Lúng túng quản lý, P2P biến tướng

(ĐTTCO) - Cùng với những giải pháp thanh toán di động, hình thức cho vay ngang hàng (P2P Lending) - mô hình dịch vụ tín dụng kết nối trực tiếp người cho vay và người đi vay, xử lý toàn bộ quá trình cho vay thông qua các nền tảng trực tuyến.

 Tuy nhiên, vì thiếu khung pháp lý cho lĩnh vực công nghệ tài chính (fintech) này, đã khiến P2P Lending xuất hiện nhiều hình thức biến tướng đầy rủi ro.

Phát triển thiếu kiểm soát
Ngày 2-6, Công an TPHCM phong tỏa tòa nhà trụ sở Công ty TNHH Cashwagon để kiểm tra, làm rõ thông tin cho vay tín dụng qua app, với lãi suất cắt cổ được phản ánh gần đây. Trên giấy phép, Cashwagon đăng ký ngành nghề kinh doanh bán buôn và bán lẻ máy vi tính, thiết bị ngoại vi, phần mềm và thiết bị viễn thông.
Nhưng thực tế Cashwagon được biết đến với tư cách là đơn vị cho vay tiêu dùng, sử dụng nền tảng công nghệ cho vay tiền trực tuyến để kết nối nhà đầu tư và người đi vay (P2P Lending). Ghi nhận trong những lần ĐTTC tiếp cận trước đây, khách hàng vay 3 triệu đồng trong 90 ngày trên ứng dụng này trả lãi suất 12%/năm, cộng phí tư vấn 585.000 đồng và phí dịch vụ 630.000 đồng, người vay phải trả tổng cộng 4,267 triệu đồng.
Lúng túng quản lý, P2P biến tướng ảnh 1 Ảnh minh họa.
Có thể thấy, cùng với sự phát triển tích cực của các thị trường tài chính truyền thống, lĩnh vực fintech đã có những bước phát triển nhanh. Trong 4 năm qua, chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của các công ty fintech, từ số lượng 40 năm 2016 lên 154 vào tháng 6-2019. Giá trị giao dịch thị trường fintech từ mức 4,4 tỷ USD dự kiến tăng lên khoảng 9 tỷ USD năm 2020.
Trong số đó, P2P Lending là nhóm fintech có tốc độ phát triển nhanh cả về số lượng lẫn giá trị giao dịch (đạt 40 công ty vào tháng 3-2019). Tuy nhiên, pháp lý cho fintech, NHNN mới có những quy định để quản lý ví điện tử, sắp tới sẽ triển khai thí điểm mobile money, còn việc quản lý các loại hình fintech khác vẫn nằm trong dự kiến. 
Theo một chuyên gia tài chính NH, các quy định của luật pháp hiện nay không cấm người dân cho vay lẫn nhau, cũng không có luật nào cấm một công ty đứng ra làm môi giới giữa 2 người cho vay lẫn nhau. Vì vậy, các ứng dụng P2P Lending dễ dàng nở rộ trong thời gian qua, thậm chí những ứng dụng cho vay có nguồn gốc từ Trung Quốc cũng tràn sang Việt Nam, sau khi mô hình này đổ vỡ ở Trung Quốc.
Các ứng dụng này dễ dàng thu hút hàng triệu người tham gia, vì đáp ứng nhu cầu vay tiền nhanh của những đối tượng dưới chuẩn vay tại NH hay các công ty tài chính, trong bối cảnh nhu cầu tài chính của mỗi người càng ngày càng tăng. 
Bản chất của P2P Lending không xấu, nhưng trong quá trình hoạt động xuất hiện sự biến tướng, khá nhiều công ty núp bóng P2P để hợp thức hóa hình thức tín dụng đen. Cụ thể, họ dùng lãi suất dưới 20%, đúng với quy định của Luật Dân sự 2016. Tuy nhiên, kèm theo lãi suất là các loại phí hồ sơ, thẩm định, quản lý… đẩy lãi suất tăng kinh khủng 200-300%/năm.
Khi người vay không trả được nợ, một số công ty dùng cách thu hồi nợ mang tính xã hội đen, thủ đoạn không hợp pháp. Đã có nhiều trường hợp người đi vay bị thiệt thòi vì lãi suất vay rất cao, khi không trả được nợ sẽ bị khủng bố tinh thần. Điều này cũng khiến hình thức P2P Lending phát triển trong tình trạng trắng đen lẫn lộn và được đánh giá đầy rủi ro.
Kỳ vọng cơ chế phù hợp
Với tình hình đó, việc quản lý P2P được xem rất cần thiết và làm càng nhanh càng tốt. Lâu nay, tất cả giao dịch cho vay qua ứng dụng đã và đang diễn ra không có văn bản hợp pháp, chỉ là thỏa thuận miệng, hoặc thỏa thuận trên giấy tờ nhưng rất sơ sài, không có những điều khoản cụ thể về lãi suất, phương pháp trả nợ cũng như điều khoản về trách nhiệm và quyền lợi của các bên cho vay và đi vay. Như vậy, người cho vay không kiểm soát được mục đích vay, người đi vay có nguy cơ mất an toàn thông tin cá nhân hoặc đối mặt với rủi ro không công bằng về lãi suất. 
Ghi nhận tại thời điểm này, sau khi hàng loạt công ty cho vay ngang hàng bị tố cáo trong những tháng đầu năm 2020, NHNN đã thông báo đang xây dựng Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát cho hoạt động fintech trong lĩnh vực NH, bao gồm cả P2P Lending để trình Thủ tướng phê duyệt, dự kiến năm 2021 sẽ chạy thử nghiệm.
Liên quan đến thông tin này, vị chuyên gia nói trên nhận định, dù dự kiến của cơ quan quản lý cho thấy định hướng quản lý mô hình vẫn chậm chạp, nhưng cũng mong đợi sẽ có những quy định hợp lý để thị trường tài chính phát triển an toàn, bền vững trong tương lai.
Chuyên gia này kỳ vọng cơ quan quản lý sẽ có những quy định để xử lý tình trạng các công ty thành lập với mục đích tư vấn tài chính, nhưng lại cho vay ngang hàng. Đồng thời, khi cho vay lẫn nhau, vấn đề trách nhiệm quyền lợi mỗi bên, phương pháp trả nợ cũng cần cụ thể hóa để khi xảy ra vi phạm, tòa án có cơ sở để xử lý. 
Hiện ở các nước, các nền tảng cho vay ngang hàng đều chịu quản lý giống như các trung gian dịch vụ tài chính khác về bảo vệ nhà đầu tư, yêu cầu về thanh khoản, vốn và quản lý rủi ro. Đây cũng là điểm kỳ vọng NHNN nghiên cứu để các công ty P2P Lending được cấp phép hoạt động an toàn.
Còn hiện tại, trong khi cơ quan quản lý vẫn đang nghiên cứu cơ chế thử nghiệm, người dân nên hạn chế hoặc tốt nhất nên chờ có khuôn khổ pháp lý điều chỉnh hoạt động P2P Lending. Những trường hợp tiếp cận hình thức vay này cần phải xem xét chủ thể nào cho vay, ghi rõ quy định cam kết trên hợp đồng, lưu ý thỏa thuận cụ thể về lãi suất, thời gian vay, lãi suất phạt, lãi suất phạt quá hạn để tránh những rủi ro không đáng có.
P2P là xu hướng tất yếu trong kỷ nguyên kinh tế số, là nhu cầu công nghệ hóa các hoạt động nhằm kết nối các nguồn vốn trong nền kinh tế. Vì thế, cần sớm xây dựng hành lang pháp lý đối với mô hình này, nhằm bảo vệ nhà đầu tư và người vay.

Các tin khác