Kết quả tổng điều tra kinh tế năm 2017 của Tổng cục Thống kê, cho biết cả nước có hơn 5.144 triệu cơ sở sản xuất, kinh doanh cá thể phi nông nghiệp, được xếp vào dạng KTPCT. Mặc dù KTPCT tản mát, rời rạc song chiếm tới 87,7% tổng số cơ sở sản xuất, kinh doanh và chiếm tới 32% tổng số lao động đang làm việc tại các cơ sở kinh tế, cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp.
Nhìn chung, khu vực KTPCT ở Việt Nam đang có xu hướng phình to, phổ biến ở nông thôn và thành thị. Điều đó cho thấy khu vực này là bộ phận không thể tách rời của nền kinh tế. KTPCT rất đa dạng, phong phú nhưng cũng phức tạp, bao gồm cả các hoạt động kinh tế hợp pháp và bất hợp pháp.
Trong đó, hoạt động kinh tế bất hợp pháp là đối tượng của các cơ quan bảo vệ pháp luật, nói cách khác là những hoạt động kinh tế không thể thống kê. Theo nghĩa rộng hơn, KTPCT là các hoạt động kinh tế không có đăng ký về mặt pháp lý, không được tổng hợp trong hệ thống các chỉ tiêu chính thức của nền kinh tế quốc dân, người lao động trong khu vực này không được hưởng các quyền lợi và nghĩa vụ trong hệ thống phúc lợi xã hội, như các chế độ về bảo hiểm, thai sản…
Mới đây, Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính xây dựng Đề án Chống thất thu thuế khu vực kinh tế ngoài nhà nước, nhất là khu vực KTPCT. Đây là nhiệm vụ không dễ dàng. Thế nhưng nhiệm vụ này không thể chậm trễ hơn nữa. Mối lo vay để chi tiêu và trả nợ đang nóng từng ngày. Theo một thống kê của nhóm học giả Đại học Fulbright, nền kinh tế chưa được quan sát đang chiếm tới 25-30% GDP Việt Nam. Bỏ qua nguồn thu từ các hoạt động có tính chất kinh tế này không chỉ phí phạm mà còn... thiếu trách nhiệm.
Vấn đề then chốt lúc này là phải phân loại và lựa chọn để tiếp cận nền KTPCT. Theo đó, xem khu vực nào có thể chính thức hóa và chuyển từ bộ phận phi chính thức sang chính thức hóa, không phải đi tìm các hoạt động phi chính thức và quản lý nó. Từ đó có cơ chế chính sách can thiệp, kịp thời đánh giá đúng mức về vai trò của khu vực kinh tế này nhằm hợp pháp hóa để nó phát triển, giảm dần việc bỏ sót nghĩa vụ đóng thuế, tăng thu ngân sách nhà nước, đảm bảo công bằng xã hội và hạn chế tối đa tiêu cực.
Đặc biệt, tập trung các biện pháp dài hạn và căn cơ nhằm khuyến khích các cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể thuộc khu vực KTPCT chuyển sang khu vực doanh nghiệp, đồng thời có chính sách cụ thể hỗ trợ.
Đã có chuyên gia kinh tế từng ví von, khu vực kinh tế chính thức là bánh xe trong 1 cỗ máy, KTPCT là môi trường nhúng bánh xe vào để hoạt động trơn tru và bù đắp khoảng trống khu vực chính thức không vươn tới. Chỉ có ứng xử với khu vực KTPCT như vậy mới có thể tìm ra giải pháp chính xác để tiếp cận và đưa nó vào chính thức.
Và muốn vậy môi trường, điều kiện kinh doanh được cải thiện và thông thoáng; chính sách thuế, phí phù hợp, không còn tình trạng chung chi, lót tay, hạch sách, chắc chắn không có lý do gì nền KTPCT phải ẩn mình, chính thức công khai và đóng góp cho ngân sách.