Trong khi đó, nhiều NH cổ phần có mức cho vay bình quân cao, trên 9%/năm, có nghĩa lãi suất cho vay cao hơn mức này. Vậy lãi suất liệu có thấp như công bố?
Ai được vay vốn rẻ?
Tại họp báo thường kỳ của Chính phủ ngày 4-11, trả lời vấn đề liên quan đến lãi suất, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, cho biết đến cuối tháng 7 và đầu tháng 8, mức giảm lãi suất khoảng 1% so với cuối năm 2022. Mục tiêu của NHNN cuối năm nay có thể đạt mức lãi suất giảm trung bình của các NHTM 1-1,5%.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay theo đánh giá của NHNN, mức lãi suất trung bình của những khoản cho vay mới sẽ giảm 2-2,2%, tức vượt hơn kỳ vọng.
Thế nhưng, theo Phó Thống đốc NHNN, lãi suất giảm không đồng đều ở các NH. Cụ thể, 4 NHTM có vốn nhà nước gồm Vietcombank, BIDV, VietinBank, Agribank (Big 4) có lãi suất cho vay thấp. Như Vietcombank lãi suất cho vay trung bình của các khoản cho vay ngắn, trung, dài hạn 5,94%/năm.
So với cuối năm 2022, lãi vay đã giảm 1,75% và so với cùng kỳ năm ngoái đã giảm 0,29%. Hay BIDV, mức cho vay trung bình là 6,46%/năm, giảm 2,59% so với cuối năm ngoái và giảm 0,15% so cùng kỳ. Trong khi đó, có những NH mức cho vay bình quân còn cao, khoảng 9%/năm và trên 9%/năm.
Điều đáng lưu ý, là các NHTM có vốn nhà nước tuy có vốn rẻ, nhưng không thể cho vay vô giới hạn, vì bị bó buộc bởi nhiều quy định và gặp nhiều khó khăn đặc thù trong tăng vốn để đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn, kết quả nhóm này được cấp hạn mức tín dụng thấp hơn các NHTMCP.
Chẳng hạn, với Vietcombank, room tín dụng được cấp cho năm 2023 đến thời điểm hiện tại 9,7%. Hay VietinBank và BIDV năm nay được cấp room tín dụng lên đến 14%. Trong khi đó, nhiều NHTMCP quy mô lớn lại được cấp room tín dụng cao hơn nhiều.
Đặt trong bối cảnh như vậy, những khoản vay lãi suất thấp đương nhiên sẽ không dành cho tất cả nhu cầu mà sẽ bơm một cách chọn lọc, doanh nghiệp (DN) có tài sản thế chấp, ít rủi ro. Song hiện tại phần lớn DN rơi vào tình cảnh không có tài sản đảm bảo, hoặc không có đơn hàng, bị gãy chuỗi cung ứng, hoặc gặp khó khăn do hoạt động kinh doanh sụt giảm…
Số DN khỏe mạnh không nhiều, nên số liệu tăng trưởng tín dụng của nhóm Big 4 trong 9 tháng qua cũng èo uột so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này có nghĩa việc bơm vốn vay của các nhà băng này đang bị chậm lại.
Không dễ cào bằng lãi suất
Tháng 11 thị trường tiếp tục chứng kiến đà giảm lãi suất huy động mạnh ở các NHTM, nhất là nhóm NHTMCP. Hiện tại, lãi suất huy động cao nhất ở kỳ hạn 1 tháng, 6 tháng, 12 tháng và 18 tháng lần lượt 4,6%/năm, 6,1%/năm, 6,2%/năm và 6,5%/năm.
Thế nhưng, ghi nhận từ các cuộc đối thoại với DN trên cả nước gần đây, nhiều DN phản ánh NH nói lãi suất thấp nhưng chưa thấy. Cụ thể, lãi suất giảm chủ yếu ở kỳ hạn ngắn 3-6 tháng, về khoảng 6-8%/năm, còn cho vay trung và dài hạn lãi suất vẫn 10-13%/năm.
Phía NHNN lý giải nguyên nhân vẫn còn lãi suất cao vì một số khoản cho vay trước đây do NHTM huy động vào với lãi suất cao nên mức lãi suất còn neo cao, do độ trễ chính sách và để đảm bảo hài hòa các phương án tài chính…
Dù vậy NHNN đã đề nghị các NHTM bằng mọi biện pháp phải tiết giảm lãi suất để hỗ trợ DN. Song điều này đã được nhà điều hành nói đi nói lại nhiều lần, vậy phải chăng chuyện cũ vẫn chưa được cải thiện?
Thống kê được công bố mới đây cho thấy, trong quý III, tổng NIM (biên lãi ròng) của 25 NH niêm yết chỉ giảm 0,47% xuống 3,32% so với cùng kỳ. Trong khi theo báo cáo tài chính quý III được các NH niêm yết công bố, số dư tiền gửi không kỳ hạn của nhiều nhà băng đã có sự cải thiện đáng kể trong quý vừa qua. Tức NH cũng được tăng thêm nguồn vốn lãi suất thấp.
Như vậy, các NH tuy giảm lãi suất nhưng vẫn chưa giảm mạnh phần lợi nhuận thu về từ chênh lệch huy động - cho vay. Chưa kể riêng từng NH, quý vừa qua vẫn có những trường hợp ngược dòng tăng NIM, như NIM của MB trong quý III được ước tính đạt 5,83%, tăng nhẹ so với quý II-2023.
Diễn biến này cho thấy, các nhà băng vẫn xem thu nhập lãi là nguồn thu chính, là chỗ dựa cho lợi nhuận và cố gắng giữ ở mức tốt để kéo lợi nhuận.
Vậy nên kỳ vọng NIM thu hẹp hơn, tức lãi suất cho vay giảm về gần lãi suất huy động vẫn là điều khó. Hơn nữa, tình trạng nợ xấu tăng nhẹ trong quý III, cộng với việc NHNN giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn từ 34% xuống 30% và áp lực từ tỷ giá, việc giảm lãi suất nói chung có thể gặp cản trở.
Xét về quy tắc kinh doanh, vốn dĩ NH cũng là DN, hoạt động phải có lãi và cho vay phải theo nguyên tắc rủi ro thấp lãi suất thấp, rủi ro cao lãi suất cao. Song trong lúc khó khăn, các NHTM vẫn giữ NIM trên 3%, thậm chí có NH có NIM trên 4-5%, trong khi lãi suất huy động đã giảm mạnh, là vấn đề bất cập.
Cho vay lãi suất cao nhưng nhiều NHTMCP vẫn đang ghi nhận tăng trưởng tín dụng, thậm chí một số NH còn có mức tăng cao hơn toàn ngành.
Vậy vốn lãi suất cao chảy vào nơi nào? Dĩ nhiên đó là những DN rất cần vốn và NH cũng chấp nhận rủi ro khi cho vay nhóm này. Thế nhưng như vậy NH sẽ khó thực hiện mục tiêu hỗ trợ DN vượt qua giai đoạn khó khăn để phục hồi nền kinh tế.
Về phía nhà điều hành, khả năng hỗ trợ thị trường hiện tại cũng hạn hẹp. Bởi lãi suất quan hệ rất chặt với tỷ giá. Nhưng lãi suất VNĐ hiện tại quá thấp trong khi tỷ giá USD/VNĐ, đặc biệt lãi suất ngoại tệ của các nước có ảnh hưởng lớn đến Việt Nam đang rất cao.
Với bối cảnh đó, lãi suất điều hành lúc này phải “nhìn ngó” tỷ giá để ứng xử. Hơn nữa, từ các đợt giảm lãi suất điều hành vừa qua, cho thấy muốn giảm lãi suất cho vay rất kỳ vọng vào sự “tự nguyện” của các NHTM, chứ không phải lãi suất điều hành giảm, lãi suất cho vay sẽ giảm.
Không phải lãi suất điều hành giảm, lãi suất cho vay sẽ giảm, mà lãi suất cho vay giảm chủ yếu đến từ sự “tự nguyện” của các NHTM. Nhưng làm gì có NHTM nào tự nguyện làm “thiện nguyện” cho DN?