Việc mạnh tay xử lý đối với các dự án, quy hoạch “treo” đang là vấn đề ưu tiên của Chính phủ, các cấp bộ, ngành và địa phương.
Tại Công văn số 4358/VPCP-CN ngày 13/7/2022, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện rà soát quy hoạch, kịp thời điều chỉnh hoặc hủy bỏ quy hoạch đã quá thời hạn và không có tính khả thi; rà soát các dự án để có phương án kiểm tra, đôn đốc tiến độ và kiên quyết thu hồi dự án “treo”…
Không chỉ vậy, Nghị quyết 18-NQ/TW được ban hành trước đó ngày 16/6/2022 về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao," cũng cho thấy rõ quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong xử lý vấn đề này, nhằm kịp thời tháo gỡ những vướng mắc trong quản lý và sử dụng đất đai, bảo đảm hài hòa các lợi ích của Nhà nước, người dân và nhà đầu tư, tạo động lực mới để phát triển.
Vấn đề cấp thiết
Các dự án “treo," quy hoạch “treo” không chỉ gây ảnh hưởng lớn đến quá trình phát triển kinh tế-xã hội ở các địa phương mà còn kéo theo rất nhiều hệ lụy như gây lãng phí nguồn lực từ đất đai, thất thu thuế, bỏ lỡ cơ hội kinh doanh… Thực tế cho thấy, hầu như địa phương nào cũng có dự án “treo," nhất là đối với các dự án tại các khu công nghiệp, hạ tầng giao thông khi hàng loạt doanh nghiệp “xin đất thực hiện dự án” nhưng lại chậm triển khai đầu tư xây dựng.
Hàng nghìn dự án “treo” gây lãng phí nguồn lực
Đơn cử như tại Thành phố Hồ Chí Minh vừa quyết định sẽ xử lý hơn 300 dự án "xí đất" để đó. Cụ thể, trong 6 năm qua, Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh thông qua 1.445 dự án có thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất nhưng có đến hơn 300 dự án 'xí đất' rồi để đó, ảnh hưởng đến quyền lợi người dân.
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố, từ năm 2016 đến năm 2020, Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh thông qua 11 nghị quyết về thu hồi đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với 1.445 dự án; trong đó có 402 dự án đã hoàn thành, 741 dự án đang triển khai và 302 chậm triển khai.
Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố đang rà soát để đưa ra khỏi nghị quyết vì quá 3 năm đăng ký kế hoạch sử dụng đất nhưng chưa triển khai. Các lý do được đưa ra giải thích là vì phụ thuộc cân đối nguồn vốn ngân sách, tài chính của chủ đầu tư để bồi thường và thực hiện dự án; công tác bồi thường gặp khó khăn về phương án, giá…
Tương tự, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cũng khẳng định, trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện nay có hàng nghìn dự án “treo;" trong đó có những dự án không biết chủ đầu tư là ai. Nhiều dự án chỉ có tờ giấy chứng nhận đầu tư nhưng chưa làm gì. Có dự án, thành phố đã đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhưng cũng không thể đi tiếp được nữa.
Ông Trần Sỹ Thanh cho biết Hà Nội đang rất quyết tâm, cố gắng trong năm 2022 và quý 1/2023 sẽ "quét" một loạt dự án; trong đó, sẽ có dự án được thúc đẩy, dự án bị thu hồi. Điều này sẽ loại bỏ tình trạng chủ đầu tư không có năng lực, ôm đất chỉ nhăm nhăm xây nhà để bán, phớt lờ trách nhiệm làm hạ tầng xã hội, an sinh, cố tình quên xây trường lớp, dồn áp lực dân cư cho địa phương...
Chưa xử lý triệt để
Chính phủ và các địa phương; trong đó có các thành phố lớn như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội đã thực hiện nhiều giải pháp thanh tra, kiểm tra nhưng có thể thấy dự án treo vẫn tồn tại, nhiều khu đô thị bị bỏ hoang, nhiều dự án treo từ năm này sang năm khác nhưng chưa được xử lý dứt điểm.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân là do việc phân công, phân cấp trách nhiệm giữa các sở, ngành, địa phương còn chưa rõ ràng, mỗi nơi chịu trách nhiệm một việc nhưng đầu mối tập trung cuối cùng để đưa ra quyết định xử lý lại chưa tốt. Điều này có thể lấy ví dụ từ việc cải tạo chung cư cũ, một câu chuyện kéo dài hàng chục năm nay vẫn chưa có hồi kết dù cả người dân và chính quyền đều mong muốn thực hiện. Nguyên nhân cũng bởi chưa làm rõ được vấn đề đền bù sau cải tạo, giữa các bên còn nhiều ý kiến bất đồng…
Tương tự với câu chuyện dự án “treo," mặc dù thời gian gần đây, các địa phương đã vào cuộc với nhiều quyết tâm xoá dự án treo nhưng khi đã giao đất cho doanh nghiệp rồi thì khó thu hồi. Đó là do thiếu chính sách trong đấu giá, đền bù, giải phóng mặt bằng, sau thu hồi xử lý ra sao...
Theo Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân, Trường trực Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội, vấn đề quy hoạch treo, dự án treo còn tồn tại cũng bởi 3 yếu tố hiện nay đang gặp khó khăn. Thứ nhất là phê duyệt quy hoạch, theo Luật Quy hoạch bắt đầu có hiệu lực thì chia quy hoạch địa phương, quy hoạch vùng và quy hoạch quốc gia theo từng thời kỳ. Thời kỳ này là thời kỳ đang phải hoàn thành các quy hoạch địa phương, nhưng khó khăn nhất chính là việc chuẩn bị và phê duyệt quy hoạch. Đây là giai đoạn các cơ quan thẩm định và cơ quan phê duyệt quy hoạch trả lại rất nhiều, yêu cầu địa phương phải điều chỉnh lại dự thảo. Cái khó khăn chính là một bên người ta muốn giữ lại những cái gì cho phát triển tương lai ở địa phương, nhưng bên khác lại muốn điều chỉnh theo hướng mà họ quan tâm.
Cái khó thứ 2 là bước triển khai, khi đã có quy hoạch tốt rồi nhưng lại không có nguồn lực đầu tư. Cuối cùng là khâu giải phóng mặt bằng, vấp phải khó khăn trong di dời, đền bù và va chạm rất nhiều luật cho nên chậm tiến độ.
“Dù nhiều nguyên nhân nhưng suy cho cùng là bắt đầu từ khâu lập quy hoạch. Anh lập quy hoạch nhưng đánh giá, nghiên cứu chưa kỹ, xác định nguồn lực chưa đúng. Ví dụ như ở một khu đô thị đến lúc làm xong hết rồi tự dưng có cái nhà nằm ngang con đường không giải phóng mặt bằng được vì chưa thỏa thuận được giá đền bù. Đấy là những cái mà lúc lập quy hoạch chưa dự báo được," ông Vân chia sẻ.
Chống đầu cơ và bỏ hoang đất
Để triển khai đồng bộ các giải pháp khắc phục các tồn tại, hạn chế liên quan đến vấn đề "quy hoạch treo," "dự án treo," tại Công văn số 4358/VPCP-CN ngày 13/7/2022, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu các bộ, ngành và ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường, phối hợp đồng bộ.
Cụ thể, Bộ Xây dựng và các bộ, ngành liên quan tập trung hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, quy chuẩn, tiêu chuẩn về quy hoạch xây dựng, đầu tư xây dựng: sửa đổi, bổ sung Luật Xây dựng, xây dựng Luật Quản lý phát triển đô thị, Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn theo Chương trình xây dựng luật của Quốc hội.
Đặc biệt chú ý đối với các quy định về lập, thẩm định quy hoạch xây dựng; tăng cường sự tham gia của cộng đồng dân cư trong quá trình lấy ý kiến đồ án quy hoạch; thẩm định dự án đầu tư xây dựng, tăng cường thẩm tra về năng lực của chủ đầu tư về vốn, khả năng huy động vốn, về năng lực quản lý và nhân sự; quy định trách nhiệm của cơ quan quản lý, cơ quan tư vấn đối với chất lượng quy hoạch; hoàn thiện thể chế về thanh tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch.
Trên lĩnh vực đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng vừa có Công văn số gửi ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường kiểm tra xử lý các dự án, công trình không đưa đất vào sử dụng, chậm tiến độ sử dụng đất. Đề nghị các địa phương tổng hợp và báo cáo kết quả thực hiện về Bộ trước ngày 30/11 hàng năm để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Để tiếp tục tăng cường xử lý các dự án, công trình không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm tiến độ sử dụng đất, tránh lãng phí đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị các địa phương khẩn trương chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc rà soát, lập danh sách, hồ sơ quản lý đối với các dự án, công trình đã được giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án mà không sử dụng đất 12 tháng liên tục hoặc tiến độ đưa đất vào sử dụng chậm 24 tháng theo quy định (điểm i khoản 1 Điều 64 của Luật Đất đai năm 2013) của pháp luật đất đai.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cũng yêu cầu ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát quy hoạch, kịp thời điều chỉnh hoặc hủy bỏ quy hoạch đã quá thời hạn và không có tính khả thi; rà soát các dự án để có phương án kiểm tra, đôn đốc tiến độ và kiên quyết thu hồi đối với những dự án chậm tiến độ, khắc phục tình trạng "dự án treo;" xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch, công khai quy hoạch và kế hoạch thực hiện theo đúng quy định.
Đặc biệt, với tinh thần của Nghị quyết 18-NQ/TW xác định rõ yêu cầu quy định mức thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, đầu cơ đất, chậm sử dụng đất, bỏ đất hoang…; có chế tài cụ thể và đồng bộ để xử lý các trường hợp đã được nhà nước giao đất, cho thuê đất nhưng không sử dụng hoặc chậm sử dụng; kiên quyết thu hồi đất của tổ chức, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp sử dụng đất không đúng mục đích, nhất là tại các vị trí có lợi thế, khả năng sinh lợi cao, ngăn chặn thất thoát vốn, tài sản nhà nước.
Các chuyên gia cũng cho rằng nguyên tắc áp thuế cao hơn cho các hoạt động đầu cơ, sở hữu nhiều đất đai và đất đai bị bỏ hoang sẽ đưa giá cả trở nên linh hoạt và sát thực tế địa phương hơn; đồng thời, làm mất động lực và kẽ hở cho các bất cập, sai phạm và trục lợi vì khai thác cơ chế hai giá đất hiện hành. Hơn nữa, còn khắc phục được tình trạng chênh lệch giá đất giáp ranh giữa các địa phương trong giao đất, cho thuê đất, bồi thường khi thu hồi đất ở địa phương…
Đối với các địa phương, ông Lê Thanh Vân, Thường trực Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội, khuyến nghị trước hết phải hết sức cẩn trọng trong việc xác định khung khổ phát triển cho tỉnh mình. Đó là những điều kiện để phát triển như điều kiện địa lý, điều kiện tự nhiên, dân số, giao thông… từ đó xác lập quy hoạch hấp dẫn đầu tư phát triển phù hợp năng lực tài chính, khả năng tiêu thụ để có kết nối vùng miền, giao lưu thúc đẩy sản xuất kinh doanh dịch vụ…
“Khi có quy hoạch rồi thì cần xếp theo thứ tự ưu tiên để dành nguồn lực phát triển. Kinh nghiệm của các nước phát triển là chuẩn bị hạ tầng giao thông và giáo dục trước. Các quy hoạch vùng bao giờ họ cũng đầu tư hạ tầng giao thông trước. Đầu tư cho giáo dục để mở mang dân trí, tác động tới nguồn lực lao động. Các nhà đầu tư thấy giao thông tốt, nguồn lực dân trí tốt thì mới đầu tư, đó chính là thứ tự ưu tiên," ông Lê Thanh Vân nhấn mạnh.