Lợi suất TP Mỹ tăng: Dấu hiệu của lạm phát?

(ĐTTCO) - Trong tuần qua, mối quan tâm của giới đầu tư quốc tế tập trung vào thị trường trái phiếu (TP) Mỹ, khi lợi suất TP 10 năm của Mỹ liên tục tăng vượt qua mốc 1,3% rồi 1,5%, có lúc lên đến 1,6%. Liệu điều này có phát đi tín hiệu lạm phát đang trở lại, hay nó có cái gì khác đằng sau?
Lợi suất TP Mỹ tăng: Dấu hiệu của lạm phát? ảnh 1
Khi lợi suất TP tăng mạnh, giá TP sẽ giảm
Đợt tăng lợi suất này đã tạo ra đợt bán tháo trên nhiều thị trường khác, bao gồm cổ phiếu (CP) và thị trường thương phẩm. Chỉ số CP Nasdaq giảm mạnh trong tuần với nhiều CP công nghệ phổ biến trong giới nhà đầu tư (NĐT) nhỏ lẻ giảm hơn 15%, như Plug Power.
Giá vàng, bạc và dầu thô cũng giảm vào cuối tuần; đặc biệt giá vàng giảm về quanh mức 1.730USD/ounce, đang tiến về mốc 1.700USD, giảm mạnh so với mức gần 1.850USD tuần trước đó.
NĐT lo ngại lạm phát sẽ tăng vì nó có thể buộc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) phải tăng lãi suất trở lại để kềm chế lạm phát. Nếu “cỗ máy in tiền” của Mỹ trục trặc, câu chuyện “tiền nhiều quá để làm gì” sẽ kết thúc. Khi đó, những CP tăng mạnh sẽ gặp rắc rối. Đây là một trong những nguyên nhân NĐT Mỹ bán mạnh các CP công nghệ trong tuần, bao gồm cả những CP tăng nóng như Tesla.
Vậy điều gì khiến lợi suất TP dài hạn của Mỹ tăng? Đơn giản vì nguồn cung TP cao hơn nhu cầu mua nên nó giảm giá. Giá TP và lợi suất có mối quan hệ ngược chiều, nên khi giá TP giảm, lợi suất sẽ tăng.
Lợi suất TP Mỹ tăng: Dấu hiệu của lạm phát? ảnh 2 Tần suất tìm kiếm từ khóa inflation trên Google tăng mạnh từ đầu 2021. Nguồn: Google
Đợt đấu thầu TP 5 năm của chính phủ trong tuần lễ giao dịch cuối tháng 2 được cho là “thủ phạm chính” làm thị trường TP hoảng loạn và đẩy lợi suất TP tăng. Trong đợt đấu thầu đó, nhu cầu mua TP giảm xuống mức thấp kỷ lục, khiến lợi suất TP 5 năm vượt qua mốc tâm lý 0,75%.
Thị trường đánh giá đây là dấu hiệu cho thấy xu thế bán tháo TP sẽ còn tiếp tục, đã tiến hành bán ra nhiều TP dài hạn khác, bao gồm TP 10 năm mà thị trường CP đang chú ý. Thế là lợi suất TP 10 năm tăng, có lúc vọt lên trên 1,6% sau đó giảm lại, cho thấy đã có người mua TP bị lỗ và phải cắt lỗ, dẫn đến cú “giật mình” trên thị trường. 
Thị trường TP Mỹ đang lo lắng lượng lớn nguồn cung TP sẽ tiếp tục được chính phủ Mỹ bán ra để huy động vốn cho gói cứu trợ kinh tế Tổng thống Biden đang đề xuất.
Ngoài ra, vào tháng 3 năm ngoái, Fed đã cho phép loại TP chính phủ ra khỏi tổng tài sản cần trích lập tỷ lệ dự trữ bắt buộc tăng thêm (SLR), mục tiêu giúp ngân hàng đỡ phải dự trữ tiền, có thêm dư địa cho vay để hỗ trợ nền kinh tế và làm thanh khoản trên thị trường tài chính dễ chịu. 
Nhiều ngân hàng đã tận dụng chính sách hỗ trợ thanh khoản này để tăng mua vào TP chính phủ vì họ vừa được hưởng lãi suất, lại vừa không phải trích lập dự trữ cho khoản đầu tư này.
Nay khi thời hạn hỗ trợ này sắp hết (vào cuối tháng 3), NĐT TP lo ngại nếu điều khoản hỗ trợ này không được gia hạn, nhiều ngân hàng đang giữ lượng TP lớn sẽ phải bán số TP này ra (nếu không họ sẽ phải tăng trích lập dự trữ cho số TP này). Lượng cung TP chính phủ trong tháng 3 của Mỹ vì vậy có thể bị “kẹp” bởi 2 nhân tố này, nên nhiều khả năng còn tăng, có nghĩa giá TP có khả năng tiếp tục giảm. 
Vì vậy, không khó hiểu khi nhiều NĐT không mặn mà với TP chính phủ Mỹ lúc này. Họ đang lo ngại một lượng cung lớn hơn sẽ còn được đưa ra thị trường vào tháng sau. Vì thế, lúc này NĐT chú ý điều chỉnh danh mục theo hướng bán ra thay vì mua vào. Câu thành ngữ “Khi trời đổ mưa, sẽ mưa như trút nước” (when it rains, it pours) của người Mỹ áp dụng đúng vào lúc này. 

Lạm phát không phải nhân tố chính đẩy lợi suất TP
Phân tích trên cho thấy mức tăng của lợi suất TP nhiều khả năng là yếu tố thị trường hơn là nỗi lo lạm phát. Điều đó không có nghĩa lạm phát không liên can gì ở đây. Nỗi lo lạm phát là có thật và đã là chủ đề tranh cãi từ đầu năm trong giới làm chính sách cũng như đầu tư chuyên nghiệp của Mỹ.
Nhiều người nghi ngờ lạm phát tăng mạnh do nhu cầu tiêu dùng bị nén lại như lò xo trong giai đoạn giãn cách xã hội và thị trường việc làm xấu đi, có bùng phát lại khi tình hình được cải thiện nhờ vào các gói cứu trợ kinh tế và kỳ vọng tăng trưởng kinh tế hay không?
Việc Chủ tịch Fed Powell khẳng định trong phiên điều trần cuối tháng 2 với quốc hội là tăng trưởng GDP của Mỹ có thể lên đến 6% đã làm bất ngờ nhiều người. Đây là mức tăng trưởng của một thị trường mới nổi, cao gấp mấy lần tăng trưởng bình quân của kinh tế Mỹ.
Mức dự báo 4-5% trước đây đã được đánh giá quá lạc quan. Tăng trưởng đến 6% có thể gọi là nóng, sẽ thổi bùng kỳ vọng lạm phát trong nền kinh tế. Mối quan tâm đến lạm phát của Mỹ được thể hiện qua tần suất tìm kiếm từ khóa “inflation” trên Google ở Mỹ không ngừng tăng kể từ đầu năm.  
Mối quan tâm lạm phát là có thật, nhưng kỳ vọng lạm phát không thể tạo ra đợt tăng mạnh của lợi suất như vậy. Theo số liệu của thị trường giao sau, mức kỳ vọng lạm phát vẫn là dưới 3%.
Chủ tịch Powell cũng đã chỉ ra rằng lạm phát tuy có thể vượt qua mức kỳ vọng 2% của Fed một chút, nhưng vẫn sẽ không dễ gì tăng mạnh xa khỏi mức đó. Nói cách khác, cả thị trường và nhà làm chính sách kỳ vọng lạm phát có thể tăng, nhưng không nhanh và mạnh như tín hiệu lợi suất TP Mỹ chỉ ra.
Vậy đợt tăng mạnh lợi suất này chỉ ra điều gì? Thứ nhất, nó phản ánh kỳ vọng thị trường về hồi phục kinh tế mạnh và lạm phát có thể tăng. Nhưng quan trọng hơn, nó phản ánh cỗ máy in tiền của Fed đã đạt tới giới hạn.
Tuy ông Powell đã khá thành công trong việc bảo vệ quan điểm tiếp tục hỗ trợ thị trường tài chính ở phiên điều trần quốc hội, nhưng với những áp lực như vậy ông chỉ có thể tiếp tục mua vào lượng TP mỗi tháng như hiện tại, tức giới hạn quanh mốc 120 tỷ USD, trừ khi có tình huống đặc biệt.
Và thị trường CP giảm điểm hay lợi suất TP tăng nhanh chưa phải là lý do để ông mua thêm TP, nhất là khi kinh tế vẫn đang hồi phục và chính phủ dự tính có gói cứu trợ ngàn tỷ USD tiếp theo. 
Nói cách khác Fed không rút tiền về, vẫn duy trì bơm tiền như kế hoạch, nhưng thời kỳ bơm tiền ào ạt đã không còn. Những chủ thể trên thị trường phải tự điều chỉnh lại.
Những mức giá CP cao tới 50 lần so với doanh thu trên mỗi CP, hay mức P/E trên 1.200 lần của Tesla là quá nóng. Cần phải có sự điều chỉnh. 
 Khi người ta tin vào khẩu hiệu “tiền rẻ nhiều quá biết làm gì”, họ có thể mua bất cứ thứ gì với bất cứ giá nào. Nhưng khi họ nhận ra khẩu hiệu đó đã không còn hợp thời, thị trường sẽ tự điều chỉnh. 

Các tin khác