Mua đẩy - cẩn thận với trò chơi đòn bẩy

(ĐTTCO) - Trong lúc thị trường chứng khoán thế giới và trong nước thủng đáy thì một số mã cổ phiếu trong nước lâu nay “âm” bất động, thậm chí sắp bị đưa vào diện kiểm soát, bỗng dưng bùng lên, tăng giá gấp đôi một cách lạ lùng.
Mua đẩy - cẩn thận với trò chơi đòn bẩy
Điển hình là cổ phiếu một ngân hàng vào đầu năm nay giá chỉ 6.000 - 6.500 đồng/cổ phiếu (thấp hơn mệnh giá chuẩn là 10.000 đồng) nhưng nay tăng lên gấp đôi. Nguyên nhân giá cổ phiếu này tăng được cho là do con của một thành viên hội đồng quản trị ngân hàng này bỏ ra hàng trăm tỷ đồng liên tục đặt lệnh mua cổ phiếu vào.
Mã cổ phiếu của một tập đoàn truyền thông liên tục lao dốc trong năm qua, từ hơn 300.000 đồng/cổ phiếu xuống còn 35.000 đồng/cổ phiếu, thế nhưng, mới tháng qua, bỗng dưng cổ phiếu này liên tục tăng giá, lên hơn gấp đôi, đứng ở mức hơn 70.000 đồng/cổ phiếu.
Nguyên do là một cá nhân đã mua hàng triệu cổ phiếu để trở thành cổ đông lớn của công ty này. Một số cổ phiếu của các công ty bất động sản có tổng tài sản hàng chục ngàn tỷ đồng nhưng nhiều năm qua bất động với mức 4.000 - 5.000 đồng/cổ phiếu, thì nay liên tục tăng giá, có mã thậm chí tăng giá gấp đôi…
Lâu nay, bên cạnh một số người mua cổ phiếu để nâng tỷ lệ sở hữu vốn trong các công ty làm giá cổ phiếu tăng lên thì cũng có không ít “cá mập” lại dùng trò mua đuổi này để “làm giá”. Với những mã cổ phiếu ít giao dịch thì một vài cá nhân chỉ cần đặt lệnh với giá kịch khung rồi mua vài ngàn cổ phiếu cũng giúp mã cổ phiếu đó tăng mạnh vào cuối phiên.
Hình thức này gọi là mua đẩy, tức mỗi phiên sẽ đặt lệnh mua với giá trần, rồi hôm sau tiếp tục đặt mua với giá trần cao hơn để cổ phiếu liên tục tăng giá hết biên độ, dù mỗi phiên khớp lệnh số lượng nhỏ giọt (vì với những mã giá giảm thời gian dài, thường rất ít người để ý, ít người đặt lệnh mua bán) nhưng cũng làm giá mã chứng khoán đó tăng. Đó là lý do những tay chơi chứng khoán luôn coi trọng “thanh khoản hơn điểm số”.
Còn về mục đích của việc làm giá này, hầu hết hướng đến ý đồ cá nhân của người thao túng. Rõ ràng, nếu một thành viên sở hữu hàng trăm triệu cổ phiếu thì việc bỏ tiền ra mua thêm chỉ vài trăm ngàn cổ phiếu theo phương thức mua đẩy để làm tăng giá cổ phiếu thì sẽ làm vốn hóa tổng tài sản trên sàn chứng khoán của họ tăng lên gấp nhiều lần.
Một số doanh nghiệp có giá “âm” thì dùng xảo thuật này để giá tăng cao hơn mệnh giá rồi phát hành thêm cổ phiếu mới, trả cổ tức bằng cổ phiếu - cái mà nhà đầu tư thường gọi là đang nắm giấy được thưởng thêm giấy! Không ít doanh nghiệp bị khủng hoảng truyền thông, cổ phiếu lao dốc, đợi xác định giá đáy xong - lúc cổ đông ít quan tâm, thì tung người của hội đồng quản trị mua cổ phiếu vào, đặt lệnh mua cao hết biên độ để mua với số lượng ít nhưng giá cao nhất, nhằm đẩy giá lên trở lại.
Đây là trò chơi của các đại gia. Các nhà đầu tư nhỏ lẻ dễ trở thành nạn nhân khi mua - bán theo “bầy đàn”, thấy người khác mua thì mua theo, thấy người khác bán thì bán theo, nếu bán không kịp thì đành chịu cảnh cầm một nắm… giấy! Đó cũng là lý do vì sao khi dịch bệnh hoành hành, tác động xấu đến thị trường tài chính, giá vàng, chứng khoán, USD giảm mạnh, thì những mã chứng khoán “âm”, vốn không ai để ý lại được đặt lệnh mua bán với giá kịch khung làm giá tăng liên tục.

Các tin khác