Liên kết vùng: Chưa tạo được liên kết hữu cơ

(ĐTTCO)-Tuy chỉ chiếm 20% dân số, nhưng vùng kinh tế phía Nam (gồm 8 địa phương TPHCM, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang và Tây Ninh) hiện đang đóng góp tới 45% GDP, trong đó TPHCM đóng góp 51% vào GDP của vùng. 

Dù vậy, khu vực này đang có những dấu hiệu xuống sức trong cuộc đua tăng trưởng. TS. NGUYỄN ĐÌNH CUNG, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, đã dành cho ĐTTC cuộc trao đổi thẳng thắn về vấn đề này. 
Liên kết vùng: Chưa tạo được liên kết hữu cơ ảnh 1
PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, có nhiều ý kiến cho rằng vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đang bộc lộ nhiều điểm nghẽn, hạn chế khả năng bứt tốc tăng trưởng, như cơ sở hạ tầng xuống cấp, hệ thống giao thông đô thị bị quá tải, ô nhiễm môi trường… Ông nghĩ sao về vấn đề này? 
TS. NGUYỄN ĐÌNH CUNG: - Trước hết, về khái niệm vùng, thẳng thắn mà nói chỉ là sự cộng gộp các địa phương lân cận, thực chất không có liên kết đáng kể. Các hoạt động vùng còn nặng tính chất phô trương, xã giao. Các địa phương chưa có động lực, không có nhu cầu và không có áp lực đủ mạnh để phối hợp, kết nối thành vùng kinh tế đúng nghĩa.
Một trong những nguyên nhân dễ nhìn thấy là hệ thống 12 chỉ tiêu kinh tế - xã hội giống nhau được áp dụng cho tất cả địa phương. Như vậy, các chính quyền sẽ phải cạnh tranh với nhau thu hút đầu tư, để lo cho tỉnh nhà trước, tức chưa có nhu cầu giống nhau trong việc kết nối.
Thí dụ, kết nối giữa TPHCM với Vũng Tàu là ưu tiên số 1 của 2 địa phương này, nhưng có thể không phải ưu tiên số 1 của Đồng Nai. Hay kết nối Tây Ninh với TPHCM có thể là ưu tiên số 1 của Tây Ninh, nhưng TPHCM còn nhiều mối quan tâm khác cần giải quyết trước… 
Tóm lại, TPHCM và các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam chưa tạo được liên kết hữu cơ với nhau để trở thành một thực thể thống nhất; cũng như chưa tạo được liên kết với các khu vực, địa phương khác, vì thế chưa tận dụng được quan hệ vùng để tạo đà phát triển cho mình và cho toàn khu vực.
Đơn cử, TPHCM nằm kề 2 trung tâm công nghiệp chế biến chế tạo lớn là Bình Dương và Đồng Nai. Nhưng ngành dịch vụ hàng đầu của TPHCM là buôn bán bất động sản, trong khi dịch vụ logistics, phục vụ chế tạo sản xuất, có thể bổ trợ rất tốt cho Bình Dương và Đồng Nai, lại chỉ xếp thứ 5.
Liên kết vùng: Chưa tạo được liên kết hữu cơ ảnh 2 Các tuyến đường cửa ngõ nối liền TPHCM với các khu vực lân cận luôn trong tình trạng ách tắc giao thông.
- Bên cạnh việc phải lo hoàn thành 12 chỉ tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh nhà trước, còn có những nguyên nhân nào nữa, thưa ông?
- Nguyên nhân sâu xa là tỷ lệ ngân sách được giữ lại của các tỉnh trong vùng này, kể cả TPHCM, còn rất thấp, thấp hơn nhiều so với các địa phương phía Bắc có cùng quy mô kinh tế. Thu ngân sách của vùng chiếm 40% thu ngân sách cả nước, nhưng chi ngân sách chỉ chiếm 20%.
Các tỉnh công nghiệp xung quanh TPHCM như Bình Dương, Đồng Nai chỉ được giữ lại tương ứng 36% và 47% số thu ngân sách, trong khi các tỉnh công nghiệp xung quanh Hà Nội như Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương có tỷ lệ giữ lại ngân sách lần lượt 53%, 83%, và 98%. Riêng TPHCM có đóng góp ngân sách cao nhất, nhưng tỷ lệ được giữ lại đang thấp nhất cả nước, chỉ 18%.
Hệ quả, TPHCM và vùng Đông Nam bộ thiếu hụt nguồn lực để đầu tư và tái đầu tư nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông nội đô và giao thông liên kết. Các tuyến đường cửa ngõ nối liền TPHCM với các khu vực lân cận ở Đông và Tây Nam bộ luôn ách tắc nghiêm trọng, khiến chi phí sản xuất, dịch vụ và xuất khẩu bị đội lên quá cao, từ đó làm giảm sức cạnh tranh và sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. 
Thử nhìn vào kết quả thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của TPHCM, sẽ thấy quy mô các dự án đầu tư FDI trên địa bàn ngày càng nhỏ. Cụ thể, quy mô bình quân 1 dự án FDI ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam khoảng 10 triệu USD, thấp hơn đáng kể so với mức bình quân cả nước (12,42 triệu USD), trong khi quy mô bình quân 1 dự án ở TPHCM còn thấp hơn nữa, chỉ 5,56 triệu USD.
Thực tế này có nghĩa TPHCM đang dần thiếu vắng dự án của các tập đoàn quy mô lớn, công nghệ cao, quản trị doanh nghiệp hiện đại có khả năng dẫn dắt phát triển.
- Vậy theo ông, làm thế nào để thúc đẩy các địa phương trong vùng liên kết chặt chẽ, hỗ trợ nhau một cách hiệu quả nhất?
Vùng không phải là cộng gộp các địa phương lân cận, mà là sự liên kết hữu cơ để trở thành một thực thể thống nhất, giúp mỗi địa phương phát huy được tối đa thế mạnh của mình và cho toàn khu vực.
- Tôi phải nhấn mạnh rằng, những thách thức gay gắt khu vực Nam bộ đang đối diện đòi hỏi những giải pháp ứng phó có tính đa ngành, đa địa phương và chỉ có thể xử lý được rốt ráo khi các địa phương xây dựng được mối liên kết thực sự, cùng chung tay giải quyết.
Muốn thế, bên cạnh việc xây dựng được bản quy hoạch vùng có chất lượng (đồng thời với đó là giám sát việc thực hiện đúng quy hoạch), cần làm sao để các địa phương thấy được lợi ích thực tế từ các hoạt động liên kết, bổ trợ lẫn nhau. Có nghĩa phải làm sao để các địa phương có đủ nguồn lực giải quyết các vấn đề bức xúc nội tại của họ, cũng như tham gia các dự án kết nối vùng.
Theo tôi, trước tiên nên tập trung vào kết nối giao thông. Nếu cứ để tự các tỉnh dàn xếp với nhau sẽ rất khó, rất lâu. Đây chính là chỗ cần sử dụng đầu tư công từ Trung ương, như một cách thức kích thích phát triển hiệu quả nhất. 
Bên cạnh đó, làm sao để chính quyền các tỉnh thành có cái nhìn toàn cục, để mỗi địa phương đều phát huy được tối đa thế mạnh của mình.
Thí dụ, TPHCM nên tập trung các dự án công nghệ cao, dự án dịch vụ có giá trị gia tăng cao, không nên thu hút thêm dự án thâm dụng lao động, sản xuất giản đơn, bởi sẽ càng làm căng thẳng thêm tình trạng quá tải hạ tầng, trong khi giá trị gia tăng thu được lại nhỏ. 
- Xin cảm ơn ông. 

Các tin khác