Mô hình 'rừng trong thành phố' liệu có khả thi?

(ĐTTCO) - Ý tưởng “rừng trong thành phố, thành phố trong rừng” rất hay, nhưng có thể đã muộn ở các thành phố của Việt Nam.
Một góc rừng ngập mặn Cần Giờ, TPHCM.
Một góc rừng ngập mặn Cần Giờ, TPHCM.

Khoảng giữa tháng 6, khi chủ trì cuộc họp thẩm định nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến 2065, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà định hướng với khu vực đô thị trung tâm của Hà Nội cần nghiên cứu mô hình “rừng trong thành phố".

Đến ngày 31-7, trong dịp làm việc với Bộ Xây dựng, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhắc lại thông điệp này trong phần nói về Luật Nhà ở, coi đó là xu thế cần đưa vào trong quy hoạch đô thị. Ông còn gợi ý nên phát triển mô hình đô thị nén, xây dựng nhà cao tầng, giảm bớt nhà phố để dành đất cho rừng đô thị.

Ý tưởng của Phó Thủ tướng được coi là táo bạo ở Hà Nội và TPHCM, bởi trong bối cảnh 2 thành phố này thiếu mảng xanh và thiếu đất ở khu vực trung tâm. Nhưng cần khẳng định mô hình này không mới, nó đã có từ hàng chục thậm chí trăm năm trước. Những ai từng học và làm việc ở Matxcova, hay Kiev sẽ thấy rất nhiều rừng cây đẹp nằm ngay trong lòng thành phố.

Xung quanh Trường Đại học Tổng hợp quốc gia Lomonosov là những rừng táo, lê bạt ngàn. Hay ở Singapore, một đất nước có diện tích 700km2, chỉ bằng 1/3 TPHCM nhưng có đến 28 khu rừng, trong đó có những khu rừng rộng 100ha như National Botanic Singapore. Thành phố New York của Mỹ cũng có khu rừng ở trung tâm có tên Manhatttan rộng 341ha (gần bằng Thủ Thiêm).

Tuy nhiên, ở đây có khái niệm cần làm rõ “rừng đô thị”. Rừng là rừng, dứt khoát không phải là công viên hay thảo cầm viên, mà là những cánh rừng rộng lớn thực thụ. Nó có thể là rừng tự nhiên (rừng nguyên thủy) được cải tạo lại, hoặc rừng trồng mới có thể kết hợp với các công viên, vườn hoa, khu tự do hạn chế dành cho động vật.

Đặc điểm quan trọng của nó là một vùng đất rộng lớn có kết hợp ao hồ, kênh rạch tự nhiên hay nhân tạo, trồng nhiều cây tập trung (không phải cây phân tán như trên đường phố). Rừng được quy hoạch bài bản theo các khu chức năng, loại cây trồng ở đây được chọn lựa kỹ càng về chủng loại, phần lớn là cây cao tầng, có tán rộng và các cây cao thấp tạo thành nhiều tầng. Rừng trong thành phố ngoài tác dụng là lá phổi, còn là nơi thư giãn cho cư dân sau một ngày, một tuần làm việc. Cuối tuần người dân kéo nhau đến đó để nghỉ ngơi, đọc sách, vẽ, chơi cờ, đánh cầu lông và tổ chức nướng thịt (gọi là BBQ).

Do vậy muốn biến ý tưởng có rừng trong nội thị, việc đầu tiên, cũng coi là quan trọng nhất, là TPHCM và Hà Nội phải có những viện, trung tâm chuyên nghiên cứu cây xanh đô thị. Loại viện tầm cỡ quốc tế như thế có khá nhiều ở Hà Lan, Singapore và Malaysia.

Chẳng hạn như “Knowledge Tree International Institute” của Singapore. Dựa trên các nghiên cứu của viện này, chính phủ Singapore cho trồng rừng với 5 loại cây chính là muồng tím, angsana, lim sét, xà cừ và lọng ô. Đặc điểm chung của những cây này là thân to chắc, tán rộng, chịu đựng được gió to bão lớn.

Trong khi đó, Việt Nam chưa có những viện nghiên cứu chuyên nghiệp như thế. Chính vì vậy, việc trồng cây xanh đường phố, trong nhà dân, hay dây leo bám tường khá tùy tiện, trong đa phần trường hợp các nhà tư vấn cho dân lại chính là những người bán cây cảnh lề đường.

Loại rừng như Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nói hiện nay không có ở khu vực 14 quận nội thành TPHCM và 4 quận nội thành Hà Nội cũ. Hà Nội có những khu rừng ở các vùng được gọi là Hà Nội mới sau khi mở rộng năm 2008, như ở Hòa Bình, Ba Vì. Còn TPHCM có 2 nơi có rừng ở cực Tây Bắc và cực Nam thành phố, là rừng tái sinh ở Củ Chi, và rừng ngập mặn Cần Giờ. Vậy kiếm đâu ra đất trồng rừng?

Có ý kiến cho rằng có thể dựa trên chỉ đạo của Phó Thủ tướng để thiết kế lại đô thị, tức bỏ loại nhà trệt bám mặt phố chiếm dụng mặt bằng quá lớn để xây chung cư cao tầng, sau khi nén lại như thế sẽ có quỹ đất dôi ra để làm rừng. Tuy nhiên sáng kiến trên có vẻ không khả thi với hoàn cảnh nước ta. Hiện nay chỉ có Trung Quốc làm được.

Sau năm 1990, Trung Quốc cho bỏ hết loại nhà trệt một tầng để đưa dân vào chung cư và làm được nhiều công viên, rừng cây lớn. Sau cải cách và tái cấu trúc đô thị, thành phố Bắc Kinh đã kiến tạo được 10 rừng cây lớn ngay trong nội ô của thủ đô. Các thành phố khác như Thượng Hải, Vũ Hán, Quảng Đông cũng làm được điều tương tự.

Quay trở lại bối cảnh Việt Nam, kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, cho rằng ý tưởng làm rừng trong nội đô không khả thi. Theo ông, rừng theo đúng nghĩa rộng hàng chục km², ở đó người ta có thể đi bộ, đi qua khoảng rừng đó để tới phố khác, rất thân thiện, có thể nhìn thấy sóc, nhím và các loại động vật khác…

Do vậy, với Hà Nội hiện nay chỉ có thể tập trung cải tạo 62 công viên đang có, cùng với phát triển rừng ở các vùng Hòa Bình, Hà Tây, Vĩnh Phúc cũ đã nhập về Hà Nội.

Tương tự, với TPHCM trước mắt cố gắng giữ rừng tái sinh ở Củ Chi và rừng ngập mặn Cần Giờ. Bởi trong tương lai gần, khi khu đô thị lấn biển rộng 3.000ha, cảng trung chuyển quốc tế, khu đô thị cảng Hiệp Phước và tuyến metro Bến Thành - Cần Giờ, cũng như Đại lộ Cần Giờ ra đời, khả năng giữ vành đai khu sinh quyển Cần Giờ sẽ rất khó.

Tiếp theo đó, sớm hoàn thành dự án công viên rừng tự nhiên Safari Củ Chi rộng 460ha được quy hoạch từ 15 năm trước. Một hy vọng có thể khả thi, là TPHCM hình thành dải rừng xen công viên ven bờ sông Sài Gòn dài 62km từ Tân Cảng đến Bến Dược.

Ý tưởng “rừng trong thành phố, thành phố trong rừng” rất hay, nhưng có thể đã muộn ở các thành phố của Việt Nam. Có chăng chỉ làm được ở phía vành đai bên ngoài xa các trung tâm, nếu có quyết tâm chính trị cao và đầu tư lớn.

Các tin khác