PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, sự kết hợp giữa chính sách tiền tệ (CSTT) và chính sách tài khóa (CSTK) đã đóng vai trò như thế nào trong việc hỗ trợ phục hồi kinh tế trong 2024?
Ông ĐÀO MINH TÚ: - CSTT và CSTK là hai trụ cột trong các chính sách điều hành kinh tế vĩ mô, đặc biệt trong việc thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát. NHNN và Bộ Tài chính thường xuyên trao đổi các thông tin về thị trường tiền tệ, huy động vốn cho ngân sách nhà nước, điều hành ngân quỹ nhà nước, điều hành thống nhất lãi suất trái phiếu Chính phủ, lãi suất tín phiếu NHNN và các loại lãi suất điều hành khác.
Về phía CSTT, NHNN đã điều hành linh hoạt, chủ động các công cụ để hỗ trợ thanh khoản cho các tổ chức tín dụng (TCTD), duy trì mặt bằng lãi suất ở mức phù hợp nhằm ổn định thị trường tiền tệ, hỗ trợ kiểm soát lạm phát. Việc thực hiện thanh toán ngoại tệ cũng luôn được hai bên phối hợp, tạo điều kiện duy trì sự ổn định của tỷ giá và trạng thái ngoại tệ các NHTM, cung cầu thị trường ngoại tệ.
Tăng trưởng GDP năm 2024 đạt 7,09%, lạm phát được kiểm soát dưới mức mục tiêu Quốc hội đặt ra, các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo, góp phần tạo lập nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định. Trong thời gian tới, NHNN tiếp tục phối hợp chặt chẽ với CSTK và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm góp phần hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.
- Năm 2025, Chính phủ đặt kỳ vọng tăng trưởng kinh tế phải đạt mục tiêu 8%, thậm chí còn kỳ vọng lớn hơn vào mức tăng trưởng hai con số. Điều này cũng đòi hỏi NHNN phải bơm vốn tín dụng ra để hỗ trợ nền kinh tế. Vậy con số dự kiến tăng trưởng tín dụng 16% trong năm 2025 có quá khiêm cung, thưa ông?
- Năm 2025, Chính phủ đặt ra chỉ tiêu tăng trưởng GDP mạnh mẽ hơn 8%, vậy cần vốn tín dụng bao nhiêu, vốn từ Chính phủ, vốn đầu tư xã hội bao nhiêu, đây là vấn đề NHNN cũng đang rất quan tâm. Chúng tôi mong muốn có thêm nguồn vốn từ thị trường trái phiếu, chứng khoán và nguồn vốn khác từ đầu tư xã hội, đầu tư tư nhân nhằm giảm áp lực cho tín dụng.
Về mức tăng trưởng tín dụng 16% năm 2025 chỉ để định hướng điều hành, chứ không phải con số pháp lệnh. Mục tiêu cuối cùng là kiểm soát lạm phát, đảm bảo hỗ trợ tăng trưởng nền kinh tế, ổn định giá trị đồng tiền và tỷ giá. Tuy nhiên, NHNN khuyến khích tăng trưởng tín dụng để làm động lực tăng trưởng nền kinh tế như tín dụng xanh, tránh các NHTM tăng trưởng tín dụng nóng mất kiểm soát. Do vậy NHNN sẵn sàng mở thêm room nếu khả năng hấp thụ vốn tốt hơn, doanh nghiệp tiếp cận được vốn.
- Như vậy định hướng điều hành CSTT của NHNN trong năm 2025 sẽ tập trung vào những mục tiêu cụ thể nào để ứng phó với các biến động từ thị trường quốc tế nhưng đảm bảo lạm phát trong tầm kiểm soát?
- 2025 là năm tăng tốc, bứt phá, về đích, phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Đáp ứng tốt nhất cho yêu cầu đổi mới sáng tạo, tạo đột phá phát triển đất nước trong tình hình mới, kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Tuy nhiên, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn phức tạp, thách thức và thuận lợi đan xen, NHNN điều hành nghiệp vụ thị trường mở linh hoạt, bám sát mục tiêu CSTT. Tái cấp vốn đối với TCTD để hỗ trợ thanh khoản, cho vay các chương trình đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, hỗ trợ cơ cấu lại các TCTD và xử lý nợ xấu. Điều hành tỷ giá linh hoạt nhằm ổn định thị trường ngoại tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát.
Giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2025 ngay từ đầu năm cho các TCTD, và thông báo công khai để TCTD chủ động thực hiện. Nhưng cũng chỉ đạo các TCTD tăng trưởng tín dụng an toàn, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng NH; tiếp tục triển khai các chương trình, chính sách tín dụng đặc thù đối với một số ngành, lĩnh vực theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
- Thưa ông, tình hình kinh tế, chính trị thế giới vẫn đang diễn biến khó lường, yếu tố bên ngoài chắc chắn sẽ tác động đến điều hành CSTT. NHNN đã dự liệu cho các tình huống này?
- Năm 2025 được dự báo tiếp tục là một năm có nhiều khó khăn, thách thức với kinh tế Việt Nam nói chung và với điều hành chính sách tiền tệ nói riêng khi kinh tế toàn cầu vẫn còn nhiều yếu tố bất định và tiềm ẩn rủi ro.
Những tác động từ thị trường thế giới có thể kể đến như xung đột địa chính trị còn phức tạp; triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới chưa thật sự rõ ràng; xu hướng bảo hộ thương mại và biến động dòng vốn; lộ trình CSTT khó lường của các NH trung ương lớn, đặc biệt là Cục Dự trữ liên bang Mỹ - Fed.
Biến động trong luân chuyển dòng vốn quốc tế; giá cả hàng hóa thế giới biến động phức tạp, xu hướng gia tăng về an ninh lương thực tại các quốc gia; tác động của thiên tai, thời tiết cực đoan... Những yếu tố này có khả năng gây áp lực lên tỷ giá và thị trường ngoại tệ. Chưa kể, lạm phát toàn cầu giảm nhưng chưa bền vững, tiềm ẩn rủi ro áp lực tăng trong bối cảnh độ mở của nền kinh tế Việt Nam lớn.
Ở trong nước, bên cạnh các yếu tố thuận lợi khi quyết tâm của Chính phủ hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, đầu tư công và các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn tiếp tục được đẩy mạnh triển khai..., nền kinh tế vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức từ yếu tố bên ngoài nói trên.
Trong khi đó, sức ép cung ứng vốn của hệ thống các TCTD đối với nền kinh tế vẫn còn lớn, kể cả vốn trung, dài hạn, khi huy động vốn từ thị trường trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán gặp nhiều khó khăn. Điều này tiềm ẩn rủi ro kỳ hạn, rủi ro thanh khoản lớn đối với hệ thống NH.
Tuy nhiên, với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự linh hoạt, chủ động, quyết liệt của NHNN trong điều hành và những nỗ lực, trách nhiệm cao của hệ thống NH sẽ từng bước hóa giải những thách thức để đạt các mục tiêu.
- Xin cảm ơn ông.