Trung Quốc nổi lên
Tháng 5-2020, Trung Quốc chính thức thử nghiệm đồng Nhân dân tệ điện tử (NDT KTS), khi một số công chức chính phủ nhận lương bằng đồng tiền này. Nhiều doanh nghiệp (DN) Trung Quốc và một số công ty nước ngoài tại Trung Quốc cũng lên tiếng chấp nhận thanh toán sản phẩm, sử dụng dịch vụ của họ bằng đồng tiền trên.
Với tư cách là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới và việc tư duy đã thay đổi về tiền tệ KTS, cho thấy Trung Quốc sẵn sàng bước vào kỷ nguyên 4.0 một cách nhanh chóng nhất.
Thực tế, chiến tranh thương mại cùng với bệnh dịch và bất đồng ngày càng sâu sắc giữa Trung Quốc và các nước phương Tây, khiến họ phải hành động để nền kinh tế ít phụ thuộc các nước, tăng tốc kinh tế nhanh hơn, tránh bị gắn mác thao túng tiền tệ, đặc biệt mục tiêu cao nhất là quản lý tốt hơn nữa tiền tệ và thị trường tài chính.
Ngoài ra còn mục tiêu khác là giảm thiểu sự ảnh hưởng của đồng USD. NDT KTS với số seri điện tử sẽ giúp cơ quan quản lý chống lại các tội phạm rửa tiền, trốn thuế, tín dụng đen, các hành vi phạm pháp khác…
CBDC cũng giúp ngăn được các giao dịch chuyển tiền bất hợp pháp, giúp tạo sự ổn định cũng như hạn chế việc phá giá đồng NDT.
NDT KTS còn giúp chia sẻ bớt quyền lực của các tổ chức tài chính. Bởi thanh toán tư nhân nổi lên gần đây đã vượt quá sự kiểm soát như Alipay, Wechat Pay…, trong khi vẫn có đầy đủ ưu điểm như cho phép người dùng thanh toán ngay lập tức, giải quyết giao dịch nhanh hơn với chi phí thấp hơn, đặc biệt đối với các thanh toán xuyên biên giới.
Trung Quốc có thể sử dụng đồng tiền này như một kênh phi truyền thống để điều tiết thị trường, như yêu cầu các NH xác định thông tin chi tiết về lãi suất, mục đích, đối tượng cho các khoản tín dụng bằng tiền điện tử, qua đó kiểm soát và điều tiết tốt hơn các chính sách. Việc phát hành CBDC còn giúp Trung Quốc có thêm lựa chọn về chính sách tiền tệ cho nền kinh tế.
Động thái các nước khác
Động thái các nước khác
Năm 2020 lần đầu tiên Bitcoin không còn là đồng tiền KTS được quan tâm nhiều nhất, thay vào đó là CBDC. Đến đầu năm 2021 đã có 86% trong số 65 NHTW được khảo sát đang có hoạt động về CBDC (tăng từ mức 80% năm ngoái). |
Song Mỹ, châu Âu hay một số nước đang nung nấu ý định phát hành tiền điện tử quốc gia còn mang nhiều ý nghĩa khác. Đặc biệt trong bối cảnh tiền pháp định được bơm ra ngày càng nhiều, thậm chí Fed còn tuyên bố “sẵn sàng bơm không giới hạn đến khi kinh tế phục hồi”, khiến bảng cân đối tài chính của các NHTW ngày càng xấu, nguy cơ vỡ nợ lan rộng.
Các NHTW buộc phải cần tới vũ khí khác, nhất là thế giới đang đi vào thời đại 4.0, nên là CBDC đang là sự lựa chọn. Có thể thấy tiền điện tử quốc gia là một trong những giải pháp khả dĩ trong bối cảnh hiện nay, khi các kinh tế đang chịu nhiều hậu quả từ dịch bệnh, thương chiến, chiến tranh tiền tệ… làm tiền giấy ngày càng bị mất chỗ đứng.
Dù trước đây có đã có một số công ty tư nhân phát hành tiền KTS dạng stablecoin (gần giống CBDC) như USD điện tử, cũng như đã có một số quốc gia thử nghiệm tiền KTS của mình, nhưng đây là lần đầu tiên một nền kinh tế lớn như Trung Quốc thử nghiệm đồng tiền điện tử có chủ quyền.
Và bây giờ cả Mỹ và châu Âu đã có ý tưởng hoặc lên kế hoạch về đồng tiền điện tử cấp độ quốc gia, cho thấy có sự thay đổi lớn về tư duy để tiến lên thời đại 4.0, cũng như các thách thức sau dịch Covid-19 đang hướng kinh tế và thị trường tài chính toàn cầu sang trang mới, khi các doanh nghiệp, người dân, thành phần kinh tế đã bắt đầu thay đổi cách làm việc, sinh hoạt và nhu cầu tiêu dùng.
Ảnh minh họa.
Tương lai CBDC
Kể từ khi kỷ nguyên tiền điện tử bắt đầu hơn 10 năm trước đã trải qua nhiều thăng trầm trên thị trường tài chính, thế giới số và kinh tế quốc tế. Giai đoạn trên dù nhận được nhiều sự ủng hộ nhưng phản đối cũng nhiều vô số, nay cái nhìn dù đã bớt khắt khe hơn nhưng tương lai vẫn còn nhiều bất định.
Tuy vậy, kỷ nguyên này đã sang trang với sự tham gia của hàng loạt NHTW hàng đầu trong bối cảnh thị trường tài chính và kinh tế truyền thống bộc lộ nhiều điểm yếu, đặc biệt thời hậu Covid, khi dịch bệnh đã giáng đòn chí mạng vào kinh tế toàn cầu vốn đang “thở oxy”, cùng với thương chiến, lợi suất âm, nợ chất cao hơn núi dù tiền được bơm ra như thác muốn nhấn chìm mọi thứ.
Do đó tiền điện tử có chủ quyền quốc gia được phát hành bởi NHTW là giải pháp khả dĩ nhất, cho dù vẫn còn khá sớm để nói về sự hiệu quả. CBDC vẫn còn con đường dài ở phía trước với nhiều rào cản cần phải vượt qua, như chi phí giao dịch có thấp hơn, có đáp ứng được giá trị thương mại để tiến tới được chấp nhận và sử dụng phổ biến.
Nhưng việc này cho thấy NHTW các nước đang nỗ lực để hạn chế các tác động tiêu cực từ dịch bệnh, chiến tranh thương mại, nhằm ngăn kinh tế suy thoái và mang tăng trưởng trở lại. Đi kèm với nó sẽ là nhiều chính sách khác với kỳ vọng thế giới sẽ tiến vào thời đại 4.0 một cách vững vàng.
Dù hướng tiếp cận mỗi quốc gia khác nhau, nhưng tất cả cùng có điểm chung là CBDC giúp cải thiện các khuyết điểm của tiền pháp định, tăng cường tính thuận lợi khi sử dụng và nâng cao hiệu quả thanh toán, nhưng vẫn đảm bảo đồng tiền nằm dưới sự quản lý của NHTW.
Bởi CBDC vốn là phiên bản KTS đầy đủ của tiền pháp định (nhưng không neo vào tiền pháp định), nhưng nó có thể góp phần ngăn ngừa đầu cơ, hạn chế sự bùng nổ của tiền mã hóa như đồng Bitcoin, thậm chí cả Stablecoin do các tổ chức tư nhân phát hành, vốn không thể hoặc khó kiểm soát - điều không quốc gia nào mong muốn.