Những vụ mất tích bí ẩn mọi thời đại

Kỳ 1: Chuyến bay định mệnh MH370

(ĐTTCO) - Trong lịch sử, từng có rất nhiều vụ mất tích bí ẩn của máy bay, tàu thủy và tàu ngầm mãi đến nay vẫn chưa có lời giải đáp. 
Kỳ 1: Chuyến bay định mệnh MH370

Đến nay đã hơn 9 năm trôi qua kể từ khi chuyến bay 370 của hãng Malaysia Airlines (MH370) chở 239 người đã biến mất không dấu vết, khi đang bay từ Kuala Lumpur đến Bắc Kinh ngày 8-3-2014. Sự biến mất của chiếc máy bay đã châm ngòi cho cuộc tìm kiếm toàn cầu chưa từng có về một trong những bí ẩn lớn của thời hiện đại.

Tìm kiếm vô vọng

Đó là chiếc Boeing 777-200ER 12 tuổi, tên đăng ký 9M-MRO. Chỉ huy chuyến bay là cơ trưởng Zaharie, 53 tuổi, sĩ quan cao cấp dày dạn kinh nghiệm với 18.365 giờ bay. Hỗ trợ cơ trưởng là cơ phó Fariq Abdul Hamid, 27 tuổi, đã có 2.763 giờ bay. Trên máy bay có 10 tiếp viên hàng không và 227 hành khách, chủ yếu là người Trung Quốc. MH370 cất cánh lúc 0:41 sáng giờ địa phương và đạt độ cao hành trình 10.700m lúc 1:01 sáng.

Hệ thống báo cáo và liên lạc trên máy bay (ACARS) gửi lần truyền cuối cùng lúc 1:07 sáng, sau đó bị tắt. Liên lạc bằng giọng nói cuối cùng từ phi hành đoàn xảy ra lúc 1:19 sáng và lúc 1:21 sáng, bộ phận kiểm soát không lưu (ATC) của Malaysia đã gọi điện cho máy bay nói "chúc ngủ ngon", cơ trưởng Zaharie trả lời: "Chúc ngủ ngon, Malaysia 3-7-0".

Bộ phát đáp của máy bay liên lạc với ATC đã bị tắt khi MH370 chuẩn bị đi vào không phận Việt Nam trên biển Đông. Vào lúc 1:30 sáng, radar quân sự của Malaysia theo dõi chiếc máy bay khi nó quay lại và sau đó bay về phía Tây Nam qua Bán đảo Mã Lai, rồi bay về phía Tây Bắc qua eo biển Malacca. Lúc 2:22 sáng, radar này mất liên lạc với chiếc máy bay trên biển Andaman. Một vệ tinh Inmarsat quỹ đạo địa tĩnh trên Ấn Độ Dương đã phát hiện chiếc máy bay lần cuối lúc 8:11 sáng.

Các cuộc tìm kiếm ban đầu tập trung vào biển Đông. Sau khi xác định MH370 đã chuyển hướng về phía Tây, các nỗ lực tìm kiếm chuyển sang eo biển Malacca và biển Andaman. Ngày 15-3, 1 tuần sau khi chiếc máy bay biến mất, phân tích dữ liệu từ vệ tinh Inmarsat, đã xác định chiếc máy bay có thể đã ở bất kỳ đâu trên 2 vòng cung, một vòng trải dài từ Java về phía Nam đến Ấn Độ Dương, phía Tây Nam Australia và vòng kia trải dài về phía Bắc qua châu Á từ Việt Nam đến Turkmenistan.

Khu vực tìm kiếm sau đó được mở rộng sang Ấn Độ Dương, phía Tây Nam Australia trên vòng cung phía Nam và Đông Nam Á, phía Tây Trung Quốc, tiểu lục địa Ấn Độ và Trung Á trên vòng cung phía Bắc. Ngày 24-3, Thủ tướng Malaysia Najib Razak thông báo, dựa trên phân tích các tín hiệu cuối cùng, Inmarsat và Chi nhánh Điều tra Tai nạn Hàng không Vương quốc Anh (AAIB), kết luận máy bay rơi ở vùng xa xôi của Ấn Độ Dương 2.500km phía Tây Nam Australia.

Đến ngày 29-7-2015, mảnh vỡ cánh tà bên phải được phát hiện trên bãi biển ở đảo Réunion của Pháp, cách khoảng 3.700km về phía Tây của Ấn Độ Dương. Trong 1 năm rưỡi tiếp theo, 26 mảnh vỡ khác được tìm thấy trên bờ biển Tanzania, Mozambique, Nam Phi, Madagascar và Mauritius. 3/27 mảnh được xác định của MH370.

Nghiên cứu về mảnh vỡ các cánh tà được tìm thấy ở Réunion và Tanzania, cho thấy máy bay có thể đã đâm thẳng xuống mặt nước. Tháng 1-2017, chính phủ Malaysia, Australia và Trung Quốc ngừng tìm kiếm MH370.

Những giả thuyết

Sau gần 10 năm, vụ MH370 biến mất được xét kỹ trong loạt phim tài liệu của Netflix "MH370: Chiếc máy bay biến mất". Loạt phim gồm 3 phần nêu một số giả thuyết từ các nhà điều tra, nhà báo và thành viên gia đình về vụ mất tích của máy bay.

Thứ nhất, cơ trưởng muốn tự sát. Jeff Wise, một nhà báo hàng không, cho rằng cơ trưởng Zaharie Ahmad Shah của MH370 đã cố tình làm rơi máy bay. Wise phỏng đoán: Sau khi gửi tín hiệu cuối cùng cho trạm kiểm soát không lưu ở Kuala Lumpur, có thể Shah đã bảo cơ phó rời khỏi buồng lái và khóa cửa lại.

Đến 1:20 sáng, Shah tắt tất cả thiết bị điện tử của máy bay, làm tắt radar và hướng máy bay quay trở lại Malaysia. Sau đó, Shah bắt đầu giảm áp suất trong cabin và đeo mặt nạ dưỡng khí cho phép ông tiếp tục điều khiển máy bay cho đến khi hết nhiên liệu và lao xuống biển.

Thứ hai, máy bay rơi ở biển Đông. Một nhóm điều tra viên trực tuyến có tên "Tomnoders" đã sử dụng nền tảng hình ảnh vệ tinh có tên Tomnod để xác định vị trí máy bay gặp nạn. Cyndi Hendry, một tình nguyện viên của Tomnod, đã tìm thấy các mảnh vỡ máy bay ở biển Đông và xác định một mảnh là chóp mũi của MH370 và mảnh khác là thân và đuôi của nó. Tuy nhiên, các nhà chức trách Malaysia tin rằng MH370 đã bay theo lộ trình khác về phía Tây Bắc đến eo biển Malacca.

Thứ ba, những giả thuyết trên mạng xã hội. Theo đó, một số nói máy bay đã bị cướp và bay tới Iran để chuẩn bị cho một cuộc tấn công khủng bố. Những người khác cho rằng lửa từ pin lithium trong khoang hàng hóa của máy bay đã khiến nó rơi xuống. Một số giả thuyết khác cho rằng vụ mất tích của chiếc máy bay do người ngoài hành tinh, hay do Triều Tiên nhúng tay, hoặc bị thiên thạch đâm trúng.

Thứ tư, các nhà điều tra suy đoán điệp viên Nga có liên quan đến vụ mất tích MH370. Dữ liệu Inmarsat cũng cho chiếc máy bay đã bay về phía Bắc và bị rơi ở Kazakhstan. Nhà báo Wise cho rằng có 3 hành khách Nga trên chuyến bay MH370 đã điều khiển liên lạc của máy bay với vệ tinh Inmarsat. Họ bắt đầu hoạt động hack vào khoảng 1:15 sáng, khi MH370 bay qua biển Đông.

Khoảng 1:20 sáng, chiếc máy bay nằm dưới sự kiểm soát của họ. Họ đã tắt tất cả thiết bị điện tử của máy bay, khiến nó tắt radar. Sau đó, họ can thiệp để dữ liệu Inmarsat hiển thị máy bay đi về hướng Nam, tức quay lại Malaysia.

Thứ năm, MH370 bị chặn bởi 2 AWACS của Mỹ. Florence De Changy, một nhà báo điều tra, giả thuyết rằng MH370 bị 2 máy bay AWACS của Mỹ đuổi theo. Danh sách hàng hóa của MH370 ghi nhận có 2,5 tấn thiết bị điện tử, bao gồm pin lithium, bộ đàm và phụ kiện. De Changy cho rằng nó chứa công nghệ nhạy cảm của Mỹ.

De Changy nói 2 máy bay AWACS của Mỹ được phát hiện gần MH370, đã yêu cầu Shah hạ cánh để họ có thể kiểm tra hàng hóa. Nhưng ông đã từ chối, nên AWACS bắn hạ MH370 trên biển Đông.

Trong suốt nhiều năm thế giới đã cố gắng lắp ghép các bằng chứng khó hiểu thành lời giải thích cho sự biến mất của MH370, nhưng đến nay vẫn chưa tìm ra lời giải thỏa đáng.

--------------

Kỳ 2: Bizarre Surcouf - “Người Hà Lan bay” của thế chiến 2

Các tin khác