Tỷ giá ổn định, tạo mặt bằng giá mới
Trước áp lực tỷ giá, vào đầu tháng 7, NHNN đã hạ giá bán USD xuống mức rất thấp 23.050 đồng để hỗ trợ nhu cầu ngoại tệ cho các ngân hàng thương mại (NHTM). Mức giá này được duy trì cho tới trước ngày 23-7. Trong thời gian đó, NHNN đã bán ra một lượng ngoại tệ nhất định, tuy nhiên khối lượng này không đủ để giải cơn khát của thị trường, bởi nguyên nhân trực tiếp gây áp lực lên tỷ giá không nằm ở cung cầu ngoại tệ thực tế mà ở tâm lý thị trường.
So với VNĐ, NDT đã mất 4,5% sau 2 tháng và 6,4% kể từ đầu tháng 4. Nếu so với cùng thời điểm này năm ngoái, NDT vẫn tăng nhẹ 0,56% so với VNĐ. Việc chạy theo NDT để điều chỉnh đồng VNĐ là không cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh nợ nước ngoài của Việt Nam còn rất cao. |
Tín phiếu đã được phát hành với tổng giá trị 60.000 tỷ đồng để hút tiền khỏi lưu thông. Kỳ hạn tín phiếu không chỉ có 28 và 91 ngày như trước, mà đã có thêm nhiều kỳ hạn, bao gồm 7, 14, 28, 91 và 140 ngày. Lãi suất tín phiếu tăng rõ rệt, kỳ hạn 28 ngày tăng từ 1,25% lên 2,25%, sau đó 2,75%.
Lãi suất cao nhất là kỳ hạn 140 ngày: 3,75%. Nguồn cung nội tệ bị thu hẹp cùng lúc bằng tín phiếu, mua USD từ NHNN, và Kho bạc Nhà nước (KBNN) chuyển tiền gửi từ các NHTM về NHNN. Nhờ vậy lãi suất VNĐ qua đêm đã đứng ở mức cao 2-4%.
Nhờ có động thái của NHNN, tỷ giá giao dịch ổn định hơn và tìm được mặt bằng giá mới. Tỷ giá tự do dần hạ nhiệt. Tỷ giá NH và tự do hiện giao dịch vào khoảng 23.250 đồng/23.330 đồng/USD và 23.400 đồng/23.420 đồng/USD. Tỷ giá chính thức đã tăng 2,5% kể từ đầu năm (riêng trong tháng 7 đã tăng 1,5%). Trong khi đó tỷ giá trung tâm mới tăng 1,1% lên khoảng 22.670 đồng, khiến tỷ giá chính thức đã tiến sát trần biên độ 3%.
Xét về cung cầu ngoại tệ, thực tế giai đoạn này vẫn chưa thực sự quá căng. Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, nhập siêu tháng 7 là 650 triệu USD, tăng so với ước tính của Tổng cục Thống kê (tính từ đầu năm, cả nước vẫn xuất siêu 3,1 tỷ USD). Bên cạnh đó, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam ngừng nhập khẩu xăng dầu từ tháng 8, thay vào đó mua sản phẩm từ Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn cũng sẽ làm giảm bớt nhu cầu USD.
Trên thị trường thế giới, đồng USD vẫn duy trì ổn định ở quanh ngưỡng 95 điểm trong hơn một tháng qua. Tuy nhiên, điều mà thị trường lo ngại lại là việc đồng nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc mất giá 3,3% chỉ trong tháng 7 và mất 7% trong chưa đầy 2 tháng.
Lãi suất tăng mạnh trên thị trường trái phiếu
Lãi suất tăng mạnh trên thị trường trái phiếu
Trên thị trường trái phiếu, xu hướng tăng lãi suất ngày càng thể hiện rõ nét ở cả thị trường sơ cấp và thứ cấp. Kể từ đầu quý II, kỳ vọng lãi suất của thị trường bắt đầu tăng khiến KBNN gặp khó khăn trong phát hành trái phiếu chính phủ (TPCP). Điều này khiến KBNN buộc phải nâng dần lãi suất để có thể huy động được trái phiếu, tuy nhiên cũng chỉ ưu tiên huy động các kỳ hạn dài.
Tính tới cuối tháng 7, lãi suất trúng thầu TPCP đã tăng khoảng 50bps so với mức đáy vào cuối tháng 3, nhưng vẫn thấp hơn so với cuối năm 2017. KBNN đã phát hành được tổng cộng 90.000 tỷ đồng trái phiếu, tương đương 45% kế hoạch cả năm. Kỳ hạn bình quân đạt 12,86 năm, trong đó 2 kỳ hạn 10 và 15 năm chiếm tỷ trọng lớn nhất, tương ứng 36% và 28% tổng giá trị phát hành.
Trên thị trường thứ cấp, xu hướng tăng lãi suất đã xảy ra sớm hơn sơ cấp và đã tăng từ tháng 2. Trong giai đoạn đầu, lãi suất các kỳ hạn dài tăng trước khiến đường cong lãi suất dốc lên. Lãi suất trái phiếu tăng không trực tiếp tác động tới các thị trường khác, tuy nhiên do thị trường trái phiếu phản ánh kỳ vọng của các thành viên thị trường, trong đó có các NHTM, nên lãi suất trái phiếu tăng là một biểu hiện sớm của xu hướng lãi suất NH. Lãi suất huy động thị trường 1 giữ xu hướng giảm từ đầu năm và chạm đáy vào cuối tháng 6. Lãi suất bắt đầu tăng trở lại nhưng mới quan sát thấy ở các kỳ hạn ngắn.
Việc tăng trưởng tín dụng chậm lại và lạm phát được kiểm soát tốt là các nhân tố hỗ trợ để giữ lãi suất thị trường 1 không tăng quá cao. Tuy nhiên với diễn biến tỷ giá như vừa qua, việc sử dụng lãi suất, bao gồm cả thị trường 1 để bảo vệ VNĐ là một khả năng không thể loại trừ.
TTCK phục hồi từ đáy
Tháng 7 đánh dấu thời điểm TTCK chạm đáy và phục hồi. Chịu tác động từ các yếu tố bên ngoài mà lớn nhất là rủi ro từ chiến tranh thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc, TTCK Việt Nam tiếp tục lao dốc trong nửa đầu tháng, để mất mốc 900 điểm và chạm 896,16 điểm vào phiên ngày 11-7. VN Index sau đó phục hồi 60 điểm đạt 956,39 điểm vào cuối tháng, tăng 7% từ đáy nhưng vẫn thấp hơn 2,8% so với đầu năm.
Sự phục hồi của giai đoạn này ngoài lý do giá CP giảm sâu kích thích sức mua, một nguyên nhân khác là mùa công bố kết quả kinh doanh. Tăng trưởng lợi nhuận nhìn chung vẫn ở mức cao, đặc biệt ở nhóm NH kéo định giá thị trường giảm về 16,4x tại mức đáy vào phiên ngày 11-7. Nếu không tính một số CP lớn mới niêm yết từ đầu năm như VHM, TCB thì P/E của VN Index vào khoảng 15,6x, tương đương với mức bình quân năm 2017.
Tính tới ngày 10-8, đã có 687 công ty công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm với tổng lợi nhuận tăng 29,6% so với cùng kỳ và cao hơn so với mức tăng 23% của năm 2017. Trong đó 29 công ty nhóm VN30 tăng 23,61%. Kết quả kinh doanh tích cực được ghi nhận ở các nhóm ngành NH, dịch vụ tài chính, bán lẻ và điện, nước, xăng dầu khí đốt với lợi nhuận tăng 28,8-53,9%.
Mặc dù đã tăng điểm, nhưng dòng tiền trên thị trường nhìn chung còn yếu. Các chỉ số giằng co thiếu dứt khoát với thanh khoản chỉ đạt mức trung bình 4.600 tỷ đồng/phiên, tương đương 1/2 mức giao dịch những tháng đầu năm, thấp nhất kể từ tháng 10-2017. NĐTNN tiếp tục bán ròng làm tăng sức ép lên thị trường.
Trong tháng 7, do thiếu vắng các giao dịch mua thỏa thuận lớn, khối ngoại đã bán ròng 2.037 tỷ đồng trên cả hai sàn. Tuy vậy, lực bán khá tập trung vào một số CP vốn hóa lớn như: VIC (1.863 tỷ đồng), VHM (393 tỷ đồng), HPG (342 tỷ đồng) và MSN (266 tỷ đồng).