Kinh tế kiệt quệ vì dòng vốn ứ đọng

(ĐTTCO) - Tiền đang tồn kho lớn trong hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM), trong khi đầu ra tín dụng khá ì ạch. NHNN buộc phải phát hành tín phiếu và đã hút hơn 110.000 tỷ đồng tiền trong lưu thông về.
Kinh tế kiệt quệ vì dòng vốn ứ đọng

Dòng vốn ứ đọng đang là nỗi trăn trở của nhà điều hành và các phương án “chữa bệnh” như giảm lãi suất, mở gói tín dụng cho từng lĩnh vực… vẫn chưa khai thông được. ĐTTC đã có cuộc trao đổi với TS. NGUYỄN TRÍ HIẾU, chuyên gia tài chính NH xung quanh các vấn đề này.

PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, ông nhận định như thế nào về tình trạng này?

TS. NGUYỄN TRÍ HIẾU: - Sản phẩm của ngành NH là tiền và NH cũng cần phải có một lượng tồn kho, song tồn kho này có một giới hạn vì vòng quay dòng tiền của các NH rất quan trọng. Thời điểm này, tồn kho quá lớn, tức tiền đang bị ế.

Tình trạng đó xuất phát từ việc các NH nhận được rất nhiều tiền gửi vì trong nền kinh tế có lẽ không còn kênh nào có tính an toàn và có tính sinh lời cao như NH. Thị trường chứng khoán rớt điểm, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) chưa phục hồi, thị trường bất động sản lình xình, thị trường vàng đã có nhiều biến động nhưng không vững chắc và có thể sẽ giảm giá trong thời gian tới. Trên thị trường ngoại hối, tỷ giá tăng nhưng đó không phải là kênh đầu tư cho đại chúng. Vì vậy, rất nhiều người chọn cách dồn tiền gửi NH ngay cả khi lãi suất thấp.

Cũng nói thêm, việc chạy đua huy động của các NH từ cuối năm 2022 kéo dài đến đầu năm 2023 cũng có thể là một động cơ, một nguyên nhân dẫn đến thừa tiền. Cuối năm ngoái, các NH thiếu vốn nên họ tăng lãi suất lên rất cao. Sang đầu năm 2023, tình trạng lãi suất cao để tăng huy động cũng vẫn còn.

Sau đó dưới áp lực của NHNN, họ mới kéo lãi suất xuống. Nhưng tổng thể, dòng vốn huy động vào tương đối cao hơn năm ngoái. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho biết, tính đến ngày 20-9, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 5,8% so với cuối năm 2022, cùng thời điểm năm trước chỉ tăng 4,04%.

Lượng tiền trong kho lớn, các NH lại không thể sử dụng được một cách hiệu quả, vì các DN cần vay vốn đối mặt với tình hình tài chính đang xuống dốc, không có tài sản thế chấp. Đồng thời cũng có rất nhiều DN hiện không muốn vay vì họ không sản xuất kinh doanh được, không bán hàng được, càng vay sẽ càng lỗ.

Theo đó, hàng tồn kho là tiền của ngành NH đang càng ngày càng tăng. Đó là mối lo âu của cả NHNN và cả hệ thống NHTM. Và như vậy cũng không thúc đẩy được tăng trưởng kinh tế.

- Không chỉ trong hệ thống NH mà cả TP Chính phủ cũng có dấu hiệu thừa tiền khi lãi suất huy động giảm sâu. Huy động TPDN 9 tháng qua giảm 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Phải chăng dòng tiền hỗ trợ DN, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hiện nay đang gần như bất động?

- Có một hiện tượng lạ đang diễn ra là nền kinh tế vừa thừa tiền lại vừa thiếu tiền. Cách đây 3 tuần, NHNN khởi động lại việc phát hành tín phiếu để hút lượng tiền trong lưu thông về, chứng tỏ là nền kinh tế hiện tại đang thừa tiền. Các NH cũng khó khăn vì không cho vay được.

Trong khi đó, các DN lại đang kêu khát vì không tiếp cận được vốn. Đồng thời, ngay cả Chính phủ cũng có tiền nhưng không sử dụng được. Trong khi đầu tư công diễn ra chậm trong năm nay. Sự trì trệ đó khiến vòng quay của đồng tiền rất chậm và sẽ ảnh hưởng tới tăng trưởng của cả nền kinh tế năm nay.

Cho đến thời điểm hiện tại, mục tiêu tăng trưởng GDP năm nay vẫn là 6-6,5%, nhưng các tổ chức quốc tế dự báo khoảng 5-5,8%. Nhìn vào bối cảnh chung, tôi dự báo GDP năm nay trong kịch bản lạc quan sẽ tăng khoảng 5,5%.

- Nhà điều hành đang tập trung vào câu chuyện chữa bệnh thừa tiền với hàng loạt biện pháp. Nhưng qua 9 tháng, tín dụng chỉ mới tăng 6,92%, gần phân nửa mục tiêu định hướng cả năm. Vậy theo ông phương pháp nào thiết thực để bơm vốn cho nền kinh tế qua đó chữa căn bệnh thừa tiền?

- Tăng trưởng tín dụng trong 9 tháng đầu năm rất thấp, và từ đây đến cuối năm chỉ còn có 3 tháng nữa mục tiêu 14% sẽ rất khó đạt. Nhưng nếu không đạt được mục tiêu 14%, cả nền kinh tế sẽ bị ảnh hưởng. Chính vì thế, NHNN cũng như các NHTM đang ở trong một áp lực rất lớn là phải tiêu thụ số tiền đó, phải sử dụng số vốn tồn kho đang ế hàng.

Thời gian qua để chữa bệnh thừa tiền, NHNN định hướng đẩy lãi suất đi xuống, nhưng hiện NHNN không còn nhiều dư địa để giảm lãi suất nữa. Vì chênh lệch lãi suất của Mỹ và Việt Nam hiện tại đã ở mức 5%. Lãi suất qua đêm của Việt Nam có thời điểm xuống 0,25%/năm. Nếu tiếp tục đẩy lãi suất xuống sẽ đẩy tỷ giá lên, rủi ro cho nền kinh tế.

Hiện tại, từ ngày 1-10, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay dài hạn của các tổ chức tín dụng giảm xuống 30%. Đã có đề xuất lùi thực hiện quy định này để DN có cơ hội tiếp cận vốn. Theo tôi việc áp dụng quy định trên vào lúc này hợp lý, vì hiện tại các NH thừa tiền chứ không thiếu tiền.

Vậy giải pháp nào để chữa bệnh thừa tiền, hóa giải tình trạng tồn kho tiền đang diễn ra? Tôi duy trì quan điểm phải sử dụng quỹ bảo lãnh tín dụng để bảo lãnh cho các DN được vay vốn. Song cơ quan quản lý vẫn chần chừ với giải pháp đó, và nếu thực hiện cũng không thể nào làm trong ngày một, ngày hai được.

Cho nên cần phải quay trở lại những biện pháp có thể sử dụng vốn nó một cách hiệu quả, đó là các NH cần tìm cách cho vay tín chấp với điều kiện kiểm soát được dòng tiền của các DN.

Các NH Việt Nam vẫn đang hoạt động như một tiệm cầm đồ, phải có tài sản thế chấp, phải có tài sản bảo đảm, họ mới cho vay. Song giai đoạn này, các NH cần xem xét đến việc cho vay tín chấp thông qua việc kiểm soát được vòng quay của vốn và kiểm soát được dòng tiền của DN như thông lệ quốc tế.

Ngược lại, các DN Việt Nam cũng phải thay đổi theo thông lệ quốc tế. DN Việt Nam thường có rất nhiều tài khoản tại các NH, theo đó doanh thu nhận được cũng tản mác ra nhiều tài khoản khiến NH không kiểm soát được dòng tiền. Đó cũng là trở ngại của việc cho vay tín chấp.

Các DN hãy tập trung vào một tài khoản hoặc nếu cần sử dụng nhiều tài khoản thì nên định ra một tài khoản chính và dồn thu nhập vào đó, để NH có thể kiểm soát được dòng tiền của DN. Tuy nhiên, trong vấn đề cho vay, tôi đồng ý với NHNN là tìm cách đẩy tín dụng nhưng không hạ chuẩn tín dụng để tránh hệ quả nợ xấu cho nền kinh tế trong tương lai.

- Xin cảm ơn ông.

Giải pháp để chữa bệnh thừa tiền, là các NH cần tìm cách cho vay tín chấp với điều kiện kiểm soát được dòng tiền của các DN. Do vậy phải duy trì quan điểm sử dụng quỹ bảo lãnh tín dụng để bảo lãnh cho các DN được vay vốn.

Các tin khác