Chính quyền, đoàn thể, doanh nghiệp và cả xã hội quan tâm, có những đơn vị muốn xắn tay áo vào ngay lập tức như FPT. Nhưng cũng có nhiều quan điểm trái chiều, thậm chí mâu thuẫn nhau. Vậy ta nên làm gì và lựa chọn mô hình nào cho hợp lý.
Cần cuộc điều tra XHH cẩn trọng
Để có thể đưa ra được các phương án đúng bắt buộc phải trình ra được kết quả khảo sát xã hội học (XHH) về 2 phương diện: nhân khẩu học-xã hội và nguyện vọng những người liên quan.
Cho đến nay, chưa có công bố nào về trẻ mồ côi cả nước và ở TPHCM, ngoài con số thống kê sơ bộ hơn 1.500 trẻ. Có rất nhiều câu hỏi phải trả lời, trong số 1.500 trẻ này bao nhiêu trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ, bao nhiêu mất cha hoặc mẹ, ở từng độ tuổi (sơ sinh, dưới 10 tuổi, trên 10 tuổi đến dưới 18 tuổi) là bao nhiêu, trong số đó bao nhiêu có ông bà nội ngoại, có họ hàng thân thích, và những chỉ số khác như giới tính, học vấn, gia cảnh, anh em ruột, tài sản cha mẹ để lại (nhà cửa, tiền bạc)…
Con số thống kê càng chính xác, càng chi tiết càng tốt.
Sau đó là nguyện vọng của mỗi đứa trẻ, người thân nhất của chúng. Chính quyền nên tôn trọng nguyện vọng của chúng, những đứa trẻ 10-17 tuổi đã ý thức được về hoàn cảnh của mình, do vậy chúng có thể quyết định xem nên ở với ai, ở đâu, trên cơ sở chính quyền cho chúng thấy mỗi phương án đi kèm theo là điều kiện đảm bảo (tài chính, nhà ở, học hành, nơi chốn) để chúng lựa chọn.
Tương tự như thế những người thân, bà con cũng được tham khảo để có được các ứng xử tốt nhất đối với từng trẻ. Mỗi đứa trẻ là một hoàn cảnh, một số phận không thể đánh đồng được. Những trẻ còn cha hay mẹ không nên tách chúng ra đưa đi đâu đó xa xôi, những trẻ mồ côi cả cha mẹ nhưng còn ông bà nội ngoại còn đủ sức khỏe, hay cô, dì, chú bác cưu mang cũng cần tính đến.
Thậm chí, trong gia đình có 4, 5 anh em mồ côi, nhưng nếu anh chị lớn nhất trong nhà có đủ sức khỏe, tình yêu thương và nghị lực cũng không nên chia rẽ chúng ra. Một nguyên lý của giáo dục là những trẻ mồ côi, thiếu tình cảm càng nên nuôi dưỡng chúng trong bầu không khí gia đình, họ hàng nhiều nhất trong khả năng có thể, việc bứt chúng ra khỏi đời sống gia đình là cực chẳng đã.
Sau khi có được một nghiên cứu XHH, chính quyền, các cơ quan chức năng và người liên quan có thể đưa ra được các phương án khác nhau, không nhất thiết chỉ có phương án duy nhất là tập trung lại một chỗ tất cả các cháu.
Các quan điểm thống nhất với trẻ mồ côi
Các quan điểm thống nhất với trẻ mồ côi
Dù với phương án, mô hình nào cũng phải tuân thủ một số quan điểm mang tính nguyên tắc. Đó là phải có kế hoạch dài hơi nuôi dưỡng trẻ mồ côi. Thông thường, khi xã hội xuất hiện một việc thương tâm liên quan đến số đông người, nhất là khi nạn nhân là trẻ em, lòng trắc ẩn của số đông người trỗi dậy có thể tạo thành phong trào rầm rộ hay hiện tượng xuất thần “vụt sáng”.
Với 1.500 trẻ mồ côi cũng vậy, nhưng việc cho các cháu ít tiền cùng lời động viên, nuôi 1 ngày, 1 tuần, 1 tháng trong thời buổi khó khăn này là quý lắm. Nhưng chăm sóc, nuôi dưỡng, dạy dỗ, rèn luyện, học hành cho trẻ mồ côi vài ba tuổi đến 18 tuổi (đủ tuổi công dân), 22 tuổi có nghề nghiệp lập thân là quá trình dài đằng đẵng, không chỉ cần tài chính, chỗ ở mà cả tình thương yêu vô bờ bến, cùng với đó là phương pháp, kỹ năng thích hợp.
Với các cháu, ngoài chuyện ăn uống, điều hệ trọng khác là tạo ra cho các cháu một mái ấm, một bầu không khí yêu thương đùm bọc. Mất cha mẹ là mất chỗ dựa lớn nhất về tinh thần, các cháu bị rơi vào hoảng loạn, sau nước mắt là trầm cảm, hoang mang, lo sợ.
Vì thế, hơn lúc nào hết các cháu cần chỗ dựa tinh thần để không bị rơi vào tuyệt vọng, dẫn đến những suy nghĩ hành động tiêu cực, những bàn tay nhân ái giúp các cháu có niềm tin vào xã hội và bản thân mình, để rồi mạnh mẽ hơn, đứng lên từ đau thương.
Chính vì thế cái ăn, mặc, chỗ ngủ là cần, nhưng quan trọng hơn là phải lo cho các cháu việc học hành, hình thành nhân cách, rèn luyện thân thể, vui chơi giải trí, trang bị kỹ năng sống, và mở rộng các quan hệ xã hội.
Đó là công việc thường trực, kiên trì, bền bỉ, không phải chỉ rộ lên như là phong trào hay chợt lóe theo kiểu “ngẫu hứng” được.
Vì lý do đó, TPHCM - nơi đang có số lượng trẻ mồ côi vì Covid đông nhất, cần hình thành một ngân quỹ ổn định dành riêng cho chương trình này, làm sao đủ chi phí đều đặn cho các cháu hàng tháng và gia tăng theo nhu cầu của độ tuổi và học tập.
Nghị định 20 của Chính phủ quy định các đối tượng là trẻ em mồ côi, không có nguồn nuôi dưỡng, được hưởng trợ cấp xã hội 900.000 đồng/tháng với trẻ dưới 4 tuổi và 540.000 đồng/tháng với trẻ từ đủ 4 tuổi trở lên, là không đủ cho nhu cầu của các cháu, cho dù là nhu cầu tối thiểu.
Quỹ này hình thành từ nhiều nguồn khác nhau, ngân sách của TP, hội đoàn, doanh nghiệp, mạnh thường quân và các cá nhân hảo tâm, có bộ phận quản lý thu chi và chu cấp cho các cháu giống như lương tháng, đảm bảo đủ sinh hoạt, học tập bình thường. Quỹ đảm bảo không bỏ sót cháu nào dù sống ở trường, trung tâm hay ở nhà người thân.
Các mô hình cần cân nhắc
Các mô hình cần cân nhắc
Hiện có nhiều loại hình nuôi trẻ mồ côi, tựu trung có thể chia thành 2 nhóm tại gia và tập trung. Mô hình tại gia có những hình thức: nuôi trẻ tại nhà với những người thân gần nhất như cha hoặc mẹ, ông bà, cô dì chú bác; những người bà con xa, hoặc người quen với gia đình nhận nuôi; người lạ (có thể cả người nước ngoài) nhận làm con nuôi. Hình thức này khá phổ biến trên thế giới và được coi là ưu việt nhất, vì trẻ được nuôi dưỡng, trưởng thành ở mái ấm và vòng tay người thân.
Tuy nhiên, để mô hình này bền vững cần có một quỹ cung cấp cho các cháu tài chính, vật chất ổn định ở mức ngang bằng (không thấp hơn) những trẻ trong gia đình bình thường.
Với các cháu được người lạ nhận nuôi cần có cơ chế đánh giá và kiểm soát về năng lực tài chính và đạo đức, nếu không trẻ sẽ bị rơi vào những hoàn cảnh tồi tệ hơn như bị mua bán, buộc phải lao động nặng nhọc…
Mô hình tập trung bao gồm: các trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi của các tôn giáo, hay cá nhân (nhóm) từ thiện; các trường có dáng dấp như “thiếu sinh quân” của nhà nước hoặc trường được các tập đoàn kinh tế bảo trợ.
Ở TPHCM hiện nay có hơn 50 trung tâm, mái ấm, nhà mở chuyên nuôi trẻ mồ côi, hoặc trẻ mồ côi lẫn với trẻ em khuyết tật.
Có thể kể đến một số đơn vị nuôi trẻ mồ côi với số lượng lên đến hàng trăm như Làng trẻ mồ côi Picasso, Làng trẻ SOS Thủ Đức, Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Gò Vấp. Đứng ra tổ chức những nơi này là nhà chùa, nhà thờ, tổ chức phi chính phủ (NGO), hoặc cá nhân các mạnh thường quân.
Tài chính của các mái ấm nhà mở này vô chừng, đa phần do đóng góp của các nhà hảo tâm, khả năng quyên góp của các chùa, nhà thờ, doanh thu của các nhà bảo trợ, ngay các trung tâm được bảo trợ bởi các tổ chức NGO cũng phụ thuộc vào nhà tài trợ quốc tế.
Ngay sau khi TPHCM công bố số lượng các cháu mồ côi vì dịch, ngày 16-9 ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT đã đưa ra ý tưởng xây dựng một ngôi trường tại TP Đà Nẵng và đón 1.000 cháu 6-18 tuổi về nuôi dưỡng, chăm sóc, đào tạo cho đến khi trưởng thành. Mô hình này hình dung ra như một trường “thiếu sinh quân”.
Tuy nhiên, có khá nhiều người phản đối ý tưởng này với lý do bứt các cháu khỏi gia đình, sản phẩm đào tạo theo kiểu “đúc khuôn” của “doanh trại lính”…
Nếu bình tâm chúng ta sẽ thấy đây là ý tưởng tốt nếu khai thác đúng. Trên thế giới, vào những thời điểm khó khăn nhất, mô hình “thiếu sinh quân” đã phát huy hiệu quả rất tốt.
Sau đại chiến Thế giới lần thứ 2, Liên Xô có hàng triệu trẻ em bị rơi vào cảnh mồ côi. Chính quyền Xô Viết khi ấy thành lập ra hàng ngàn trại trẻ mồ côi, đã chăm lo cho các cháu trở thành công dân có ích, rất nhiều nhà lãnh đạo, nhà khoa học, tướng lĩnh, nghệ sĩ tài danh xuất thân từ những trẻ mồ côi này.
Thiết nghĩ sau khi sàng lọc, cháu nào mồ côi cả cha lẫn mẹ, không còn nơi nương tựa ở TPHCM và khắp cả nước có thể gom về trường của FPT. Tôi tin là mô hình này thành công, bởi đây là ý tưởng không chỉ nhân văn mà thực sự có tính khả thi cao, vì FPT là đơn vị có thực lực về tài chính, có đội ngũ chuyên nghiệp và hơn hết có tấm lòng. Sau khi vận hành, những gì chưa hoàn chỉnh sẽ điều chỉnh sau.
Chẳng hạn học tập mô hình Trại trẻ ở Gò Vấp không tổ chức lớp mà tổ chức gia đình, mỗi phòng ở là một gia đình 6 cháu, có anh lớn, em nhỏ và mẹ chăm sóc (một nữ tình nguyện viên lớn tuổi).
Như ở các nước, vào thứ 7, chủ nhật các cặp vợ chồng không có con đến chơi với các cháu ở trường mồ côi, trong quá trình tiếp xúc nảy sinh cái “duyên” và họ làm thủ tục pháp lý nhận con nuôi. FPT hoàn toàn làm được như thế.
Tôi trân trọng TS. Trương Gia Bình khi ông nói “Tôi mong muốn tạo ra một môi trường để các em mất cha, mất mẹ do dịch Covid-19 được học tập, rèn luyện, biến đau thương thành sức mạnh”. Và ông tin rằng “Sức mạnh lớn nhất của con người là được yêu thương và yêu thương mọi người”. Đó là sức mạnh giúp cho các cháu đi tới.