Vấn đề bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được đề cập khá nhiều và được coi là một trong những vấn đề quan trọng và nóng bỏng trên con đường hội nhập kinh tế quốc tế và phát triển bền vững của đất nước. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, hầu như quyền lợi của người tiêu dùng và pháp luật bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng chưa được chú ý một cách thích đáng.
Cùng với quá trình phát triển nhanh, hội nhập mạnh trên tất cả các lĩnh vực, từ đây, quan hệ mua bán, giao dịch giữa một bên là nhà sản xuất - kinh doanh hàng hóa và dịch vụ với một bên là người bỏ tiền ra mua hàng hóa và dịch vụ để phục vụ cho sinh hoạt, tiêu dùng của cá nhân, gia đình và tổ chức (người tiêu dùng) đã được xác lập với vai trò ngày càng được nâng cao của người tiêu dùng.
Việc bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng đã có những chuyển biến rất tích cực, đặc biệt là sau khi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 được Quốc hội thông qua ngày 20/6/2023.
Đây là hành lang pháp lý quan trọng để các cơ quan chức năng thực hiện quản lý nhà nước về bảo vệ người tiêu dùng, đồng thời cũng thể hiện sự quan tâm ngày càng sâu sắc của Nhà nước đối với vấn đề này.
Đến ngày 31/8/2023 Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Thủ tướng yêu cầu việc triển khai thực hiện Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng phải bảo đảm sự chỉ đạo thống nhất của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên, hiệu quả giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc triển khai thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Nội dung công việc phải gắn với trách nhiệm và phát huy vai trò chủ động, tích cực của cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương và địa phương, đảm bảo chất lượng, tiến độ hoàn thành công việc. Có lộ trình thực hiện cụ thể để khi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024, thì các hoạt động được triển khai đồng bộ, thống nhất trên phạm vi cả nước. Thường xuyên, kịp thời kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ, giải quyết vướng mắc, khó khăn phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện để đảm bảo tiến độ, hiệu quả của việc triển khai thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Trao đổi với phóng viên báo chí, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa cho biết, theo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, trong quá trình sử dụng hàng hóa, dịch vụ, người tiêu dùng được bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp; được cung cấp đầy đủ thông tin về hàng hóa, dịch vụ.
Người tiêu dùng cũng được yêu cầu bồi thường thiệt hại khi hàng hóa dịch vụ không đúng với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả hoặc nội dung khác mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đã công bố, niêm yết, quảng cáo hoặc cam kết. Được khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hoặc đề nghị tổ chức xã hội khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định của pháp luật.
Nhưng theo ông Hòa, với những quy định trên, quyền lợi của người tiêu dùng đã được pháp luật đảm bảo đầy đủ, rõ ràng và cụ thể. Tuy nhiên, trong thực tế không phải lúc nào quyền của người tiêu dùng được các doanh nghiệp thực thi đúng quy định.
“Bên cạnh quyền của người tiêu dùng về bảo hành hàng hóa cũng được Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định. Mặc dù vậy, trong thực tế trừ một số loại hàng hóa đặc biệt như ô tô, xe máy và một vài sản phẩm hàng hóa điện tử viễn thông được doanh nghiệp bán hàng quan tâm thực hiện, phần còn lại hầu như đẩy trách nhiệm cho người tiêu dùng, bởi hiện nay loại hàng hóa nào phải bắt buộc bảo hành vẫn chưa được pháp luật quy định cụ thể”, ông Hòa phân tích.
Đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, đây có thể xem là một lỗ hổng pháp lý rất lớn trong việc điều chỉnh quan hệ xã hội về thương mại mà phần thiệt thòi luôn thuộc về người sử dụng hàng hóa, dịch vụ.
Từ đó, ông Hòa cho rằng, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cần hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, tăng cường hiệu quả thực thi của các cơ quan chức năng, đẩy mạnh xã hội hóa, phát huy vai trò, chức năng nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, trong đó có Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể để có sức mạnh, đủ lực để khi có tranh chấp giữa người tiêu dùng với nhà sản xuất thì có điều kiện bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, giúp các hoạt động vì quyền lợi của người tiêu dùng thực sự phát huy hiệu quả.