Đáng chú ý, nhập khẩu một số mặt hàng sắt thép trong quý 1 vẫn tăng cao so với cùng kỳ, như: thép tôn mạ màu hơn 84.000 tấn, tăng 40%; thép thanh que hình hơn 141.000 tấn, tăng 113%; thép cuộn cán nguội gần 160.000 tấn, tăng 158%.
Ngoài ra, nhập khẩu ống thép hàn, dây thép, mạ loại khác, thép không gỉ... cũng tăng cao. Đặc biệt, kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng sắt thép từ thị trường Trung Quốc vào Việt Nam vẫn rất lớn.
Trong 2 tháng đầu năm nay, tổng lượng nhập khẩu gần 2,74 triệu tấn, trị giá hơn 1,49 tỷ USD thì riêng nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm hơn 1,53 triệu tấn, trị giá 786 triệu USD. Con số này tuy chỉ tăng khoảng 8% về lượng nhưng xét về trị giá tăng xấp xỉ 62% so với cùng kỳ năm trước.
Cùng với áp lực cạnh tranh gay gắt trước các sản phẩm sắt thép nhập khẩu, các sản phẩm sắt thép Việt Nam xuất khẩu cũng đang đứng trước những thách thức đến từ các biện pháp phòng vệ thương mại từ thị trường nhập khẩu.
Theo thống kê của Hội đồng tư vấn về Phòng vệ thương mại (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam), đến hết tháng 7-2016, chỉ tính riêng trong số gần 100 vụ kiện chống bán phá giá thì ngành thép Việt có liên quan tới khoảng 20 vụ.
Để tháo gỡ khó khăn, nhiều doanh nghiệp thép trong nước, một mặt sẽ tiếp tục nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh; mặt khác, cũng kiến nghị Nhà nước có các chính sách, giải pháp để kiểm soát nhập khẩu sắt thép; ngăn chặn, chống gian lận thương mại, gây thiệt hại cho các nhà sản xuất trong nước.
Trong khi đó, số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong quý 1-2017, cả nước đã nhập khẩu hơn 1 triệu tấn sắt thép phế liệu, trị giá hơn 276,8 triệu USD, trung bình 6 triệu đồng/tấn. Lượng nhập trung bình hơn 11.000 tấn/ngày, cao hơn 1.000 tấn so với lượng nhập trung bình của cả năm 2016.
Sở dĩ có hiện tượng sắt thép phế liệu nhập khẩu ồ ạt là nhiều nhà máy luyện sắt thép trong nước sử dụng công nghệ cũ vẫn dùng sắt thép phế liệu như thành phần chính để luyện gang, thép. Đây là quá trình giúp tiết kiệm chi phí so với sản xuất thép từ quá trình luyện cốc và từ phôi thép đi lên.
Tuy nhiên, chỉ từ 60% - 70% phế liệu cho ra sản phẩm sắt thép, còn lại là tạp phẩm được loại bỏ trong quá trình sản xuất. Tính đến hết năm 2016, trong 63 tỉnh thành, có hơn 40 tỉnh có cơ sở nhập khẩu, chế biến phế liệu sắt thép, 1/3 trong số đó là các cơ sở gia công, chế biến sắt thép nhập khẩu là các xưởng, doanh nghiệp cung cấp nguyên phụ liệu cho các nhà máy sắt thép trong nước.
Chính vì điều này dẫn đến nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao bởi lượng sắt thép phế liệu thường đi kèm với nhiều loại chất thải độc hại, cần xử lý triệt để trước khi thải ra môi trường.