Kỳ vọng đột phá

(ĐTTCO) - Kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XIII đã hoàn thành một trong những nội dung chính là kiện toàn nhiều chức danh quan trọng của bộ máy nhà nước nhiệm kỳ 2016-2020. Dàn lãnh đạo với nhiều gương mặt mới đã chính thức ra mắt, được Nhân dân đặt nhiều kỳ vọng, đồng thời đòi hỏi ở họ những nỗ lực lớn lao trong bối cảnh kinh tế Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với thế giới.

(ĐTTCO) - Kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XIII đã hoàn thành một trong những nội dung chính là kiện toàn nhiều chức danh quan trọng của bộ máy nhà nước nhiệm kỳ 2016-2020. Dàn lãnh đạo với nhiều gương mặt mới đã chính thức ra mắt, được Nhân dân đặt nhiều kỳ vọng, đồng thời đòi hỏi ở họ những nỗ lực lớn lao trong bối cảnh kinh tế Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với thế giới.

Thực tế, chưa có nhiệm kỳ nào mà ở thời điểm chuyển giao, tình hình kinh tế-xã hội lại đang phải đối mặt với nhiều vấn đề như bây giờ. Ngổn ngang công việc đang chờ những người lãnh đạo cao nhất của đất nước bắt tay ngay vào việc, với quyết tâm cao nhất. Bởi lẽ, dù trong nhiệm kỳ qua nước ta có nhiều chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực như giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, nền kinh tế phục hồi đà tăng trưởng, khống chế giá tiêu dùng tăng mức thấp, kéo giảm lãi suất…, nền kinh tế vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn trước mắt.

Trước hết là tốc độ tăng trưởng đạt thấp hơn so với giai đoạn trước, năng suất lao động và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp thấp; bội chi ngân sách cao, nợ công tăng nhanh và áp lực trả nợ ngày càng khó khăn. Tiếp đó là hiệu quả trong quản lý nhà nước về xã hội, tài nguyên, môi trường, quản lý quy hoạch đô thị, vệ sinh an toàn thực phẩm còn nhiều tồn tại, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống người dân và môi trường kinh doanh. Ngoài ra, số doanh nghiệp trong nước giải thể, ngừng hoạt động với số lượng ngày càng tăng chưa được ngăn chặn dù có nhiều chính sách gỡ khó cho doanh nghiệp. Hộ nghèo giảm nhanh, nhưng không bền vững, tái nghèo, cận nghèo có xu hướng tăng nhanh trong khi vấn đề nghèo đói của Việt Nam phải chịu tác động rất lớn của biến đổi khí hậu.

Tại kỳ họp Quốc hội khóa XIII đang diễn ra, các giải pháp phát triển kinh tế-xã hội đất nước trong 5 năm tới 2016-2020 đã được nêu ra. Theo đó, mục tiêu tổng quát của 5 năm tới được Chính phủ đề ra là bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao hơn 5 năm trước. Đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh. Phát triển văn hóa, thực hiện dân chủ, tiến bộ công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, tăng cường phúc lợi xã hội và cải thiện đời sống Nhân dân. Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường… phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại…

Để đạt được các mục tiêu trên trong 5 năm tới, 8 giải pháp Chính phủ khóa mới sẽ tập trung thực hiện cũng được đưa ra. Theo đó, bảo đảm cạnh tranh bình đẳng, minh bạch giữa các loại hình doanh nghiệp; đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và ứng dụng khoa học công nghệ, tăng năng suất lao động; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai; tăng cường quản lý tài nguyên và môi trường... Với vấn đề nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài tiếp tục giám sát thận trọng kết hợp với chính sách tài khóa thắt chặt, bội chi ngân sách kéo về dưới 4% tổng sản phẩm quốc nội. Bên cạnh đó, quá trình hội nhập quốc tế với các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, đặc biệt là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), sẽ được nghiên cứu, đánh giá sự tương thích về cam kết lao động của hệ thống pháp luật để sửa đổi, bổ sung, cũng như chuẩn bị tốt bộ máy, nguồn nhân lực, cơ chế, thiết chế để tổ chức và triển khai thực hiện.

Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII đã khẳng định đến năm 2020 nước ta phải phấn đấu cơ bản hoàn thiện đồng bộ thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa theo các tiêu chuẩn phổ biến của nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế. Đây là những thách thức không nhỏ để Việt Nam hoàn thiện chính sách trong quá trình hội nhập sâu rộng. Dù còn đó những ưu tư, trăn trở, nhưng người dân kỳ vọng dàn lãnh đạo mới sẽ có quyết tâm mạnh mẽ, giải pháp sáng tạo để chèo lái đất nước trong bối cảnh nội lực nền kinh tế còn yếu và áp lực cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Nhân dân cũng mong muốn những người lãnh đạo mới có tư duy đổi mới vượt bậc, đúng với tuyên thệ trước cử tri cả nước, nếu không sẽ khó vượt qua được nếp nghĩ và cách làm cũ.

Các tin khác