Làn sóng đầu tư từ doanh nghiệp Hàn Quốc

(ĐTTCO) - Cơ quan Xúc tiến ngoại thương Hàn Quốc (KOTRA) vừa thực hiện khảo sát các doanh nghiệp (DN) nước này đang hoạt động tại Việt Nam, kết quả có 93% DN bày tỏ hài lòng khi đầu tư tại Việt Nam. KOTRA cho biết, môi trường đầu tư của Việt Nam được các DN Hàn Quốc đánh giá là rất rộng mở.
Thị trường đầy tiềm năng 
Theo KOTRA, các DN Hàn Quốc kỳ vọng lớn vào tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam, trong đó đánh giá cao về tay nghề, sự cần cù của người lao động. Việt Nam được xem là điểm đầu tư thuận lợi nhất và làn sóng đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam sẽ còn tiếp diễn.
Hiện nay, khoảng 90% các dự án đầu tư của Hàn Quốc được thực hiện bởi các DN vừa và nhỏ, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, gia công trong lĩnh vực công nghiệp nhẹ như ngành may mặc, sản xuất giày, dép... Theo Công ty Naturon Co., LTD (hoạt động trong lĩnh vực dệt may), Việt Nam đang là nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao và ổn định trong nhiều năm, dân số Việt Nam đa phần là người trẻ và năng động. Vì vậy, Việt Nam được đánh giá là thị trường kinh doanh nhiều tiềm năng của các DN Hàn Quốc.  
Làn sóng đầu tư từ doanh nghiệp Hàn Quốc ảnh 1 Chế biến thực phẩm tại nhà máy của Tập đoàn CJ đầu tư tại TPHCM
Ảnh: THÀNH TRÍ
“Chính sách hướng Nam” mới của Chính phủ Hàn Quốc đã xác định ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng là một trong những thị trường được Hàn Quốc ưu tiên đầu tư. Đặc biệt, kể từ khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) có hiệu lực vào năm 2015, kim ngạch thương mại 2 nước đã tăng lên đáng kể.
Mối quan hệ hợp tác giữa hai bên đã được tăng cường và toàn diện hơn, không chỉ ở giao dịch hàng hóa mà còn cả đầu tư và dịch vụ. Xét về chất lượng, các dự án đầu tư từ Hàn Quốc đáp ứng khá tốt các mục tiêu thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam theo từng giai đoạn. Ngoài việc đáp ứng nguồn vốn cho tăng trưởng, các dự án từ Hàn Quốc còn có công nghệ khá tốt, hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực, tạo tính lan tỏa và tham gia chuỗi giá trị sản xuất xuất khẩu của các DN trong nước. 
Lĩnh vực đầu tư mở rộng
Có thể thấy rằng, các DN Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam theo một phổ rất rộng, từ rất nhiều dự án tỷ USD đến các dự án siêu nhỏ. Nếu như trước đây, linh kiện điện tử là lĩnh vực chủ yếu được các nhà đầu tư của Hàn Quốc quan tâm thì nay nhiều lĩnh vực khác như bán lẻ, tài chính, năng lượng xanh, nông nghiệp và bất động sản cũng đã thu hút khá lớn dòng vốn từ Hàn Quốc. Đặc biệt thời gian gần đây, lĩnh vực công nghiệp chế biến thực phẩm được nhiều nhà đầu tư Hàn Quốc rót vốn. Đơn cử, Tập đoàn CJ đã lần lượt tăng tỷ lệ sở hữu cổ phần tại các DN chế biến thực phẩm lớn của Việt Nam như Công ty cổ phần Xuất khẩu Cầu Tre, Công ty Minh Đạt. 
Theo ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chính phủ sẽ tập trung hoàn thiện chính sách chung thu hút đầu tư nước ngoài, bảo hộ đầu tư, tăng cường quản lý nhà nước và xúc tiến đầu tư trên tinh thần tích cực, chủ động hội nhập quốc tế, trong đó hội nhập kinh tế là trọng tâm. Việt Nam sẽ có cơ chế ưu đãi cao đối với các dự án có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, kỹ năng quản trị tốt, sẵn sàng kết nối với DN nội địa Việt Nam.
Đây sẽ là cơ hội để các DN Hàn Quốc mở rộng đầu tư vào thị trường Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực Hàn Quốc đang có thế mạnh như công nghiệp hỗ trợ, công nghệ, sản xuất linh kiện. Việt Nam luôn nhập siêu khá lớn từ Hàn Quốc. Để cân bằng cán cân thương mại, Chính phủ 2 nước đang tìm các giải pháp để xuất khẩu nhiều hơn các mặt hàng có lợi thế của Việt Nam sang Hàn Quốc như hàng dệt may, giày dép, thủy hải sản, đồ gỗ... Đồng thời, tạo môi trường thuận lợi hơn nữa cho DN Hàn Quốc đầu tư sản xuất các sản phẩm phụ trợ, bán thành phẩm tại Việt Nam, phục vụ trong nước và xuất khẩu.

Các tin khác