Đặt trong bối cảnh dòng tín dụng đang có xu hướng chảy vào khu vực sản xuất (giảm rủi ro tạo bong bóng tài sản), đây là tín hiệu tích cực cho mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 10% của Chính phủ.
I. KINH TẾ TÀI CHÍNH THẾ GIỚI
Hoa Kỳ: Bất chấp những tín hiệu kinh tế khả quan hơn, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) Ben Bernanke vẫn tiếp tục duy trì quan điểm thận trọng đối với sự phục hồi của nền kinh tế.
Theo đó, FED đã thực hiện một bước đi mang tính lịch sử khi công bố lạm phát mục tiêu 2% và đưa kế hoạch nâng lãi suất lần đầu vào cuối năm 2014, tức kéo dài thêm 18 tháng so với dự tính trước đó của cơ quan này.
Ngoài ra, FED cũng để ngỏ khả năng mua thêm trái phiếu nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Giới quan sát kỳ vọng FED sẽ tiến hành thêm một đợt mua thêm trái phiếu, và nhiều khả năng là trái phiếu thế chấp.
Trong khi đó, nợ công vẫn luôn là vấn đề nhức nhối của nền kinh tế Hoa Kỳ. Hiện mức nợ công đã vượt mốc 15,000 tỷ USD, ngang bằng với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nền kinh tế Hoa Kỳ.
Chủ tịch FED đã cảnh báo mức thâm hụt ngân sách lớn hàng năm của Chính phủ Hoa Kỳ đang vượt quá giới hạn chịu đựng và có thể gây ra những hậu quả kinh tế nghiêm trọng.
Tình hình này sẽ đặc biệt nghiêm trọng hơn khi các nhà đầu tư mất niềm tin vào khả năng giám sát các chính sách tài chính của Chính phủ; và khiến cho chi phí vay tăng cao đáng kể cũng như ảnh hưởng tiêu cực kìm hãm tốc độ tăng trưởng kinh tế Hoa Kỳ.
Bộ Tài chính Hoa Kỳ vừa cho biết Chính phủ nước này dự kiến sẽ phải vay 644 tỷ USD từ thị trường để chi cho các hoạt động trong nửa đầu năm 2012.
Nền kinh tế Hoa Kỳ năm 2012 đón nhận tín hiệu khả quan từ mức tăng của chỉ số sản xuất trong tháng 1-2012, lên mức cao nhất kể từ tháng 6-2011.
Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý IV-2011 của nền kinh tế Hoa Kỳ ước tính tăng 2.8%, cao hơn so với mức tăng trưởng ở các quý còn lại trong năm 2011.
Trong khi đó, doanh số bán nhà mới ở quốc gia này lao dốc xuống mức thấp kỷ lục trong năm 2011. Theo đó, chỉ có 302,000 ngôi nhà mới được bán trong năm qua, thấp hơn 6,2% so với năm 2010 và là mức thấp nhất kể từ khi Chính phủ bắt đầu công bố số liệu này vào năm 1963.
Châu Âu: Vẫn chưa có dấu hiệu khả quan nào cho thấy cuộc đàm phán về giảm nợ công cho Hy Lạp sẽ nhanh chóng đi đến thỏa thuận cuối cùng.
Nút thắt chính trong các cuộc đàm phán này là việc Hy Lạp thuyết phục bộ ba các nhà tài trợ gồm Liên minh châu Âu (EU), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) về khả năng cắt giảm chi tiêu và cải cách lao động để cắt giảm thâm hụt ngân sách.
Bằng việc trì hoãn việc thông qua thỏa thuận, các nhà tài trợ đang gây sức ép đối với giới lãnh đạo Hy Lạp trong việc đưa ra cam kết về các biện pháp khắc khổ cần thiết.
Trước đó, Hy Lạp đã bác bỏ đề xuất của Đức trong việc nhường quyền kiểm soát ngân sách của Athens cho EU như một điều kiện để tiếp cận gói cứu trợ tài chính thứ hai.
Trong khi đó, hội nghị Thượng đỉnh EU họp lần đầu tiên trong năm 2012 tại Brussels (Bỉ) đã đạt được những kết quả tích cực, trong đó có Hiệp ước ổn định, phối hợp và quản lý trong liên minh tài chính – tiền tệ.
Hiện đã có 25/27 nước đồng ý gia nhập hiệp ước này, trừ Anh và Cộng hòa Czech. Nội dung chính của hiệp ước vẫn là siết chặt kỷ luật tài chính trong chi tiêu của các nước thành viên, nhằm tránh xảy ra một cuộc khủng hoảng nợ công tương tự trong tương lai.
Theo nhận định của Thủ tướng Đức Angela Merkel, Hiệp ước mới về tài chính cùng với Quỹ giải cứu Cơ chế ổn định châu Âu (ESM) trị giá 500 tỷ EUR sẽ là bước tiến nhỏ trên con đường phục hồi lòng tin của các nhà đầu tư với EU. Con đường phía trước còn khá dài khi còn chờ 25 nước thông qua vào tháng 3 và Hiệp ước sẽ chỉ có hiệu lực khi ít nhất 12 quốc gia khu vực này phê duyệt.
Cơ quan thống kê châu Âu Eurostat vừa công bố tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực sử dụng đồng tiền chung EUR trong tháng 12-2011 tăng lên mức kỷ lục 10.4%. Những nước có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất là Hy Lạp (20%) và Tây Ban Nha (23%).
Theo thống kê, sau hai năm rơi vào khủng hoảng nợ công, số người mất việc làm tại Eurozone đã tăng lên tới 16.5 triệu người. Dự báo tỷ lệ thất nghiệp sẽ tiếp tục tăng trong các tháng tới.
Trong khi đó, ngày 27/1, Fitch đã hạ bậc tín nhiệm của năm quốc gia khu vực eurozone, bao gồm Ý, Tây Ban Nha, Bỉ, Slovenia và Cộng hòa Cyprus, đồng thời hạ thấp triển vọng đối với Ireland. Fitch vẫn giữ nguyên mức tín nhiệm AAA của Pháp, dù S& P đã hạ mức tín nhiệm của quốc gia này trước đó.
II. KINH TẾ TÀI CHÍNH TRONG NƯỚC
Tín dụng chảy vào khu vực nông nghiệp nông thôn
5 tổ chức tín dụng gồm: (1) Ngân hàng TMCP Mê Kông (MHB), (2) Ngân hàng Phát triển Nhà đồng bằng Sông Cửu Long (MHB), (3) Quỹ Tín dụng nhân dân Trung ương, (4) Ngân hàng NN & PTNT Việt Nam (Agribank) và (5) Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPB) vừa được NHNN cho phép áp dụng tỷ lệ dự trữ bắt buộc (DTBB ) theo Thông tư 20/2010/TT-NHNN, nhờ có tỷ trọng cho vay nông nghiệp nông thôn lớn (40%-70%).
Theo đó, các TCTD này được áp dụng tỷ lệ DTBB đối với tiền gửi bằng VND bằng 1/5 so với tỷ lệ DTBB thông thường tương ứng với từng kỳ hạn tiền gửi.
Hiện tỷ lệ DTBB bằng VND với các NHTM không kỳ hạn và dưới 12 tháng là 3%, và kỳ hạn trên 12 tháng là 1%. Với Agribank và NHTMCP nông thôn, ngân hàng hợp tác, Quỹ Tín dụng nhân dân Trung ương thì tỷ lệ DTBB là 1%.
Trong khi các hoạt động cho vay đô thị, đặc biệt là bất động sản và chứng khoán đang trở nên rủi ro hơn rất nhiều so với trước đây, thực tế cho thấy nhiều ngân hàng đã đẩy mạnh “địa bàn” nông thôn, và nhờ đó một số đã được hưởng ưu đãi về tỷ lệ DTBB. Có thể hoạt động quản lý sẽ phức tạp hơn do các khoản vay nhỏ và manh mún, nhưng với việc ưu đãi tỷ lệ DTBB, giá vốn của các ngân hàng này sẽ có cơ hội được kéo giảm và giúp gia tăng khả năng cạnh tranh.
Về mặt chính sách, Thông tư 20/2010/TT-NHNN giúp lượng hóa các ưu đãi trong định hướng dòng vốn cho “tam nông” mà cơ quan quản lý gần đây đề cập.
Theo Tổng cục Thống kê, lạm phát cả nước trong tháng 1/2012 (thời điểm trước tết Âm lịch) chỉ tăng 1% so với tháng trước. Đặt trong bối cảnh dòng tín dụng đang có xu hướng chảy vào khu vực sản xuất (giảm rủi ro tạo bong bóng tài sản), đây là tín hiệu tích cực cho mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 10% của Chính phủ.
Niềm tin đồng nội tệ đã trở lại?
Với những tín hiệu khả quan trong kiềm chế lạm phát và công tác bình ổn thị trường ngoại hối nửa cuối năm 2011, chúng tôi nhận thấy nỗi lo mất giá VNĐ đã vơi đi ít nhiều. Xu hướng biến động tỷ giá USD/VNĐ trong giai đoạn đầu năm 2012 tỏ ra khá “bình yên” so với cùng kỳ năm 2011.
Trong một nhận định trước đây, chúng tôi cho rằng “cú sốc” tỷ giá và một sự hoảng loạn trong việc nắm giữ các tài sản an toàn hơn như ngoại tệ, vàng … sẽ ít có khả năng xảy ra hơn trong năm 2012. Tuy vậy, sẽ là hơi lạc quan thái quá nếu khẳng định niềm tin VNĐ đã thực sự trở lại, khi những thách thức cố hữu vẫn còn phía trước.
III. TIN TỨC VĨ MÔ TRONG NƯỚC NỔI BẬT
• Bộ Xây dựng vừa yêu cầu các đơn vị liên quan các dự án bất động sản có vốn đầu tư nước ngoài phải gửi báo cáo tình hình triển khai dự án trước ngày 1-2-2012.
Việc báo cáo này nhằm giúp Bộ Xây dựng nắm bắt tình hình để xây dựng đề án nâng cao chất lượng đầu tư, hiệu quả quản lý nhà nước và định hướng đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản giai đoạn 2011-2020 theo chỉ thị 1617 ngày 19-9-2011 của Thủ tướng Chính phủ.
• Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam trong tháng 1-2012 chỉ đạt 37.3 triệu USD, bằng 2.5% so với cùng kỳ năm 2011; và vốn thực hiện trong tháng này ước tính đạt 400 triệu USD, giảm 4.8% so với cùng kỳ năm trước.
• Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt đề án định hướng thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn viện trợ phát triển (ODA) và các khoản vốn vay ưu đãi khác thời kỳ 2011–2015.
ODA sẽ được sử dụng như nguồn vốn bổ trợ nhằm khuyến khích khu vực tư nhân đầu tư vào kết cấu hạ tầng qua mô hình hợp tác công – tư (PPP).
Chính phủ dự kiến thu hút vốn cam kết của các nhà tài trợ trong giai đoạn 2011-2015 khoảng 32 – 34 tỷ USD, giải ngân 14 – 16 tỷ USD.
• Bộ Tài chính chuẩn bị trình Thủ tướng ký ban hành quyết định về quy chế quản lý rủi ro đối với danh mục nợ công.
Quy chế nhằm xây dựng quy trình nghiệp vụ quản lý rủi ro đối với danh mục nợ công, từ khâu phát hiện rủi ro, đánh giá mức độ, xử lý rủi ro và trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong việc quản lý rủi ro đối với nợ công.
• Trong tháng 2-2012, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) sẽ trình lên Bộ Thông tin và Truyền thông đề án tái cơ cấu Tập đoàn. Sau đó trong quý I-2012, VNPT sẽ trình lên Thủ tướng Chính phủ.
• Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), mục tiêu tăng trưởng sản xuất của ngành trong năm 2012 ở mức 4% so với năm 2011. Đây là mức tăng trưởng thấp nhất của ngành thép so với mức tăng trưởng trên 20%/năm của giai đoạn từ năm 2005 - 2010.
• Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, giá trị xuất khẩu nông, lâm và thủy sản tháng 1-2012 ước đạt 1,8 tỷ USD, giảm 16,3% so với cùng kỳ năm 2011.
Trong khi đó, tổng giá trị nhập khẩu của các mặt hàng nông, lâm, thủy sản và vật tư, nguyên liệu phục vụ nông, lâm, thủy sản tháng 1 ước đạt 1,1 tỷ USD, giảm so với cùng kỳ là 13,2%.
Như vậy, trong tháng I-2012, ngành này đã xuất siêu khoảng 700 triệu USD.