“Mổ xẻ” nguyên nhân khiến thị trường trái phiếu doanh nghiệp rối loạn

(ĐTTCO)-Một trong những nguyên nhân chính của sự rối loạn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ nằm ở khâu giám sát, hậu kiểm và hoạt động phân phối trái phiếu…

(Ảnh minh họa: KT)
(Ảnh minh họa: KT)

Trong thời gian vừa qua đã xảy ra một số vụ lùm xùm liên quan trái phiếu doanh nghiệp khiến dư luận quan tâm, trong đó có trường hợp của Tập đoàn Tân Hoàng Minh.

Thực tế đã xuất hiện “lỗ hổng” liên quan phát hành trái phiếu riêng lẻ của doanh nghiệp, do đó cần phải siết lại để làm trong sạch thị trường. Để thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển lành mạnh, Bộ Tài chính đã đề xuất nhiều chính sách như thu hẹp mục đích phát hành nhằm hạn chế chuyển nhượng vốn lòng vòng, yêu cầu tỉ lệ an toàn tài chính đối với doanh nghiệp khi phát hành…

Tránh tình trạng nhà đầu tư cá nhân bị dẫn dụ, lừa phỉnh

Trước ý kiến cho rằng, nhiều doanh nghiệp yếu kém vẫn được phát hành trái phiếu bừa bãi dẫn đến rủi ro cho các nhà đầu tư và những hệ lụy không mong muốn đối với thị trường, ông Khổng Phan Đức - Chủ tịch HĐTV VietinBank Capital cho rằng điều này không hoàn toàn chính xác.

Ông cũng nêu quan điểm, nghị định 153 hiện thời đã làm thị trường TPDN phát triển rất tốt, giúp cho nhiều DN tiếp cận được vốn một cách hiệu quả, bản chất nghị định 153 không có quá nhiều vấn đề cần sửa đổi mà chỉ cần một chút xíu tinh chỉnh và siết chặt "một vài con ốc đang quá lỏng lẻo" sẽ làm cho thị trường này hoạt động trơn tru êm ái, giúp cho TPDN phát huy tốt vai trò của mình đối với nền kinh tế.

Ông Đức cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước và NĐT cũng cần phải chấp nhận một thực tế, ngay cả các khoản tín dụng được cấp cho doanh nghiệp, cho dù đã được thẩm định kỹ lưỡng, giám sát chặt chẽ khâu giải ngân, thanh tra hậu kiểm bởi nhiều bên cũng có thể bị rủi ro mất vốn.

Ở Việt Nam, tỷ lệ cho phép nợ xấu có nguy cơ mất vốn lên tới 3%, và đã từng có thời điểm, tỷ lệ nợ xấu của hệ thống NHTM ở VN đã lên tới 7%-8%, nên thị trường TPDN ở Việt Nam không thể có chuyện hoàn toàn an toàn 100%, cho dù các chủ thể liên quan tới thị trường TPDN đã nỗ lực ở mức cao nhất đi nữa. 

Chủ tịch VietinBank Capital thẳng thắn chỉ rõ, một trong những nguyên nhân chính của sự rối loạn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ nằm ở khâu giám sát, hậu kiểm hoạt động phát hành trái phiếu riêng lẻ và hoạt động phân phối trái phiếu, các nguyên nhân khác như tính thiếu minh bạch trong hồ sơ phát hành, công bố thông tin mập mờ về sử dụng vốn, tiến độ triển khai dự án… là hệ lụy như “điều tiết giao thông với đầy đủ biển hiệu chỉ báo nhưng lại thiếu đi cảnh sát giao thông đã khiến cho các phương tiện cá nhân đi lại một cách tự phát vô ý thức”.

Ông Khổng Phan Đức nêu thực tế rằng, nhà đầu tư cá nhân dễ bị dẫn dụ, lôi kéo, lừa phỉnh vì quá mù mờ trong việc đánh giá các rủi ro ẩn chứa trong các cơ hội đầu tư, thậm chí họ còn sẵn sàng “đồng lõa” với môi giới trong việc “vượt rào” lấy được xác nhận NĐT chuyên nghiệp.

“Gần như 100% nhà đầu tư cuối cùng trên thị trường BĐS, thị trường chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp, ngoại trừ trái phiếu ngân hàng, là nhà đầu tư cá nhân. Một hình ảnh lặp lại của hệ thống giao thông ở Việt Nam, nơi mà hầu hết các phương tiện tham gia ở đó là phương tiện giao thông cá nhân. Đường có mở rộng tới mấy, làm nhiều cầu vượt, hầm đường bộ tới mấy, vẫn thường xuyên xẩy ra cảnh tắc đường, đồng thời tỷ lệ tai nạn giao thông rất cao, và cũng phần lớn tai nạn giao thông xẩy ra với các phương tiện giao thông cá nhân. Đây là vấn đề mấu chốt của những vấn đề rối loạn trên tất cả cả thị trường BĐS, giao dịch cổ phiếu hay đầu tư trái phiếu DN phát hành riêng lẻ trong thời gian qua”, ông Đức nói.

“Do đó, cần nhanh chóng bổ sung các phương tiện giao thông công cộng nhằm đảm bảo khả năng kiểm soát của nhà nước, đồng thời giảm bớt đi tính hỗn loạn của một thị trường bao phủ bởi các NĐT cá nhân. Chúng ta cần sớm có chính sách dẫn luồng cho nhà đầu tư cá nhân ủy thác hoặc giao phó tài sản của mình cho các quỹ đầu tư chuyên nghiệp (dưới dạng mua Chứng chỉ quỹ của các quỹ đầu tư) để thay mình giải ngân vào các sản phẩm tài chính phù hợp với tiêu chí đầu tư, giúp họ quản trị rủi ro và đánh giá về hiệu quả của sản phẩm đầu tư đó. 

Theo ông Đức, câu chuyện quan trọng nhất bây giờ là tái thiết kế lại thị trường một cách đồng bộ, nhằm giảm bớt vai trò nhà đầu tư cá nhân tự ra quyết định, nhưng vẫn phải đảm bảo độ mở của thị trường để khai thông và dẫn được dòng vốn từ khu vực cư dân đến với doanh nghiệp. 

Lành mạnh hóa, nhưng không “bóp nghẹt”

Nêu quan điểm về việc lành mạnh hóa thị trường trái phiếu doanh nghiệp, TS. Cấn Văn Lực - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho rằng, cần bắt đúng "bệnh" và phải khuyến khích hình thành các hãng xếp hạng tín nhiệm trước khi phát hành. “Chẳng hạn, thời gian đầu là bắt buộc và khi thị trường phát triển tốt lên, có thể giãn dần các quy định bắt buộc”, ông Lực khuyến nghị. 

Đồng thời cũng cần phải sớm hoàn thiện hành lang pháp lý để thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển bền vững. Trong đó, các cơ quan chức năng cần mở rộng giáo dục đầu tư tài chính đối với nhà đầu tư cá nhân, bởi hiện này đối tượng này đang bị bỏ ngỏ.

Ngoài ra, để phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp bền vững, TS. Cấn Văn Lực lưu ý: Trong bối cảnh hiện nay, Chính phủ cần sớm giải quyết, xử lý những vụ việc đã xảy ra trong thời gian qua. Việc xử lý càng nhanh càng tốt và nên công khai minh bạch kết quả để củng cố niềm tin của nhà đầu tư, chủ thể phát hành và kể cả doanh nghiệp.

"Chúng ta nêu vấn đề để tìm giải pháp lành mạnh hoá thị trường chứ không phải bóp nghẹt thị trường. Không phải vì một số trường hợp vài "con sâu làm rầu nồi canh" mà thắt chặt quá mức, nhất là trong bối cảnh chúng ta đang phát triển, phục hồi kinh tế-xã hội" - tiến sỹ Cấn Văn Lực nhấn mạnh.

Các tin khác