1 triệu USD/giây
Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã thành lập 9 cơ sở cho vay mới trong nỗ lực cung cấp thanh khoản USD cho toàn thế giới. Việc mua tất cả nợ tư và nợ công đã khiến bảng cân đối của Fed tăng từ 4.100 tỷ USD vào cuối tháng 2 lên tới khoảng 6.800 tỷ USD vào đầu tháng 5.
Và các nhà phân tích dự báo bảng cân đối kế toán của nó sẽ đạt khoảng 10.500 tỷ USD vào cuối năm nay. Bình quân, với tốc độ hiện tại, mỗi giây Fed bơm khoảng 1 triệu USD vào hệ thống tài chính.
USD là đồng tiền dự trữ của thế giới, gần như tất cả giao dịch quốc tế được thực hiện bằng USD. Do đó, Fed càng bơm ra nhiều tiền, lạm phát của Mỹ và cả thế giới sẽ cùng tăng. Hay nói cách khác Mỹ “xuất khẩu” lạm phát ra thế giới thông qua con đường nhập khẩu, hoặc đầu tư… Khi áp lực lạm phát tăng mạnh, dòng tiền chảy vào các tài sản trú ẩn an toàn như vàng…
Điều này đã được chứng minh sau các gói nới lỏng định lượng (QE) khổng lồ của Fed nhằm giải cứu kinh tế trong cuộc khủng hoảng tài chính 2008, cộng với những gói kích thích kinh tế của nhiều quốc gia, lạm phát tại nhiều nước đã tăng mạnh và giá vàng đã vọt lên tới mức 1.921USD/oz - mức đỉnh cao nhất từ trước đến nay vào năm 2011.
Không chỉ Mỹ đang tung ra các gói kích thích để hỗ trợ kinh tế vì tác động của đại dịch. Ngày 18-5, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel đã đề nghị kế hoạch 500 tỷ EUR tái thúc đẩy nền kinh tế châu Âu đang bị tê liệt vì đại dịch.
Số tiền này nằm trong ngân sách Liên hiệp châu Âu, do Ủy ban châu Âu (EC) quản lý. Pháp, Đức đề nghị để bơm tiền vào quỹ tái thúc đẩy, EC có thể dùng danh nghĩa Liên hiệp châu Âu đi vay trên thị trường.
Trước đó, ngày 15-5, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã bơm tiền vào hệ thống tài chính thông qua các nghiệp vụ thị trường mở để duy trì khả năng thanh khoản của thị trường. Theo PBoC, khoảng 100 tỷ nhân dân tệ (hơn 14 tỷ USD) đã được bơm vào thị trường thông qua công cụ cho vay trung hạn (MLF). Khoản tiền trên sẽ phân phối cho các khoản vay có kỳ hạn 1 năm, với mức lãi suất 2,95%.
Bên cạnh việc bơm tiền là các chính sách nới lỏng khác, như hạ lãi suất hoặc giảm dự trữ bắt buộc, kéo dài thời hạn vay… Ngày 15-5, PBoC đã giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc cho các ngân hàng vừa và nhỏ khoảng 50 điểm cơ bản, sau khi giảm mức tương ứng hôm 15-4 nhằm thúc đẩy nền kinh tế. Việc giảm dự trữ bắt buộc dự kiến giúp "giải phóng" khoảng 200 tỷ nhân dân tệ vốn dài hạn vào thị trường.
Lạm phát hay giảm phát?
Lạm phát hay giảm phát?
Với quy mô khổng lồ của các can thiệp tiền tệ từ Fed và các NHTW, nhiều người lo kỷ nguyên tới sẽ là thời đại lạm phát, nhưng thật ra rủi ro giảm phát sẽ cao hơn lạm phát. |
Thế giới đã chịu áp lực giảm phát kéo dài kể từ cuộc khủng hoảng năm 2008. Vào tháng 8-2008, bảng cân đối Fed chưa đến 1.000 tỷ USD. Đến tháng 11, nó đã tăng gấp đôi, ngay cả trước khi Fed bắt đầu đợt QE đầu tiên. 4 vòng sau, vào cuối năm 2014, nó đã đạt khoảng 4.500 tỷ USD. Sự nới lỏng tiền tệ này là biện pháp cứu trợ thực sự.
Hơn nữa, nó đã được NHTW châu Âu (ECB) kết hợp với 2.300 tỷ USD QE, cộng với gần 2.000 tỷ USD kết hợp từ Ngân hàng Nhật Bản (BOJ) và Ngân hàng Anh (BOE). Sự mở rộng tiền tệ được duy trì và phối hợp này là những kỳ tích đáng kinh ngạc nhất trong lịch sử NHTW. Nó đã thúc đẩy chính sách về vai trò mới của các NHTW trong việc quản lý nền kinh tế toàn cầu.
Trong cuộc khủng hoảng hiện nay, những dấu hiệu của giảm phát đang ngày một thấy rõ. Sự sụp đổ của giá dầu xuống mức thấp chưa từng thấy, là minh chứng rõ ràng cho lo ngại giảm phát. Bởi nhu cầu về hàng hóa mới đã giảm mạnh hơn so với mức giảm của nguồn cung, gây áp lực lên giá cả.
Điều này có thể thấy rõ nhất ở các thị trường hàng hóa quốc tế, các hãng hàng không, ngành hàng may mặc và bất động sản. Dầu là đầu vào quan trọng cho nền kinh tế thế giới, và sự sụp đổ về giá của nó sẽ làm giảm chi phí cho doanh nghiệp, và việc đóng cửa kiểm dịch đã khiến một lượng lớn lao động thất nghiệp.
Những lo lắng dài hạn hơn về lạm phát đến từ cách các chính phủ sẽ quản lý nợ quá mức từ cuộc khủng hoảng này. Một ước tính cho thấy mức nợ của các nước công nghiệp G7 sẽ tăng lên 140% GDP, một kỷ lục mọi thời đại. Giảm phát sẽ làm các khoản nợ của công ty và chính phủ trở nên khó quản lý hơn, khi các khoản thanh toán lãi vẫn cố định nhưng tiền lương, giá cả và các khoản thanh toán thuế đều giảm theo tiền mặt.
Tất cả điều này cho thấy các nhà đầu tư nên chuẩn bị cho thời gian dài khác của lợi suất cực thấp đối với nợ chính phủ - rất có thể dưới mức lạm phát.
Sự bùng nổ của đại dịch Covid-19 kéo theo sự sụp đổ kinh tế vào môi trường tiền tệ vốn đã yếu ớt, khiến giảm phát là điều gần như chắc chắn, ngay cả khi chỉ số giá tiêu dùng chung chưa chuyển sang tiêu cực. Giá hàng hóa đang giảm. Quan trọng nhất, hơn 30 triệu người ở Mỹ đã mất việc làm, trong khi hàng triệu người khác đã bị giảm lương hoặc giảm giờ.
Nguy cơ của giảm phát có nghĩa các biện pháp can thiệp khổng lồ của Fed và các NHTW có thể cứu được hệ thống tài chính nhưng không ngăn chặn được một thập niên thất nghiệp, bất bình đẳng và bất ổn, như những gì đã xảy ra sau năm 2008.