Kinh tế hậu Covid: Bài học từ Nhật Bản

(ĐTTCO) - Khi các nền kinh tế trên thế giới vật lộn để phục hồi sau tác động của đại dịch Covid-19: tăng trưởng thấp và lãi suất cực thấp. Vậy bài học nào có thể rút ra từ Nhật Bản, đất nước từng chiến đấu với những xu hướng này trong hàng thập niên?

Kinh tế Nhật Bản chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Kinh tế Nhật Bản chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Người Nhật đã từng khủng hoảng tương tự như Covid
Hiroshi Nakaso, cựu Phó Thống đốc NHTW Nhật Bản (BOJ), cho biết: “Những gì từng được coi là vấn đề của Nhật Bản giờ đây ít nhiều sẽ đối mặt với châu Âu. Tôi không khẳng định châu Âu sẽ đi theo con đường của Nhật Bản, nhưng kinh nghiệm của Nhật Bản chắc chắn cung cấp những gợi ý”. Về mặt kinh tế, đó là tầm quan trọng sống còn của việc duy trì niềm tin công chúng vào chính sách NHTW, và sự cần thiết của chiến lược tạo ra tăng trưởng kinh tế. Hàng thập niên kinh nghiệm của Nhật Bản đã tạo ra khuôn mẫu về cách đất nước có thể sống với lãi suất thấp. 
Triển vọng đó khiến một số người không khỏi lo lắng, vì sự trì trệ Nhật Bản đã chứng kiến trong 3 thập niên trước. Kể từ năm 1990, Nhật Bản đã ghi nhận mức tăng trưởng thực tế trung bình hàng năm 0,8% và lạm phát 0,4%. Tính theo USD, thu nhập bình quân đầu người ở Nhật Bản thấp hơn 1/3 so với ở Mỹ. Nhật Bản là trường hợp điển hình về những gì xảy ra trong môi trường lạm phát và lãi suất thấp dai dẳng - một tình huống mà hiện nay nhiều nước có thể phải đối mặt sau đại dịch Covid-19.
Tuy nhiên, để rút ra bất kỳ bài học nào, điều quan trọng phải hiểu những gì đã thực sự xảy ra ở Nhật Bản trong 30 năm qua. Dù kết quả của tăng trưởng thấp, lạm phát thấp và lãi suất thấp trông giống nhau trong suốt thời kỳ này, nhưng các động lực kinh tế đã thay đổi rất nhiều. Có 3 giai đoạn riêng biệt nhưng củng cố lẫn nhau: khủng hoảng tài chính những năm 1990; giảm phát dai dẳng và nhẹ dần trong những năm 2000; và vào những năm 2010 là nỗ lực chống lại tình trạng nhân khẩu học đang già đi của Nhật Bản. 

Khủng hoảng ngân hàng thập niên 1990
Vào những năm đầu của thập niên 1990, mọi người dần hiểu ra đỉnh cao nhất của thị trường chứng khoán và đất đai chính là “bong bóng” được hỗ trợ bởi hàng ngàn tỷ yên vay ngân hàng, mà các nhà đầu cơ và phát triển bất động sản không có cách nào hoàn trả. Tuy nhiên, thay vì cưỡng chế các khoản nợ xấu, các công ty Nhật Bản và chủ ngân hàng giả vờ rằng tài sản vẫn còn vững chắc và các khoản nợ vẫn tốt. Minoru Masubuchi tiếp quản Bộ phận hệ thống tài chính của BOJ vào năm 1994, kể: “Khi đảm nhận vị trí này, tôi nghĩ chúng tôi đã biết từ khá sớm rằng đó là vấn đề cực kỳ nghiêm trọng. Tuy nhiên, đối với thế giới nói chung không có nhận thức như vậy”. 
Các nhà kỹ trị muốn tái cấp vốn cho các ngân hàng bằng tiền công, nhưng họ không thể thuyết phục các chính trị gia. Những nỗ lực ban đầu để chấn chỉnh các ngân hàng đã khiến vấn đề trở nên tồi tệ hơn. Vào đầu năm 1997, Bộ Tài chính cho biết sẽ can thiệp nếu tỷ lệ vốn giảm xuống dưới mức nhất định, nhưng điều đó đã khiến các ngân hàng cắt giảm cho vay để tiếp tục tồn tại. Hiroshi Yoshikawa, thành viên Hội đồng Kinh tế của chính phủ từ 2001-2006, cho biết: “Nhiều công ty vừa và nhỏ đã thất bại. Năm 1997-1998 thực sự là một trong những năm tồi tệ nhất đối với Nhật Bản thời hậu chiến".
Một cuộc khủng hoảng tín dụng lan rộng đã tác động đến nền kinh tế. Do tổn thương bởi bong bóng, BOJ đã chậm chạp trong việc cắt giảm lãi suất và các vòng kích thích tài khóa lặp đi lặp lại không có nhiều tác dụng. Lạm phát giảm dần và đến năm 1999 đã xuống dưới 0. Nhưng nguyên nhân cơ bản do cuộc khủng hoảng ngân hàng chưa được giải quyết. 
Từ bên kia Thái Bình Dương, các nhà hoạch định chính sách của Mỹ đã học được bài học này một cách thấu đáo. Khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu xảy ra năm 2008-2009, họ đã nhanh chóng cắt giảm lãi suất và ép vốn công vào các ngân hàng thông qua chương trình cứu trợ tài sản. 

Giai đoạn đình trệ những năm 2000 
Trong giai đoạn này, sự yếu kém của nền kinh tế Nhật Bản rất rõ ràng, buộc BOJ phải hành động. Đầu tiên, BOJ cắt giảm lãi suất xuống 0. Trong khi đó, Nobuyuki Nakahara, thành viên Ban Chính sách của BOJ, bắt đầu thúc đẩy các ý tưởng của nhà kinh tế học người Mỹ Bennett McCallum. Ông McCallum đề xuất quy tắc về cách NHTW nên tăng cung tiền khi nền kinh tế rơi vào tình trạng thiếu việc làm. Ông Nakahara gọi đây là "nới lỏng định lượng". Việc này đã làm giảm lãi suất dài hạn và có tác động làm dịu thị trường tài chính, nhưng nó không làm thay đổi lạm phát hoặc tăng trưởng, vốn phục hồi chậm trong những năm 2000. “Về chính sách tiền tệ, kinh nghiệm cho chúng tôi biết rằng việc duy trì kỳ vọng lạm phát là quan trọng. Tại Nhật Bản, trong thời kỳ giảm phát kéo dài, kỳ vọng lạm phát được duy trì quanh mức 0” - ông Nakaso cho biết.
Một trong những bài học kinh nghiệm cơ bản của Nhật Bản là phải có hành động tích cực để ngăn chặn bất kỳ sự sụt giảm kỳ vọng lạm phát nào. Bài học này đã được ứng dụng tại các NHTW ở các nền kinh tế phát triển. Jay Powell, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), đã cam kết tăng lạm phát ở mức vừa phải, đảm bảo kỳ vọng lạm phát không giảm xuống 0 sau đại dịch. NHTW châu Âu và Ngân hàng Anh đều đã sửa đổi hướng dẫn của họ để cam kết giữ chính sách tiền tệ lỏng lẻo hơn hiện tại, cho đến khi lạm phát tăng trở lại mục tiêu và không có dấu hiệu giảm trở lại.

Điều chỉnh kỳ vọng
Đối với nhiều người, đặc biệt là người cao tuổi, lạm phát thấp là điều tốt và khoản nợ công lớn sẽ ít gây khó khăn hơn khi nó có lãi suất bằng 0. Tuy nhiên, sự lạc quan như vậy lại bao hàm những vấn đề khó khăn của quản lý kinh tế. Trong 3 thập niên qua, nền kinh tế Nhật Bản đã hoạt động dưới công suất, hủy hoại cơ hội sống của hàng triệu người trong một thị trường lao động yếu kém. Lựa chọn duy nhất của đất nước khi cuộc khủng hoảng như Covid-19 xảy ra là đẩy nợ công ngày càng tăng.
Bài học từ kinh nghiệm của Nhật Bản là lộ trình đến lãi suất bằng 0 và lạm phát bằng 0 không quan trọng. Yêu cầu quan trọng là phải tìm ra cách để ngăn chặn đà lao dốc tạm thời xuống mức lãi suất bằng 0. Cho đến nay, Mỹ và Anh đã tránh rơi vào cái bẫy kỳ vọng lạm phát bằng 0, nhưng ECB lại rất nguy hiểm. Điều quan trọng nhất là qua những kinh nghiệm cụ thể của Nhật Bản để nhận ra rằng bất kể khó khăn gì, các quốc gia không được từ bỏ nhiệm vụ tăng trưởng và làm bất cứ điều gì để duy trì việc làm cao...    

Các tin khác