Trực thăng chở đoàn công tác khảo sát thực tế tại các địa điểm như: khu vực dự kiến thực hiện Vành đai 4, cao tốc TPHCM - Mộc Bài; khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao ở TP Thủ Đức, khu Bình Quới - Thanh Đa.
Sau đó, đoàn tiếp tục khảo sát khu vực phía Nam như Khu công nghiệp Hiệp Phước, Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước, rừng ngập mặn Cần Giờ, khu vực dự kiến làm cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.
Mục tiêu của buổi khảo sát nhằm phục vụ cho việc điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM đến năm 2040 tầm nhìn đến năm 2060 và lập quy hoạch TPHCM giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050.
Trong đó, việc lập quy hoạch TPHCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 gồm 4 nội dung chính: phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng (TOD); tiếp tục xây dựng, hoàn thiện mô hình chính quyền đô thị phù hợp với quy mô của một đô thị trên 10 triệu dân và các thành phố trực thuộc TPHCM; phát triển kinh tế ven sông - hướng biển; Cần Giờ xanh như một đô thị sinh thái ven biển.
TPHCM nhìn từ trên cao. Ảnh Việt Dũng |
Trao đổi với báo chí sau buổi khảo sát, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi cho biết, chuyến bay khảo sát sẽ là tư liệu rất quan trọng để giúp TP trong việc xây dựng quy hoạch sát hơn, đặc biệt là trong bối cảnh liên kết vùng và phát huy trục sông Sài Gòn và hành lang ven biển...
Về phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD), ông Phan Văn Mãi cũng cho biết, sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 98, TPHCM đã tiến hành rà soát các không gian dọc theo theo tuyến Vành đai 2, Vành đai 3, Metro số 1, m\Metro số 2, Cao tốc TPHCM - Mộc Bài. Đối với phát triển kinh tế ven sông - hướng biển, mục tiêu khảo sát dọc sông Sài Gòn, các sông nối, các tuyến kênh rạch gắn với đô thị từ trên cao, hệ thống cảng biển kết nối.
Riêng với việc phát triển Cần Giờ, TPHCM phải tôn trọng, bảo vệ tuyệt đối khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ và nghiên cứu phát triển thêm không gian xanh cho đô thị. Mục tiêu khảo sát các không gian về kinh tế biển, không gian về rừng gắn với 2 dự án lớn về cảng trung chuyển, đô thị nước biển, cũng như các khảo sát về năng lượng tái tạo tập trung vào điện gió ngoài khơi tại vùng biển Cần Giờ gắn với Vũng Tàu.
Nhìn từ trên cao, những khu vực da beo, đất đai bỏ trống còn nhiều, xen lẫn giữa những khu dân cư. Ông Nên chia sẻ lần quy hoạch này cố gắng để khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai rất lớn đó, nhất là đất ven hai bờ sông Sài Gòn.