Mô hình nào để phá thế “độc đạo” của Củ Chi?

(ĐTTCO) - Là vùng đất ở phía Tây Bắc TPHCM, nên sự phát triển của Củ Chi không thể tách rời tầm nhìn và bối cảnh phát triển của toàn TP. Với vai trò như một Đô thị Vùng, “nhằm phát huy hết tiềm năng với tư cách là hạt nhân của vùng kinh tế và văn hóa quan trọng của mình, TPHCM phải tối đa hóa khả năng kết nối với các tỉnh lân cận  và tạo ra cơ sở hạ tầng phục vụ không chỉ cho chính TP mà còn cho sự phát triển tiềm năng của các khu vực xung quanh.
Mô hình nào để phá thế “độc đạo” của Củ Chi?
Đồng thời, để tăng sức hấp dẫn và cạnh tranh, TP cần khai thác những đặc trưng cảnh quan hiện có như cảnh quan sông Sài Gòn với những giá trị sinh thái tự nhiên gắn với bề dày văn hóa lịch sử của nó, nhằm xây dựng nền tảng bền vững và sức hấp dẫn cho TP.

Mô hình cụm ngành kinh tế là mô hình liên kết mà trong đó các hoạt động kinh tế phân bố trong một khu vực không gian nhất định có sự gắn kết theo chuỗi giá trị. Đầu ra của sản phẩm này là đầu vào của sản phẩm khác, các hoạt động kinh tế gắn kết vào chuỗi giá trị từ các nguyên liệu, con giống ban đầu đến khâu phân phối thành phẩm ra thị trường.

Cụm ngành kinh tế mang lại nhiều giá trị cho chuỗi giá trị, trong đó những lợi ích quan trọng nhất của chúng là nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm cuối cùng thông qua tiết giảm chi phí vận chuyển, các khâu trung gian không tạo nên giá trị, đồng thời mang đến hiệu quả kinh tế về mặt quy mô góp phần giảm giá thành sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Ngoài ra, cụm ngành kinh tế cũng giúp cho hình thành thị trường lao động có chất lượng thông qua sự lan tỏa tri thức gắn với các mô hình liên kết đào tạo và học hỏi lẫn nhau. Kết quả là, sự phát triển của các cụm ngành kinh tế sẽ tạo nên động lực để hình thành các khu đô thị công nghiệp nhờ vào sự thu hút lực lượng lao động, sự hình thành và phát triển hạ tầng xã hội đi kèm với các dịch vụ hỗ trợ. Có thể nói, sự hình thành và phát triển của cụm ngành kinh tế sẽ thúc đẩy sự hình thành và phát triển bền vững của khu đô thị công nghiệp.

Để khắc phục các điểm yếu về mặt vị trí và hạ tầng kết nối, các khu công nghiệp trên địa bàn huyện Củ Chi cần phải hướng đến phát triển theo định hướng liên kết nhằm hình thành các cụm ngành kinh tế với các khu vực lân cận của TP và các tỉnh khác có lợi thế về mặt kết nối với thị trường, bến cảng.

Nói cách khác, các khu công nghiệp này cần tập trung phát triển các ngành phụ trợ, cung cấp đầu vào cho các khu công nghiệp khác vốn tập trung vào khâu sản xuất thành phẩm sau cùng để xuất khẩu hoặc cung cấp ra thị trường. Bên cạnh đó, việc hình thành cao tốc TPHCM– Mộc Bài trong tương lai hứa hẹn mang đến nhiều cơ hội phát triển cho ngành logistics.

Đường cao tốc sẽ là một kênh kết nối với thị trường xuất khẩu, thị trường quốc tế nên giúp cho khu vực Củ Chi tăng khả năng tiếp cận thị trường quốc tế, qua đó thu hút mạnh mẽ nguồn vốn đầu tư cho ngành kinh tế hướng xuất khẩu. Mặt khác, các điểm giao của hạ tầng nội bộ và cao tốc sẽ tiềm năng trở thành các hub kinh tế sôi động và là động lực để phát triển các mô hình đô thị theo hướng TOD quy mô vừa và nhỏ.

TPHCM là đô thị nhưng có vùng nông nghiệp, sinh thái ở các huyện ngoại thành, trong đó có Củ Chi, vì vậy cần phải sắp xếp, bố trí lại các điểm dân cư ngoại thành, đặc biệt là vùng nông thôn theo từng cụm. Kiểm soát (giới hạn đô thị) tránh tràn lan, phạm vào các khu vực tự nhiên, giữ gìn các quỹ đất lớn nhằm để dự trữ phát triển các khu chức năng quan trọng trong tương lai. Ngoài nhu cầu về nhà ở/đất ở ra thì nhu cầu về phúc lợi xã hội, cơ sở hạ tầng ngày càng nhiều.

TP phải chịu rất nhiều áp lực, quá tải, hàng loạt các tác động về mặt kinh tế, đời sống xã hội và môi trường (như giá đất, mức sinh hoạt, chi phí sản xuất tăng, hiệu suất làm việc/đi lại giảm, thâm hụt kinh tế, tăng lượng khí thải và ô nhiễm môi trường,...) làm hạn chế lợi thế cạnh tranh của TP. WB đánh giá, các đô thị VN nằm trong top các quốc gia sử dụng đất đất lãng phí, không hiệu quả nhất.

Nhu cầu lương thực thực phẩm hiện tại đang được cung ứng chủ yếu từ các khu vực sản xuất nông nghiệp chuyên canh ở các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long, miền Đông và Lâm Đồng. Tuy nhiên, việc duy trì chuỗi cung ứng dài trong bối cảnh đại dịch và biến đổi khí hậu tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Do vậy việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao trong khu vực đô thị công nghiệp để hạn chế ảnh hưởng khi xảy là đứt gảy chuỗi cung ứng hàng hóa sẽ giúp tăng cường khả năng chống chịu của hoạt động sản xuất công nghiệp và khu dân cư. Việc áp dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp sẽ giúp tăng năng suất và giảm sự lệ thuộc vào môi trường sinh thái vốn bị ảnh hưởng tiêu cực bởi hoạt động công nghiệp.

TPHCM là đô thị nhưng có vùng nông nghiệp, sinh thái ở các huyện ngoại thành, trong đó có Củ Chi, vì vậy cần phải sắp xếp, bố trí lại các điểm dân cư ngoại thành, đặc biệt là vùng nông thôn theo từng cụm. Kiểm soát (giới hạn đô thị) tránh tràn lan, phạm vào các khu vực tự nhiên, giữ gìn các quỹ đất lớn nhằm để dự trữ phát triển các khu chức năng quan trọng trong tương lai.

Tập trung ra ngoại thành mả cụ thể là tại Củ Chi bằng việc hình thành các khu chức năng (đa trung tâm), các khu đô thị tập trung, các khu dân cư đồng bộ và bài bản (các khu chức năng này là trụ cột, là điểm tựa và là động lực thúc đẩy phát triển đô thị ngoại vi, vừa mang tính gia cố cho tổng thể đô thị, vừa làm chỗ dựa cho khu nội thành ổn định, vừa tạo điều kiện hỗ trợ qua lại cho các khu vực.

TS.KTS NGUYỄN ANH TUẤN, TP Quản lý QH chung (Sở QHKT TPHCM)

Các tin khác