![]() |
Theo chương trình, ngày mai 12-6, Chính phủ sẽ trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết về các giải pháp thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và cá nhân năm 2012. Những giải pháp về thuế được đưa ra trong dự thảo này đang nhận được nhiều quan điểm khác nhau về tính hiệu quả trong việc tháo gỡ những khó khăn mà nền kinh tế đang đối mặt.
Khó khăn bộc lộ rõ nhất nền kinh tế hiện nay là việc tăng trưởng kinh tế quý I chỉ tăng 4%; số doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh ngừng hoạt động, phá sản, giải thể ngày càng nhiều, kéo theo tình trạng thất nghiệp gia tăng, thu ngân sách nhà nước cũng suy giảm, trong khi khoản chi ngân sách có xu hướng đang tăng lên, hàng hóa tồn kho tăng cao. Kéo theo đó là tinh thần doanh nhân Việt Nam đang ngày càng xuống dốc.
Nhìn nhận về gói giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trị giá 29.000 tỷ đồng của Chính phủ, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội chỉ đồng tình với việc giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, bác đề xuất miễn thuế với các đối tượng còn lại vì cho rằng không khả thi, không hiệu quả.
Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội, chuyên gia cho rằng sở dĩ các giải pháp Chính phủ chưa nhận được đồng thuận cao vì chưa đánh giá chính xác vấn đề khó khăn của doanh nghiệp; chưa thấu đáo về các giải pháp hỗ trợ miễn, giãn, giảm thuế áp dụng năm 2011... nên chưa thuyết phục.
Ngay bản thân lãnh đạo cao nhất Bộ Tài chính cũng thừa nhận thực tế năm 2009 đã giảm thuế GTGT nhưng doanh nghiệp cũng không giảm giá bán để người tiêu dùng được hưởng, trong khi đó lại không có chế tài hoặc cơ chế để bắt buộc doanh nghiệp phải giảm giá khi giảm thuế.
Để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế vượt qua khó khăn, bên cạnh việc hỗ trợ về thuế đối với doanh nghiệp và hộ sản xuất kinh doanh, cần bổ sung thêm miễn thuế thu nhập cá nhân ở các bậc trong khi chờ đợi sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân.
Số tiền thất thu từ khoản này khoảng 2.500 tỷ đồng, nhưng bù lại có thể hỗ trợ tiêu thụ, kích hàng hóa tồn kho, cầu tiêu dùng. Bên cạnh đó, cần hỗ trợ xúc tiến thương mại cả trong và ngoài nước và kiểm soát chặt chẽ hàng nhập khẩu, nhập lậu, xử phạt nghiêm minh hàng giả, hàng trốn thuế đang làm tổn thương đến những người sản xuất chân chính trong nước.
Đại biểu Trần Du Lịch (TPHCM) đề nghị cần đưa ra tín hiệu rõ với thị trường rằng sau kỳ họp thứ 3 sẽ giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 25% xuống 20%. Thông điệp như vậy sẽ tạo niềm tin cho doanh nghiệp, giống như người bệnh tin thầy thuốc uống thuốc mới hiệu quả.
Trong phạm vi kế hoạch ngân sách, từ nay đến cuối năm có thể giải ngân 21.000 tỷ đồng/tháng và với giả định tăng trưởng tín dụng 2012 là 12%, thì 7 tháng còn lại có thể mỗi tháng bơm ra thị trường 50.000 tỷ đồng. Như vậy, cộng cả ngân sách và tín dụng, mỗi tháng có hơn 70.000 tỷ đồng bơm thị trường.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là làm sao thực hiện hiệu quả việc kích thích thị trường, đừng để tình trạng siết chặt rồi lại nới lỏng gây lạm phát năm sau, tức phải có biện pháp để nền kinh tế hấp thụ được dòng vốn, tạo ra của cải cho xã hội.
Điều này dường như bắt nguồn từ sự điều hành của chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa từ đầu năm đến nay đã duy trì sự chặt chẽ, thắt chặt quá lâu, thay vì phát hiện các chỉ số của kinh tế vĩ mô có biểu hiện bất bình thường để có sự điều chỉnh.
Theo một số chuyên gia, chính sách tiền tệ, cần tiếp tục linh hoạt và lãi suất tiếp tục điều hành theo hướng giảm để tháo gỡ những điểm nghẽn cho nền kinh tế.
Yêu cầu hiện nay là cần có các giải pháp đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm; có chính sách tín dụng hợp lý để kích thích tiêu dùng, tạo điều kiện người dân thuộc đối tượng có thu nhập thấp có thể mua được nhà ở...
Trong lúc sản xuất trong nước đình đốn cần có những biện pháp thiết thực, hiệu quả, hạn chế đến mức cao nhất việc nhập khẩu những mặt hàng trong nước đã sản xuất được; tập trung tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn; những doanh nghiệp, những ngành nghề sử dụng lao động có lợi thế cạnh tranh về sản phẩm, có thị trường tiêu thụ.... Có vậy mới đánh trúng, gỡ đúng các khó khăn của doanh nghiệp.