Làng nghề ươm tơ Cổ Chất

(ĐTTCO)-Nghề ươm tơ làng Cổ Chất tại Nam Định có từ thời nhà Trần, trải qua nhiều đời truyền dạy và làm nghề, hiện Cổ Chất là một trong số rất ít ngôi làng còn ươm tơ theo phương thức thủ công truyền thống.
Đôi tay của người thợ ươm tơ bợt trắng vì liên tục đảo kén ,đánh mối và tỉa sợi tơ. (Ảnh: Bích Hằng/Vietnam+)
Đôi tay của người thợ ươm tơ bợt trắng vì liên tục đảo kén ,đánh mối và tỉa sợi tơ. (Ảnh: Bích Hằng/Vietnam+)

Làng Cổ Chất thuộc vùng đất Phương Định bên dòng sông Ninh Cơ (nay là xã Phương Định, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định) từ thời nhà Trần đã được biết đến với nghề chăm tằm ươm tơ, cung cấp nguyên liệu cho các làng dệt Cự Trữ, Nhự Nương và các vùng lân cận.

Người nông dân Cổ Chất quanh năm suốt tháng cần mẫn bên nương dâu, nong tằm, ươm tơ, guồng sợi…, cho ra đời những cuộn tơ tằm óng ả, sợi mảnh như tia nắng nức tiếng khắp vùng.

Nghề ươm tơ của làng phát triển mạnh nhất từ sau khi thực dân Pháp thực hiện cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất (năm 1897), Cổ Chất nói riêng và Trực Ninh nói chung lúc đó trở thành vùng vành đai nguyên liệu cung cấp cho Công ty Bông Vải Sợi Bắc Kỳ.

Tơ tằm Cổ Chất khi đó nổi tiếng đến mức giới tư bản Pháp đã cho xây dựng một nhà máy ươm tơ ngay ở làng Cổ Chất nhằm mục đích khai thác kỹ năng lao động của những người dân bản địa cũng như tiềm năng của vùng dâu tằm dọc bờ sông Ninh.

Đó cũng là thời kỳ “hoàng kim” của tơ tằm Cổ Chất. Thương nhân, buôn lái trên tàu thuyền ở khắp các nơi nườm nượp đổ về Cổ Chất để thu mua tơ đem bán ở bến Đò Chè - một khu cảng sầm uất, nhộn nhịp của Nam Định thời kỳ trước năm 1945.

Tơ tằm Cổ Chất còn được Phủ thủ hiến Bắc Kỳ trao giải thưởng “Cửu phẩm công nghệ” năm 1942 tại một phiên đấu xảo (hội chợ) ở Kinh thành Thăng long, nơi hội tụ các tinh hoa các làng nghề.

Vì sao tơ Cổ Chất nổi tiếng đến thế? Có lẽ do người làng Cổ Chất có những kỹ thuật riêng trong quy trình ươm tơ kéo sợi khác biệt những nơi khác.

Hàng năm, người Cổ Chất sẽ bắt đầu vụ ươm tơ đầu tiên từ tháng Hai, tháng Ba và kéo dài đến hết tháng Chín âm lịch.

Nguồn cung cấp kén chính cho làng Cổ Chất xưa là ở làng Hợp Hòa nằm bên bờ đê sông Ninh Cơ, cùng thuộc xã Phương Định.

Tuy nhiên đến nay, diện tích đất trồng dâu của làng bị thu hẹp đáng kể, thêm vào đó, nghề chăn tằm nai (tằm dệt) cvất vả hơn nhiều lần so với tằm ré (tằm ta, nuôi lấy nhộng làm thực phẩm), thu nhập cũng không cao bằng, nên hầu hết các hộ dân ở thôn Hợp Hòa giờ đã chuyển sang nuôi tằm ré, không còn cung cấp kén tằm cho làng Cổ Chất.

Công đoạn phân loại kén trước khi ươm. (Ảnh: Bích Hằng/Vietnam+)

Hiện, người thợ Cổ Chất phải thu mua kén tằm ở khắp nơi, từ Yên Bái, Thanh Hóa, Thái Bình, Hà Nam, Gia Lâm (Hà Nội) về ươm tơ kéo sợi. Kén tằm kéo tơ có hai loại, nếu tằm ăn lá sắn sẽ cho kén trắng, tằm ăn lá dâu thì cho kén vàng. Kén màu nào sẽ cho ra tơ màu ấy.

Để thực hiện quy trình ươm tơ thủ công, người thợ Cổ Chất phải cực kỳ khéo léo và tỉ mỉ, kiên nhẫn. Đầu tiên là phải phân loại kén tằm theo chất lượng, sau đó cho kén vào nồi nước sôi và luôn tay đảo đều cho đến khi lớp áo kén bong ra bên ngoài.

Khi đó, người thợ sẽ lần tìm những mối gốc của kén tơ và rút ra, chập 10 sợi với nhau thành 1 sợi kéo lên quấn vào bát tơ.

Người thợ ươm tơ phải đứng làm việc với độ tập trung cao trong cả chục tiếng đồng hồ mỗi ngày trong hơi nóng và sự ẩm ướt. (Ảnh: Bích Hằng/Vietnam+)

Nghề ươm tơ đòi hỏi người thợ có độ tập trung cao, làm việc hàng chục giờ đồng hồ mỗi ngày trong hơi nóng và sự ẩm ướt. Đôi mắt phải tinh, đôi tay phải linh hoạt để đảo kén, đánh mối và tỉa sợi tơ, sao cho sợi tơ thật đều, căng chắc và óng mượt, không bị quá dày hay quá mảnh.

Trong chiếc lò ươm tơ bốc hơi nghi ngút, những kén tằm hình oval thi nhau nhảy không ngừng dưới những đôi tay thoăn thoắt của người thợ, làm bắn vô số những hạt nước li ti ra xung quanh. Khắp nơi đều ẩm ướt và sực nức mùi đặc trưng của những con nhộng tằm gặp hơi nóng.

Những sợi tơ mỏng mảnh liên tục được kéo lên các bát tơ,

Những sợi tơ mỏng mảnh liên tục được kéo lên các bát tơ, khi đủ dày thì được chuyển sang guồng tơ, ghim mặt và tháo tơ ra phơi nắng, tơ này gọi là tơ sống.

Tơ sống được đem đi phơi dưới nắng trước khi được se thành tơ thành phẩm để dệt lụa. Trời càng nắng thì tơ sẽ càng óng đẹp, nắng to chỉ cần phơi 2 ngày là được, còn khi trời âm u phải phơi tơ cả tuần, ảnh hưởng đến độ óng ả của sợi tơ.

Nhiều hộ gia đình ở làng Cổ Chất khi đánh tơ từ bát sang guồng đã kết hợp sấy tơ bằng đèn sưởi, vừa rút ngắn được công đoạn vừa đảm bảo được chất lượng sợi tơ trong những ngày không có nắng.

Ông Phạm Văn Giang, một hộ chuyên ươm tơ với 10 lao động cho biết việc guồng tơ bằng máy kết hợp sấy điện giúp gia đình ông có thể sản xuất được 5-6kg tơ sống/ngày.

Tơ sống do hộ ông Giang sản xuất được bán cho các cơ sở dệt lụa và xuất khẩu sang một số quốc gia như Lào, Thái Lan, Trung Quốc… Giá bán mỗi kg tơ vào khoảng 1,3-1,5 triệu đồng. Ông Giang trả tiền công cho các lao động khoảng 250.000 đồng/người/ngày.

Guồng tơ bằng máy kết hợp sấy điện tại cơ sở sản xuất của ông Phạm Văn Giang. (Ảnh: Bích Hằng/Vietnam+)

Ông cho biết nếu trừ đi chi phí nguyên liệu, nhân công, vận chuyển..., thì lợi nhuận vẫn khiêm tốn, chưa thể làm giàu. Đó còn chưa kể các đơn hàng xuất sang các nước còn phụ thuộc vào tỷ giá đồng tiền mỗi nước ở các thời điểm.

Giống như nhiều làng nghề truyền thống khác, nghề tơ lụa làng Cổ Chất cũng không tránh khỏi tình trạng bị mai một. Ông Giang cho hay các con của ông và hầu hết giới trẻ trong làng không muốn theo nghề của cha mẹ bởi công việc sản xuất thủ công vất vả mà thu nhập không cao.

Trước đây, tất cả các hộ trong làng đều làm nghề ươm tơ, nhưng hiện nay cả làng chỉ còn gần 30 hộ còn giữ được nghề của cha ông.

Ứng dụng máy móc hiện đại vào công đoạn se tơ trước khi dệt. (Ảnh: Bích Hằng/Vietnam+)

Để góp phần gìn giữ và phát triển nghề tơ lụa truyền thống, một số hộ dân hiện đã chủ động đầu tư máy móc, ứng dụng công nghệ hiện đại vào công đoạn se tơ, dệt lụa, cho năng suất và thu nhập cao hơn.

Nhờ kỹ thuật ươm tơ của người xưa, sản phẩm tơ lụa Cổ Chất hiện đại dù sản xuất thủ công hay máy móc đều có chất lượng cao, sợi tơ mảnh mà bền, mượt mà, óng ả bắt mắt.

Khung cửi dệt lụa tơ tằm truyền thống của người dân làng Cổ Chất. (Ảnh: Bích Hằng/Vietnam+)

Năm 2021, Hợp tác xã Lụa Cổ Chất được thành lập, quy tụ những nghệ nhân lành nghề từ 11 hộ gia đình còn gìn giữ được kỹ thuật ươm tơ cổ truyền.

Những người thợ tâm huyết đã nghiên cứu thị trường, tìm tòi, ứng dụng công nghệ hiện đại kết hợp với kỹ thuật truyền thống cho ra đời các sản phẩm lụa cao cấp, đồng thời cung cấp nguyên liệu chất lượng cao cho các thương hiệu thời trang trong nước và quốc tế.

Sản phẩm vải tơ tằm thủ công truyền thống Chất Silk của Hợp tác xã Lụa Cổ Chất đạt chuẩn OCOP hạng 4 sao, chắp cánh cho thương hiệu tơ lụa Cổ Chất ngày càng được nhiều người biết tới.

Điều này rất ý nghĩa bởi nó giúp người dân Cổ Chất có thêm động lực để tiếp tục bảo tồn và phát triển nghề truyền thống đáng tự hào này

Thời gian tới, người dân làng Cổ Chất mong muốn các cấp chính quyền địa phương quan tâm hơn nữa, có các giải pháp hỗ trợ thiết thực và cụ thể như tạo điều kiện cho người dân vay vốn ngân hàng sản xuất-kinh doanh; hỗ trợ đầu tư cải tiến công nghệ; liên kết, hợp tác tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm làng nghề.

Các tin khác