Kiềm tốc độ lây lan nên không “vỡ trận”
Tại buổi họp báo, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ, cách đây 3 tháng, từ khi dịch Covid-19 xảy ra, không ai có thể hình dung được mức độ lây lan như vừa qua. Theo đó, cuối tháng 1-2020, thế giới có 27 nước có người mắc Covid-19, nhưng đến cuối tháng 3-2020 đã lan ra 199 nước và vùng lãnh thổ (trong tổng số 204 nước, vùng lãnh thổ toàn thế giới).
Đến nay, dịch Covid-19 đã “đến nhà” hơn 97% quốc gia; trong khi 99% dân số thế giới và 99% giá trị kinh tế thế giới cũng bị dịch đe dọa.
Số người mắc Covid-19 cũng tăng mạnh khi tháng 1-2020 có 9.500 ca thì tháng 2-2020 có 76.000 ca. Dự báo, trong tháng 3-2020 có 840.000 ca và đến ngày 3-4, thế giới có 1 triệu người mắc. Nghiêm trọng hơn, trong 2 tháng đầu năm có 3.000 người chết, nhưng trong tháng 3-2020 tăng lên 20.000 người chết. Quy mô, mức độ lớn và chiều hướng gia tăng về số người mắc, số người chết vẫn tiếp tục.
Trong đó, số ca mắc mới tăng nhanh khiến bệnh viện ở các nước châu Âu, Mỹ quá tải. Thực tế, trước tốc độ tăng như vậy, không ngành y tế ở đất nước nào có thể đáp ứng nổi về cơ sở vật chất, trang thiết bị lẫn con người.
Song, đồng chí cũng cho rằng, những nước có dịch bệnh như Hàn Quốc và Nhật Bản, đã thành công trong việc kiềm hãm tốc độ lây lan nên không gây ra “vỡ trận” cho y tế. Tương tự, Việt Nam cũng kéo giảm tốc độ lây lan thành công. Đặc biệt, Việt Nam chưa để ca mắc Covid-19 nào tử vong. Tuy nhiên, trong mọi trường hợp đều phải cảnh giác, không được chủ quan và tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống Covid-19.
Về nguyên nhân, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh đến ý nghĩa của việc ngăn chặn dịch bệnh lây lan bằng cách đeo khẩu trang, không tụ tập đông người, giữ khoảng cách 2m với người khác và thường xuyên rửa tay. Trong đó, Hàn Quốc, Nhật Bản và Việt Nam cùng nhận thức rõ tầm quan trọng của việc đeo khẩu trang.
Ngoài ra là việc chặn nguồn lây nhiễm từ nước ngoài; cách ly những người thuộc diện có nguy cơ cao… Bằng nhiều biện pháp kỹ thuật đơn giản nhưng với sự quyết liệt và sớm nhận thức rõ về sự lây lan, chúng ta đã kéo giảm tốc độ lây lan.
“Điều chúng ta tự hào là đến nay, ở Việt Nam không có ai chết, không rối loạn như nhiều nước”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhận định. Bài học ở đây là, Việt Nam áp dụng các biện pháp không quá phức tạp nhưng phù hợp với quy luật và được thực hiện quyết liệt, đồng bộ thì có thể ngăn chặn được.
Không để bệnh viện thành nơi lây nhiễm
Trước hình hình lây nhiễm tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân đánh giá đây là yếu tố mới. Thực tế này đòi hỏi các bệnh viện tại TPHCM phải rà soát đảm bảo quy trình không lây nhiễm, vừa liên quan đến đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế cũng như những người làm việc, cung cấp dịch vụ (vệ sinh, thức ăn…) trong bệnh viện.
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân đặc biệt ghi nhận và gửi lời cảm ơn chân thành đến đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế, nhất là những người ở tuyến đầu chống dịch. Đồng chí cũng chỉ đạo Sở Y tế kiểm tra, đảm bảo các bác sĩ, điều dưỡng khu vực chống dịch được nghỉ ngơi theo đúng thời gian quy định, để đảm bảo sức khỏe chống dịch lâu dài.
Hoan nghênh người dân TPHCM hưởng ứng lời kêu gọi và ít ra đường hơn, đi lại hạn chế hơn, thậm chí nhiều người tạm nghỉ, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân còn cho biết nhiều cửa hàng, cơ sở đã đóng cửa. Điều này sẽ làm ảnh hưởng thu nhập của người dân, của doanh nghiệp. Song, những thiệt hại đó nhỏ hơn nhiều so với việc để dịch bệnh lan rộng. Như ở nhiều nước có dịch bùng phát đã phải cưỡng chế đi lại, chứ không chỉ khuyến cáo như TPHCM.
Nhắc lại tầm quan trọng của thời gian vàng trong chống dịch, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ, TP đã phát các tờ rơi đến người dân về việc bắt buộc đeo khẩu trang, cấm tụ tập đông người, cách ly bắt buộc…, nếu vi phạm sẽ bị xử lý. Theo đồng chí, yêu cầu giảm các hoạt động tập thể, giảm sự đi lại có thể sẽ duy trì nhiều tuần, thậm chí cả tháng để cả nước thoát khỏi nguy cơ bùng phát dịch.
Vì vậy, đồng chí mong muốn mỗi người dân TPHCM cùng chịu thiệt một chút nhưng sẽ góp phần rất quan trọng đảm bảo TPHCM và đất nước bình yên trước dịch Covid-19. Đến khi đó, mọi người sẽ trở lại cuộc sống, sinh hoạt, kinh doanh bình thường.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cũng cảm ơn sự chia sẻ của đồng bào TP trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, trong đó có đội ngũ thầy cô giáo và các em học sinh. Theo đồng chí, nếu coi chống dịch như chống giặc thì việc tạm dừng học tập góp phần phòng chống dịch bệnh. “Phải sống khổ hơn bình thường thì mới góp phần giành thắng lợi”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ.
Để góp phần chia sẻ với những người bị ảnh hưởng, theo đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, cán bộ, công chức giảm thu nhập 25% tổng thu nhập hàng tháng của mình để chia sẻ khoảng 600.000 người bị mất việc bởi dịch Covid-19. Ngoài ra, trong thời gian qua, TPHCM luôn chuẩn bị dự trữ thực phẩm từ 6 tháng đến 1 năm.