Những số liệu kinh tế vĩ mô gần đây bắt đầu phát ra tín hiệu đó, khi số người nộp đơn thất nghiệp tăng lên và số liệu tồn kho bán sỉ được điều chỉnh giảm xuống.
Khi nào Fed cắt lãi suất?
Kinh tế Mỹ bắt đầu yếu đi, số liệu PMI sản xuất và ISM đều kém lạc quan, lạm phát tiếp tục chiều hướng giảm xuống, thị trường việc làm không còn quá vững chắc… là những tiền đề rõ ràng cho thấy Fed nhiều khả năng đã đến điểm cuối của chu kỳ tăng lãi suất.
Tuy nhiên, câu hỏi “khi nào Fed giảm lãi suất?” lại đang gây tranh cãi.
Đa số giới quản lý quỹ đầu tư tin rằng, Fed phải cắt lãi suất khá sớm kể từ quý I-2024 để tránh kinh tế Mỹ đi vào “hạ cánh cứng”. Đại diện cho nhóm này là những người như Bill Ackman, quản lý quỹ đầu tư Pershing Square, người đã đặt cược thành công là lợi suất trái phiếu phải tăng mạnh trong năm nay.
Ông Ackman sau khi chốt lời khoản đầu tư đó, bây giờ quay lại đặt cược Fed phải giảm lãi suất sớm trong 2024. Câu phát biểu được nhiều truyền thông trích dẫn thời gian gần đây của ông phản ánh luận điểm này: “Tôi nghĩ có nguy cơ hạ cánh cứng nếu Fed không bắt đầu cắt giảm lãi suất sớm”.
Cùng quan điểm về góc nhìn này, với ông Ackman là GS. Jeremy Siegel của Trường Kinh doanh Wharton, khi nhận định vào giữa tháng 11 vừa qua rằng: “Tôi thực sự nghĩ động thái tiếp theo sẽ là cắt giảm lãi suất, ngay cả khi không có suy thoái, vì chúng ta đang trong thời kỳ kinh tế suy giảm”.
Tranh luận suy thoái kinh tế hay không, hạ cánh cứng hay hạ cánh mềm vẫn có thể tiếp tục, nhưng rõ ràng đa số các bên đều thừa nhận kinh tế Mỹ năm 2024 sẽ kém hơn 2023, trên hầu hết dự báo kinh tế của các tổ chức đầu tư cho đến định chế tài chính quốc tế, như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB).
Rủi ro do suy giảm kinh tế có thể dẫn đến hạ cánh cứng lớn hơn rủi ro lạm phát, nên Fed được kỳ vọng sẽ giảm lãi suất.
Tuy nhiên, giảm ngay trong quý I-2024, cụ thể là từ tháng 3 như GS. Siegel hay ông Ackman dự báo, có thể quá lạc quan. Christopher Rupkey, nhà Kinh tế trưởng tại FWDBONDS ở New York, có một quan sát đáng chú ý là thị trường lao động chưa có sự suy giảm liên tục nào - điều khiến các chủ tịch Fed trước đây phải nhanh chóng chuyển từ tăng lãi suất sang cắt giảm lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế.
Nói cách khác, dữ liệu việc làm chỉ cho thấy thị trường việc làm không còn quá vững mạnh nhưng chưa có suy giảm nữa, vì vậy Fed nhiều khả năng vẫn sẽ đứng ngoài theo dõi.
Phát biểu vào cuối tháng 11, Chủ tịch Fed Powell nhấn mạnh, lại “quá sớm để kết luận với sự tự tin”, rằng chính sách tiền tệ của Mỹ đã siết chặt đủ hoặc dự báo về thời điểm có thể nới lỏng. Nghĩa là ông từ chối khẳng định ngay cả việc Fed đã đạt điểm cuối của đợt tăng lãi suất lần này, chứ chưa nói tới chuyện nới lỏng.
Sự thận trọng của Fed lúc này là dễ hiểu, dù nó dẫn đến không ít chỉ trích của các nhà đầu tư và phân tích, là ngôn từ của Fed đang xa rời thực tế và kỳ vọng của thị trường. Nhưng nó cũng đồng thời cảnh báo hành động của Fed cũng có thể chậm hơn thị trường kỳ vọng khá nhiều. Nghĩa là họ hoàn toàn có thể trì hoãn cắt giảm lãi suất khá lâu, cho dù có thêm tín hiệu cho thấy kinh tế đủ yếu và lạm phát giảm đủ nhiều trong năm sau.
Nói cách khác, nhiều khả năng Fed vẫn sẽ đợi đến giữa 2024 mới tính đến cắt lãi suất… cho chắc. Một điều tra gần đây của Financial Times cho thấy đa số nhà kinh tế tin rằng Fed vẫn sẽ duy trì lãi suất đến tận quý II-2024.
Nếu cắt lãi suất thì cắt bao nhiêu?
Câu hỏi thứ hai, là nếu cắt lãi suất thì cắt bao nhiêu? Chắc chắn nó sẽ ít hơn tốc độ tăng bất thường từ năm 2022 rất nhiều, vì lạm phát được dự đoán không xuống dưới mục tiêu 2% của Fed trong năm tới, nên Fed vẫn sẽ rất thận trọng.
Một số đơn vị truyền thông và nhà quản lý quỹ đang cố truyền tải con số giảm lãi suất 1,75%. Nhưng một con số thực tế hơn thị trường trái phiếu và futures của Mỹ đang dự đoán vào khoảng 4 lần cắt lãi suất và tổng mức giảm cho đến tháng 12-2024 vào khoảng 1%.
Đây đã là mức dự đoán cắt giảm khá lạc quan so với trước đó rất nhiều, với trung bình dự đoán vào tháng 9 và 10 chỉ vào khoảng 0,5-0,75%. Con số giảm này thị trường kỳ vọng lại tương thích hơn với dự báo của các chuyên gia kinh tế Financial Times vừa điều tra. Theo đó, đa phần chuyên gia vẫn tin rằng Fed sẽ chỉ cắt giảm 0,5-0,75%.
Điều này phản ánh khi thị trường futures của CME định giá các hợp đồng mới, họ đã tính đến các số liệu về lạm phát đang tiếp tục yếu, và thị trường nhà mới xây cũng như thị trường lao động đang yếu đi đáng kể ở Mỹ.
Thị trường bất động sản thương mại của Mỹ cũng được dự đoán sẽ đứng trước những thử thách rất lớn trong năm 2024, và không loại trừ một vài ngân hàng quy mô nhỏ và vừa của Mỹ sẽ lại phải “ra đi”, cùng với việc vài công ty quản lý bất động sản thương mại mất khả năng thanh toán.
Tuy những dự đoán trên cũng chỉ là nằm trong khuôn khổ dự báo kinh tế Mỹ sẽ yếu đi trong 2024, không đến mức suy thoái, nhưng nó có thể tạo ra vòng xoáy về mất niềm tin, giảm thanh khoản và tăng độ bất định trên thị trường khá nhanh trong thời đại mạng xã hội.
Vì vậy, để bình ổn, Fed có thể phải tham gia tiến trình nới lỏng tiền tệ nhanh hơn dự đoán.
Tuy nhiên, việc tính đến các số liệu mới vào trong giao dịch trên thị trường CME cũng có thể bị độ nhiễu của số liệu làm cho phản ứng thái quá. Thay vào đó, nhiều chuyên gia kinh tế vẫn tin rằng, các thước đo lạm phát và việc làm ưa thích của Fed vẫn sẽ biến động khá chậm chạp, và do đó Fed vẫn sẽ chờ thêm tín hiệu để hành động và không hành động quá mức.
Vì vậy, những con số được tính ra từ các giao dịch trên CME bị “nhiễu” nhiều hơn - dù nó cũng có thể là kịp thời hơn. Giống như đưa tin tức, phản ánh tin càng nhanh cũng có rủi ro là đưa tin nhiễu càng nhiều.
Không chỉ các nhà kinh tế, một số nhà quản lý quỹ đầu tư cũng tỏ ra khá thận trọng, cho rằng có thể Fed chỉ cắt lãi suất 2 lần thay vì 4-5 lần như thị trường đang kỳ vọng. Do đó mức giảm lãi suất có thể 0,5-0,75%. Nói cách khác, các bên đều đang đoán Fed sẽ làm gì trong năm sau, trong bối cảnh mà các thành viên FOMC - những người bỏ phiếu quyết định lãi suất của Fed - chưa có dự tính sẽ làm gì và chắc chắn họ cũng không biết họ sẽ làm gì.
Họ vẫn phải chờ và quan sát diễn biến kinh tế năm sau. Những gì thị trường và các chuyên gia kinh tế đoán và giao dịch chỉ là dự đoán và đặt cược.
Tác động có thể từ việc Fed cắt giảm lãi suất năm sau
Bất kể như thế nào, Fed cắt lãi suất dù chỉ 0,5% cũng là tin tốt cho các thị trường mới nổi. Bởi nó giảm bớt áp lực lên không ít quốc gia đang cắt giảm lãi suất trong bối cảnh Fed vẫn tiếp tục tăng lãi suất. Đồng nội tệ những nước này sẽ bớt áp lực giảm giá.
Với trường hợp đặc biệt trong nhóm thị trường phát triển là Nhật Bản, câu chuyện có thể kịch tính hơn. NHTW Nhật Bản (BOJ) vừa ra dấu hiệu rằng sẽ chấm dứt thời kỳ lãi suất âm và hàm ý lãi suất đồng yen có thể tăng.
Bloomberg ngày 6-12 nhận định “Phó Thống đốc Ngân hàng Nhật Bản Ryozo Himino báo hiệu rằng BOJ đang tiến gần hơn đến việc chấm dứt chế độ lãi suất âm cuối cùng trên thế giới, bằng cách đưa ra giả thuyết về điều gì có thể xảy ra nếu lãi suất thực sự trở lại mức dương”.
Quan sát những phát biểu được tường thuật trên Nikkei Asia và Financial Times, chúng ta vẫn có thể thấy đây là nhận định đơn giản hóa những ngôn từ hết sức thận trọng, và có phần bí ẩn như mật mã thường thấy của BOJ.
Nhưng ẩn sâu trong đó là sự thay đổi về quan điểm chính sách có thể cảm nhận được. Nếu Fed giảm lãi suất và BOJ mở đường cho lãi suất yen tăng trong năm sau, cán cân diễn biến tỷ giá năm tới sẽ rất thú vị.
Đợt trượt dài của yen so với USD đã dừng lại và có dấu hiệu đảo chiều rõ ràng. Liệu USD còn tiếp tục trượt xuống so với yen Nhật và những đồng tiền khác trong năm sau, sẽ là chủ đề thú vị của 2024.
Và khi lãi suất USD bắt đầu giảm, giá vàng sẽ nhảy múa, vì lãi suất USD cao chính là trở lực không nhỏ cho việc đầu tư vàng trên thế giới. Giới đầu tư tiền mã hóa cũng chỉ chờ có vậy để tuyên bố sự trở lại của thời kỳ lãi suất thấp, và đưa ra luận điểm để thúc đẩy các đồng tiền mã hóa.
Tất cả dựa trên kỳ vọng lãi suất USD giảm, đồng USD sẽ trượt dài trở lại. Nhưng có đúng vậy không là câu chuyện sẽ được bàn đến nhiều trong 2024 - khi triển vọng giảm lãi suất của Fed rõ ràng hơn.