Đồng thời, người tiêu dùng chuyển sang chi tiêu các sản phẩm khác mang tính chất thay thế (thực phẩm chế biến tại nhà so với đi ăn ngoài).
Thí dụ người tiêu dùng không sử dụng dịch vụ khách sạn, chi tiêu ít hơn đối với việc mua sắm hành lý để du lịch. Ngoài ra, thu nhập của người lao động trong các doanh nghiệp ngừng hoạt động lại là cầu đối với các ngành khác.
Chẳng hạn công nhân trong các ngành bị ảnh hưởng sẽ mất thu nhập và cắt giảm chi tiêu đối với các hàng hóa và dịch vụ của các ngành khác.
Đối với nền kinh tế Việt Nam, quốc gia có độ mở thương mại lớn, trong đó hàng xuất khẩu (một yếu tố của tổng cầu) đóng vai trò quan trọng. Cầu hàng hóa xuất khẩu lại phụ thuộc lớn vào các thị trường đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 như Mỹ và châu Âu.
Do vậy khi xảy ra đại dịch, hoạt động thương mại quốc tế bị ảnh hưởng, cầu đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam sụt giảm mạnh, xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ giảm 8,45% trong quý II và giảm 0,31% trong 6 tháng đầu năm 2020 (so với cùng kỳ năm 2019).
Trong 6 tháng đầu năm 2020, tiêu dùng cuối cùng chỉ tăng 0,04% trong quý II và tăng 0,69% so với cùng kỳ 2019. Đối với hộ gia đình cầu hàng hóa sụt giảm, dẫn đến sự sụt giảm mạnh của các ngành dịch vụ như du lịch, vận tải - kho bãi, bán lẻ, giáo dục - đào tạo.
Theo thống kê, quy mô tiêu dùng hộ gia đình tương đương 80% GDP và đóng góp gần 12% đối với tăng trưởng GDP năm 2019. Vì thế việc kích thích tiêu dùng của hộ gia đình được xem là giải pháp quan trọng trong tình hình hiện nay.
Như vậy, việc hỗ trợ tiêu dùng nội địa có thể được thực hiện theo hình thức duy trì việc làm của người lao động tại doanh nghiệp bị ảnh hưởng, gọi là tích trữ lao động. Để thực hiện điều này, Chính phủ cần có các chính sách hỗ trợ nhắm trực tiếp vào các doanh nghiệp bị ảnh hưởng, chẳng hạn như cung cấp các khoản vay khẩn cấp.
Còn việc Chính phủ đóng vai trò là người mua cuối cùng. Chẳng hạn trường hợp của ngành hàng không, nếu cầu đối với ngành này sụt giảm 80%, Chính phủ sẽ là người đứng ra mua lại toàn bộ 80% lượng vé và duy trì ổn định doanh thu của ngành. Đây chính là hình thức bảo hiểm xã hội mới trực tiếp hướng tới các doanh nghiệp.
Đối với chi tiêu của Chính phủ, một yếu tố của tổng cầu, nhiều ý kiến cho rằng Chính phủ cần tăng chi tiêu để hỗ trợ cho nền kinh tế. Tuy nhiên cần lưu ý rằng tăng chi tiêu của Chính phủ sẽ có tác động nâng đỡ thu nhập đối với các ngành không bị ảnh hưởng, nhưng không có tác động đối với các ngành bị ảnh hưởng trực tiếp bởi đại dịch (như đã trình bày ở trên).
Do vậy, người lao động trong khu vực bị ảnh hưởng trực tiếp bởi đại dịch - những người có xu hướng tiêu dùng cao nhất có thể sẽ không được hưởng lợi từ việc tăng tiêu dùng của Chính phủ, đây cũng là điều Việt Nam cần lưu ý.