Mô hình nào cho thành phố Củ Chi?

(ĐTTCO) - Định hướng phát triển huyện Củ Chi lên thẳng TP đã được lãnh đạo TPHCM đề cập, lộ trình phát triển cũng được xây dựng. Tuy nhiên, so với nhiều quận huyện khác tỷ lệ đô thị hóa Củ Chi khá thấp, kết nối hạ tầng giao thông kém, vẫn mang đậm nét huyện thuần nông.
Một góc trung tâm huyện Củ Chi.
Một góc trung tâm huyện Củ Chi.

 Vậy mô hình nào cho TP Củ Chi với xuất phát điểm nói trên? ĐTTC ghi lại một số ý kiến của các nhà quản lý, chuyên gia… xung quanh vấn đề này.

Ông VÕ VĂN HOAN, Phó Chủ tịch UBND TPHCM: 
Xây dựng mang sắc thái riêng biệt

Củ Chi có lợi thế với hệ thống sông, rạch khá nhiều, đất nông nghiệp, cây xanh chiếm tỷ lệ khá cao… Đó là những điều kiện quan trọng để phát triển Củ Chi thành đô thị mang sắc thái riêng biệt, đậm nét sông nước và mảng xanh. Tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi đúng hướng, hiệu quả với nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để  tăng giá trị. Về lâu dài, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là sản xuất công nghiệp, nông nghiệp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sử dụng đất, góp phần tăng quỹ đất phục vụ mảng xanh. 
Việc xây dựng, phát triển khu dân cư trên địa bàn Củ Chi phải quan tâm kế thừa các yếu tố kiến trúc truyền thống, đặc biệt chú trọng đến bố trí sân, vườn, cảnh quan, đảm bảo chất lượng môi trường sống. Cải tạo vườn tạp trong các lô đất của hộ gia đình, đầu tư sản xuất các sản phẩm nông nghiệp hiệu quả kinh tế cao, góp phần tăng thu nhập, đồng thời tạo môi trường sinh thái khu vực. Giữ gìn và khôi phục không gian mặt nước, bao gồm hệ thống sông, ao hồ, đầm nước, cân bằng môi trường sinh thái, tăng cường khả năng tiêu thoát nước đô thị, phát huy giao thông thủy và hoạt động du lịch, vui chơi giải trí. 
Cụ thể, triển khai cao tốc An Sương đi Mộc Bài, đường Vành đai 3 sớm kết nối Củ Chi, Hóc Môn với phía Đông TPHCM và tỉnh Đồng Nai, tháo gỡ nút thắt lớn nhất của Củ Chi là giao thông khi các tuyến đường tại Củ Chi phần lớn là đường nhỏ. Đồng thời, phát triển đường ven sông Đồng Nai từ TPHCM đi Củ Chi, Tây Ninh, vừa giảm thời gian lưu thông, vừa tạo cảnh quan phát triển du lịch sinh thái.
Tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đối với các dự án quy hoạch trên địa bàn huyện, đặc biệt là khu đô thị Tây Bắc TP, dự án Thảo cầm viên Sài Gòn - Sài Gòn Safari sớm đi vào hoạt động. Chuẩn bị kỹ lưỡng, sớm tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư với các tập đoàn lớn cho sự phát triển của Củ Chi.
Để xây dựng thành công Củ Chi trở thành vành đai xanh, đô thị xanh, TPHCM cần quan tâm việc triển khai thực hiện nội dung định hướng phát triển vành đai xanh theo quy hoạch chung TP. Sự kết hợp đa ngành, đồng bộ giữa các cơ quan quản lý là cần thiết để đảm bảo sự hài hòa với tầm nhìn dài hạn của TPHCM.

KTS.TS NGYỄN ANH TUẤN,
Trưởng phòng Quản lý Quy hoạch chung (Sở QH-KT TPHCM):
Liên kết vùng, phá thế độc đạo cho Củ Chi
Để khắc phục các điểm yếu về mặt vị trí và hạ tầng kết nối, các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn huyện Củ Chi cần hướng đến phát triển theo định  hướng liên kết, hình thành các cụm ngành kinh tế với các khu vực lân cận TPHCM và các tỉnh khác có lợi thế về mặt kết nối với thị trường, bến cảng. Nói cách khác, các KCN này cần tập trung phát triển các ngành phụ trợ, cung cấp đầu vào cho các KCN khác vốn tập trung vào khâu sản xuất thành phẩm sau cùng để xuất khẩu, hoặc cung cấp ra thị trường. 
Chẳng hạn việc hình thành cao tốc TPHCM - Mộc Bài, hứa hẹn mang đến nhiều cơ hội phát triển cho ngành logistics. Đường cao tốc sẽ là kênh kết nối với thị trường xuất khẩu, thị trường quốc tế, giúp Củ Chi tăng khả năng tiếp cận thị trường quốc tế, qua đó thu hút mạnh mẽ nguồn vốn đầu tư cho ngành kinh tế hướng xuất khẩu. Mặt khác, các điểm giao của hạ tầng nội bộ và cao tốc sẽ tiềm năng trở thành các trung tâm kinh tế sôi động và là động lực để phát triển các mô hình đô thị theo hướng TOD (định hướng phát triển hệ thống giao thông công cộng làm cơ sở quy hoạch phát triển đô thị) quy mô vừa và nhỏ.
TPHCM là đô thị có vùng nông nghiệp, sinh thái ở các huyện ngoại thành, trong đó có Củ Chi, vì vậy cần sắp xếp, bố trí lại các điểm dân cư ngoại thành, đặc biệt là vùng nông thôn theo từng cụm. Kiểm soát (giới hạn đô thị) tránh tràn lan, phạm vào các khu vực tự nhiên, giữ gìn các quỹ đất lớn để dự trữ phát triển các khu chức năng quan trọng trong tương lai. Thí dụ, tại Củ Chi cần hình thành các khu chức năng (đa trung tâm), khu đô thị tập trung, khu dân cư đồng bộ. Các khu chức năng này là trụ cột, điểm tựa và là động lực thúc đẩy phát triển đô thị ngoại vi, vừa làm chỗ dựa cho khu nội thành ổn định, tạo điều kiện hỗ trợ qua lại cho các khu vực.
TS. BÙI NGỌC HIỀN, Học viện Cán bộ TPHCM:
Phát triển theo mô hình đô thị sinh thái thông minh
Qua nghiên cứu các chỉ số phát triển kinh tế - xã hội của huyện Củ Chi, có thể nhận thấy hiệu quả đạt được chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của nơi đây. Vì thế, định hướng và động lực phát triển chính của Củ Chi cần được nghiên cứu toàn diện. Về mô hình của đơn vị hành chính, nếu phát triển huyện Củ Chi thành TP thuộc TPHCM, cần xem xét, tính toán, đánh giá toàn diện để đảm bảo tính khoa học, khả thi của việc thực hiện trên thực tiễn.
Về mô hình phát triển, Củ Chi nên xác định phát triển huyện theo mô hình đô thị sinh thái thông minh, cung cấp những tiện ích và môi trường sống tốt cho người dân, trên cơ sở khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế hiện có của huyện, như có quỹ đất TPHCM, mật độ dân số thấp, các chỉ số môi trường còn đảm bảo… 
Xác định các động lực phát triển chính của Củ Chi trong tương lai là công nghiệp chế biến nông sản, nông nghiệp công nghệ cao và du lịch sinh thái. Quan điểm này được đưa ra trên cơ sở Củ Chi là vùng chuyển tiếp giữa Đông Nam bộ và vùng Tây Nam bộ, là vùng sản xuất nông nghiệp của TPHCM. Khi phát triển công nghiệp chế biến nông sản sẽ phát huy hiệu quả trong khai thác, chế biến  các sản phẩm nông nghiệp của Củ Chi và các vùng tiếp giáp, xa hơn là vùng Tây Nam bộ. Hơn nữa, phát triển công nghiệp chế biến giúp chuyển dịch cơ cấu  kinh tế, tăng sức hấp dẫn để thu hút đầu tư vào Củ Chi. 

Các tin khác