Trong quá trình tái cơ cấu hệ thống NHTM, cơ quan quản lý đã có chủ trương xã hội hóa nguồn lực và khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài tham gia tái cơ cấu NH, nhất là các NH yếu kém. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng đối với các NHTM, đối tác ngoại chủ yếu chú trọng đến các NH có tiềm năng tăng trưởng, còn các NH yếu kém sẽ khó hút vốn đầu tư để tái cơ cấu.
Chính sách mở
Vài năm trở lại đây, chính sách đã có hướng mở hơn về việc các nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của các TCTD. Cụ thể, Nghị định 01/2014/NĐ-CP thay thế Nghị định 69/2007/NĐ-CP đã cho phép các NHTMCP được phép bán tối đa 20% cổ phần mà không cần xin ý kiến của Chính phủ.
Trong trường hợp đặc biệt, để thực hiện cơ cấu lại TCTD yếu kém, gặp khó khăn, bảo đảm an toàn hệ thống TCTD, tùy từng trường hợp cụ thể Thủ tướng Chính phủ quyết định tỷ lệ sở hữu cổ phần của một tổ chức nước ngoài, một nhà đầu tư chiến lược nước ngoài tại TCTD vượt quá giới hạn quy định.
Khi giao dịch mua bán, bên bán muốn giá cao, bên mua muốn giá thấp và tham vọng của các NH ngoại khi mua lại NH nội chủ yếu là muốn biến NH nội thành NH con tại Việt Nam chứ không phải là chi nhánh NH nước ngoài, nên các đàm phán khó đi đến thành công. |
Với quy định đó, năm 2014, thị trường liên tục bàn tán thông tin về việc GPBank sẽ là NH đầu tiên thí điểm thực hiện bán 100% cổ phần cho đối tác nước ngoài Tập đoàn UOB (Singapore) để tái cơ cấu.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, thương vụ này bất thành và thông tin mới nhất GPBank sẽ được sáp nhập với một NH nội. Trong khi đó, vài năm gần đây, thị trường cũng chứng kiến nhiều cuộc “chia tay” của đối tác ngoại tại các NH nội yếu kém đang cần phải tái cơ cấu. Điều này cho thấy, việc thu hút vốn ngoại để hỗ trợ tái cơ cấu các TCTD yếu là điều không dễ dàng.
Dù vậy, năm 2015, các chính sách ban hành vẫn tiếp tục khuyến khích sự tham gia của đối tác ngoại vào quá trình tái cơ cấu NH trong nước. Theo NHNN, năm nay NHNN tiếp tục thực hiện các biện pháp tái cơ cấu và định hướng Đề án 254, trong đó có định hướng tái cơ cấu các NHTM để trở thành các NH vươn ra tầm khu vực.
Việc xử lý NH yếu kém để tái cơ cấu hệ thống NH được cho biết sẽ chủ yếu dựa vào nguồn lực trong nước, nhưng trong các hướng xử lý ngoài việc ưu tiên các NH tự tái cơ cấu, khuyến khích hợp nhất sáp nhập, NHNN cũng khuyến khích sự tham gia của NH nước ngoài, đặc biệt là tham gia vào các NH yếu kém để có thể giúp các NH cơ cấu lại hoạt động.
NHNN cũng ban hành Thông tư 38/2014/TT-NHNN có hiệu lực kể từ ngày 1-2-2015, quy định cụ thể về các hồ sơ, trình tự, chấp thuận thủ tục để hỗ trợ quá trình nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của TCTD Việt Nam theo Nghị định 01.
Khó vào NH yếu
Theo tổng giám đốc một NHTMCP, định hướng thu hẹp số lượng các NHTM trong nước cộng với việc các NH nội dịch vụ còn yếu, nên cơ hội để cạnh tranh và mở rộng lĩnh vực kinh doanh nếu đối tác ngoại tham gia vào NH nội vẫn còn rất nhiều. Trong khi đó, hiện nay để xin giấy phép thành lập NH 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam không dễ dàng, nếu xin được giấy phép NH ngoại sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn khác như mở rộng mạng lưới, chi nhánh.
Điều này cho thấy nếu đối tác ngoại chấp thuận mua lại NH yếu kém để cải tổ lại, những vấn đề trên sẽ được giải quyết dễ dàng. Vì vậy, cơ quan quản lý cũng kỳ vọng các đối tác ngoại tham gia thông qua quy định xem xét, tăng giới hạn sở hữu cổ phần của TCTD nước ngoài tại các NHTMCP yếu kém được cơ cấu lại.
Tuy nhiên, qua quá trình đàm phán với các đối tác ngoại, vị lãnh đạo này cho rằng, để các nhà đầu tư ngoại tham gia vào hoạt động tái cơ cấu các NH nội vẫn nhiều rào cản. Chẳng hạn đối với các NH không nằm trong diện yếu kém, đối tác ngoại muốn rót vốn nhưng room hiện nay vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu.
Tại các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, room cho khối ngoại tại các TCTD được áp dụng từ 30-50%, cao hơn so với Việt Nam. Tỷ lệ này giúp nhà đầu tư ngoại có quyền chi phối tại NH, từ đó thúc đẩy họ hỗ trợ NH phát triển tối đa, còn với tỷ lệ tối đa 20% như ở Việt Nam, đối tác ngoại cảm thấy chưa có được tiếng nói quan trọng và e ngại rót vốn.
Với các NH yếu kém cần tái cơ cấu, dù chính sách có đề cập sẽ tăng giới hạn sở hữu cổ phần, thậm chí cho phép đối tác ngoại mua 100% vốn của TCTD yếu kém cũng không hẳn sẽ thu hút được nhà đầu tư, vì các NH này hầu như không có tiềm năng tăng trưởng, đồng thời các khoản nợ xấu đang gánh không nhỏ trong khi các giải pháp xử lý nợ xấu vẫn chưa thông.
Theo TS. Cao Sỹ Kiêm, nhu cầu thu hút vốn đầu tư nước ngoài của các NHTM, nhất là NH yếu kém là tất yếu vì ngành NH Việt Nam còn non trẻ, quản trị yếu kém, năng lực tài chính hạn chế trong khi sức ép cạnh tranh ngày càng lớn. Trước đây, cuộc “hôn nhân” nội-ngoại cũng đã thu được nhiều kết quả tốt, giúp các NH nội tăng trưởng và phát triển mạnh.
Tuy nhiên, cũng có trường hợp sau khi hợp tác nhiều năm NH nội vẫn dậm chân tại chỗ như trường hợp Southernbank và UOB. Còn trong giai đoạn hiện nay, khi hệ thống NHTM vẫn đang tiếp tục quá trình tái cơ cấu và giải quyết nợ xấu rất khó để thu hút vốn ngoại đổ vào các NH Việt.
Trong khi đó, ông Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, cho biết trước nay không kỳ vọng nhiều sự tham gia của dòng vốn ngoại vào quá trình tái cấu trúc ngành NH, việc này chỉ có thể dựa vào thực lực nội bộ, để NH mạnh hỗ trợ NH yếu. Việc xử lý nợ xấu mới cần thu hút vốn ngoại.
Ảnh minh họa: LÊ TOÀN |
Về xu hướng mua bán sáp nhập năm 2015, ngành NH hứa hẹn 1 năm bùng nổ các thương vụ sáp nhập, hợp nhất.
Nhưng ông Phạm Văn Thinh, Tổng giám đốc Công ty TNHH Deloitte Việt Nam, dự báo các thương vụ trong ngành NH đều là NH nội “kết hôn” với NH nội, nhiều NH yếu kém sẽ sáp nhập hoặc bán cho các NH khác và các NH mua lại công ty tài chính để NH phát triển mạnh hơn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhà nước thoái vốn ngoài ngành.
Lĩnh vực bất động sản và bán lẻ mới là lĩnh vực hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài, vì họ muốn tham gia vào thị trường Việt Nam với nhiều thương vụ, dự án lớn.