Kỳ vọng sửa luật, khai thông thủ tục nhà ở

(ĐTTCO) - Loại bỏ những quy định bất hợp lý trong đầu tư- kinh doanh BĐS không chỉ góp phần cho kinh tế xã hội phát triển, còn tạo điều kiện để doanh nghiệp (DN) đẩy nhanh tiến độ các dự án nhà ở nói chung và nhà ở giá rẻ nói riêng, hỗ trợ người lao động thu nhập thấp có điều kiện tiếp cận nhà ở. 

Nhà xã hội An Lạc, Bình Chánh.
Nhà xã hội An Lạc, Bình Chánh.
Dự án chậm tất cả đều thiệt
TPHCM hiện có khoảng 126 dự án nhà ở “dậm chân” tại chỗ nhiều năm liền do vướng mắc các thủ tục pháp lý, trong đó có dự án kéo dài 4-5 năm. Theo tính toán của các chuyên gia, nếu các DN vay 70% trong tổng mức đầu tư khoảng 88.000 tỷ đồng, với lãi suất 10%/năm, 5 năm qua đã phải trả lãi vay lên đến khoảng 44.000 tỷ đồng. Các thiệt hại này chưa tính các chi phí khác, đặc biệt tổn thất về uy tín thương hiệu và mất cơ hội kinh doanh. Sự đình trệ này dẫn đến nguồn cung dự án sụt giảm lớn, DN không thể triển khai dự án, thị trường thiếu sản phẩm đẩy giá nhà lên cao, dồn người mua nhà vào thế khó, đồng thời khiến ngân sách nhà nước thất thu cả về thuế và tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.
Chủ DN có dự án đầu tư tại TP Thủ Đức, cho biết dự án có quy mô gần 100ha, trong quá trình triển khai vướng việc đan xen giữa “đất công” và đất của DN. Cụ thể, do phải chỉnh tuyến hướng đường dẫn vào đường cao tốc, dẫn đến việc chồng lấn ranh giới quy hoạch giữa đất nhà nước và đất DN với diện tích đan xen gần 45.000m2, đã khiến việc điều chỉnh quy hoạch kéo dài. Mới đây Thanh tra Chính phủ đưa ra kết luận giao UBND TPHCM giải quyết dứt điểm. Đại diện DN này chia sẻ, mỗi năm phải “gồng” hàng trăm triệu đồng tiền lãi, trong khi dự án không triển khai được, hàng ngàn lao động không có việc làm… 
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM, cho rằng dự án chậm không chỉ DN bị thiệt, còn kéo theo rất nhiều hệ lụy. Một trong những nhân tố bị ảnh hưởng trực tiếp là người mua nhà, vì dự án kéo dài làm giá thành tăng cao đã gây xung đột giữa chủ đầu tư và khách hàng, cơ hội sở hữu nhà của người có nhu cầu cũng bị hạn chế…

Cùng nhau tháo gỡ
Trao đổi với ĐTTC, ông Đào Gia Vượng, Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, cho biết hiện toàn huyện có 109 dự án chậm tiến độ, trong đó nhiều dự án nằm trong khu Nam, có quy hoạch từ những năm 1993  và có quyết định giao đất của Thủ tướng Chính phủ. Quận đã làm việc với Ban quản lý khu Nam - đơn vị quản lý về mặt quy hoạch - nhiều lần đề nghị TP thành lập tổ công tác rà soát đánh giá kể cả đánh giá tính khả thi, cũng như mời những nhà đầu tư có năng lực tiếp tục triển khai thực hiện, nhưng hiện nay vẫn chờ. 
“Thật ra nếu khu đất đó không có quyết định giao đất của Thủ tướng, TPHCM sẽ xử lý đơn giản hơn nhiều. Bởi về luật khi đã có quyết định giao đất của Thủ tướng Chính phủ mình không làm gì được” - ông Vượng chia sẻ. 
Vừa qua UBND huyện Bình Chánh đã chỉ đạo Phòng Quản lý đô thị tập hợp số liệu hồ sơ pháp lý của từng dự án, huyện sẽ làm việc với từng chủ đầu tư và ưu tiên làm với những chủ đầu tư nằm dọc các tuyến đường chính có khả năng ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế-xã hội của quận. Quận cũng sẽ cho phép người dân được chuyển mục đích sử dụng đất trong quy hoạch đất hỗn hợp và đất dân cư xây dựng mới; lập tổ công tác rà soát quy hoạch khu Nam để kiến nghị điều chỉnh quy hoạch, giải quyết quyền lợi cho hàng chục ngàn hộ dân; cho phép đội trật tự quản lý đô thị huyện được phép lập biên bản xử phạt hành chính về xây dựng không phép… 
Theo ông Vượng, tháo gỡ những vướng mắc nói trên sẽ góp phần thúc đẩy dự án nhà ở chung, trong đó có dự án nhà giá rẻ cho người lao động. “Hiện Bình Chánh có 15ha đang kêu gọi các nhà đầu tư để xây dựng nhà ở xã hội, nếu thủ tục đơn giản hơn, nhanh hơn, chắc chắn việc kêu gọi đầu tư sẽ dễ dàng hơn” - ông Vượng nói. 

Kỳ vọng sửa luật
Chính phủ vừa có Tờ trình số 376/Ttr-CP ngày 5-10-2021 gửi Quốc hội về “Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật DN, Luật Hỗ trợ DNNVV, Luật Hải quan, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự”.
Trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 10 luật này, đã đề xuất sửa đổi Điểm c Khoản 1 Điều 75 Luật Đầu tư 2020 sửa đổi, bổ sung Khoản 1 Điều 23 Luật Nhà ở 2014, với nội dung đề xuất sửa đổi: “Có quyền sử dụng đất ở hợp pháp hoặc các loại đất khác phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về đất đai, trừ trường hợp Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng theo quy định của pháp luật về đất đai; thu hồi đất để đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công”. 
Nếu dự án luật sửa đổi trên được Quốc hội xem xét thông qua, sẽ tháo gỡ được ách tắc cho hàng trăm dự án NoTM chỉ có quyền sử dụng đất nông nghiệp, hoặc chỉ có quyền sử dụng đất phi nông nghiệp không phải là đất ở. Điều này vừa tạo nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước, vừa kiến tạo môi trường đầu tư minh bạch và công bằng, vừa tháo gỡ khó khăn cho đầu tư, kinh doanh bị ảnh hưởng của dịch Covid-19. Với những nỗ lực nói trên hy vọng trong thời gian tới, nhiều nút thắt được tháo gỡ sẽ giúp nguồn cung nhà được tăng lên, trong đó có những dự án nhà giá rẻ, góp phần tạo dựng chỗ ở khang trang cho người nghèo. 
 Kỳ vọng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 10 luật liên quan được Quốc hội xem xét thông qua sẽ tháo gỡ được ách tắc, giúp nguồn cung nhà tăng lên.

Các tin khác