?
Theo khung chính sách của CityUK đưa ra gần đây để nâng sức cạnh tranh của thị trường tài chính London mà tôi đọc được, các yếu tố cốt lõi giúp một thành phố củng cố vị trí TTTC quốc tế bao gồm:
(1) Môi trường kinh doanh và pháp lý: Hệ thống pháp luật rõ ràng, minh bạch, thuận lợi để giải quyết các tranh chấp quốc tế.
(2) Chính sách thuế hấp dẫn và dễ kê khai, theo dõi
(3) Cơ sở hạ tầng hiện đại: Gồm giao thông, công nghệ thông tin, và môi trường số.
(4) Hạ tầng tài chính vững mạnh: Bao gồm các dịch vụ ngân hàng, chứng khoán, quỹ đầu tư và bảo hiểm phát triển.
(5) Sức cạnh tranh trong cung cấp dịch vụ quốc tế: Các IFC phải cạnh tranh với nhau để cung cấp các dịch vụ tài chính và thương vụ từ doanh nghiệp đa quốc gia.
(6) Nhân lực chất lượng cao: Thu hút, đào tạo và giữ chân nguồn nhân lực trí tuệ cao, có trình độ chuyên môn cao trong lĩnh vực tài chính.
Nhìn vào đây chúng ta có thể thấy được sức ép rất lớn về hạ tầng (kẹt xe là một vấn đề rõ ràng), nhân lực (cạnh tranh thu hút nhân tài có kinh nghiệm và quan hệ quốc tế đến Việt Nam), chính sách thuế và hệ thống pháp lý thuận lợi để giải quyết các tranh chấp quốc tế.
Một câu hỏi chắc chắn được đặt ra từ lâu trong các hội thảo về TTTC quốc tế ở Việt Nam đó là nếu có tranh chấp về thương mại, trong thực thi hợp đồng, thì chúng ta đã có chuẩn bị gì và có thể chế nào để giải quyết tranh chấp nhanh chóng không?
Với quan sát của tôi trong 3 năm qua về những gì diễn ra ở châu Âu, một trong những nguyên nhân khiến các thị trường châu Âu vẫn không soán ngôi được London ở vai trò TTTC hàng đầu chính là ở tốc độ xử lý các vướng mắc pháp lý, tranh chấp và thời gian để “chốt deal” quá lâu ở một số nước như Đức và Pháp.
Đây là một thách thức rất rõ ràng mà Việt Nam phải đối mặt và đã được nêu lên. Trong các hội thảo gần đây về TTTC quốc tế, có chuyên gia nói đến việc cần một hệ thống tư pháp riêng biệt, lại có người chỉ ra Việt Nam có thể cần ít nhất một thập kỷ để hoàn thiện hệ thống pháp lý, do sự phức tạp về mặt quản lý tiền tệ cũng như đảm bảo an toàn hệ thống tài chính quốc gia.
Điều đó có nghĩa là điểm nghẽn này không phải không được nhận ra, nhưng làm sao tháo gỡ lại nằm ngoài tầm kiểm soát của TPHCM hay ngay cả bản thân chính phủ mà phải ở tầm phối hợp cao nhất của quốc hội, Đảng và Nhà nước.
Mà ngay cả khi đạt được một hệ thống pháp luật ngang sức với các đối thủ trong khu vực, thì chúng ta vẫn phải trả lời một câu hỏi khác “đâu là thế mạnh của TPHCM so với các TTTC đã vững mạnh trong khu vực như Tokyo, Singapore, Hong Kong, hay ngay cả với đối thủ vừa tầm hơn như là Kuala Lumpur và Bangkok".
Đâu là lối đi riêng của TPHCM?
Chắc chắn TPHCM không thể cạnh tranh sòng phẳng với Tokyo, Singapore hay Hong Kong, vậy thì ta phải tìm lối đi riêng, những khung cửa hẹp nơi mà ta có lợi thế. Một trong những cơ hội đến từ các doanh nghiệp FDI ở Việt Nam.
Với lợi thế là một trong những nước thu hút FDI tốt trong khu vực ASEAN, đồng thời lại có tốc độ tăng trưởng kinh tế ở nhóm dẫn đầu khu vực, và với hoạt động tài chính, giao thương tập trung nhiều ở TPHCM, thì cơ hội nằm ở chỗ khai thác mối quan hệ với các doanh nghiệp FDI. Các tổ chức tài chính có thể hỗ trợ họ huy động vốn quốc tế, làm thương vụ mua bán và sáp nhập quốc tế, và nhiều thứ nữa, với chi phí cạnh tranh hơn Singapore chẳng hạn.
Tận dụng quan hệ mặt-đối-mặt với lãnh đạo doanh nghiệp FDI trong nước, mở ra cơ hội cho họ niêm yết và huy động vốn quốc tế qua trái phiếu và cổ phiếu phát hành quốc tế là một khả năng. Sự dịch chuyển của dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam cũng mở ra cơ hội cho những thương vụ tài chính quốc tế Việt - Trung trong tương lai.
Một yếu tố khác, là không nên đi sáng chế lại những gì đã có sẵn. Chẳng hạn tôi nghe có những đề xuất về sàn giao dịch tiền số thử nghiệm tại trung tâm tài chính. Thực tế thì các sàn giao dịch tiền số đã tồn tại từ lâu với quy mô giao dịch cực kỳ lớn cả thập kỷ nay rồi.
Và không có thị trường nào ở Mỹ, Anh, Singapore, hay Hàn Quốc lại đi lập một sàn mới thử nghiệm tiền số cả. Cái mà họ làm là ra một khung pháp lý để các sàn giao dịch tiền số đã có sẵn được hợp pháp hóa, nộp thuế, ghi nhận danh tính người tham gia để quản lý. Rồi cũng từ đó mà các sản phẩm như quỹ đầu tư ETF tiền số ra đời.
Tóm lại, TTTC quốc tế là một tham vọng đúng sở trường của TPHCM. Nhưng muốn hiện thực hóa tầm nhìn đó sẽ cần một nỗ lực tổng thể ở tầm quốc gia, cũng như những đề xuất khôn khéo ở tầm cơ sở, tìm lối đi riêng cho chính mình. Quan trọng hơn nữa, là những đề xuất cần cân nhắc để không lãng phí nguồn lực để thử nghiệm những định chế, trung tâm, sàn giao dịch không cần thiết.
Hãy đừng sáng chế lại bánh xe, mà hãy tìm cách tận dụng và kết nối những gì đã có sẵn một cách thông minh nhất. Bài học DeepSeek tận dụng chính mô hình AI của OpenAI dạy cho mô hình AI nhỏ hơn, gọn hơn và rẻ hơn của mình là một bài học gần nhất.
Chúng ta không cần đi tắt, đón đầu gì cả (và cũng không nên đi tắt vì hạ tầng, pháp lý, nhân lực đều cần thời gian), chỉ cần chọn lựa đường đi một cách thông minh mà thôi. Mà muốn như vậy, cần những người dẫn đường có nhiều hiểu biết, đó chính là lắng nghe những chuyên gia thật sự hiểu về từng khía cạnh khác nhau của một TTTC quốc tế.
TTTC TPHCM không cần đi tắt, đón đầu, vì hạ tầng, pháp lý, nhân lực đều cần thời gian, chỉ cần chọn lựa đường đi một cách thông minh. Muốn như vậy cần những người dẫn đường có nhiều hiểu biết, đó chính là lắng nghe những chuyên gia thật sự hiểu về từng khía cạnh khác nhau của một TTTC quốc tế.