Trong khi đó, nhu cầu để phát triển kinh tế - xã hội của nước ta rất lớn nhưng nguồn lực có hạn. Do đó, việc huy động vàng trong dân để phục vụ cho phát triển kinh tế đất nước là thực sự cần thiết.
Từ thực tế này, PGS.TS Định Trọng Thịnh đưa ra đề xuất, Ngân hàng Nhà nước có thể đứng ra phát hành chứng chỉ vàng. Việc sử dụng chứng chỉ vàng có những ưu điểm là an toàn, tiện lợi, không sợ vàng giả, vàng thiếu tuổi, thiếu trọng lượng, không mất phí gia công dập ra vàng miếng.
Đây là giải pháp không mới, bởi ở nhiều nước người dân không thể mua vàng vật chất, mà chỉ mua được chứng chỉ vàng. Do vậy từ kinh nghiệm của các nước, chúng ta có thể rút ra những bài học trong việc quản lý thị trường vàng, là thay vì người dân nắm giữ vàng vật chất, họ sẽ nắm giữ chứng chỉ vàng.
Chứng chỉ vàng này do Ngân hàng Nhà nước phát hành, có nhiều loại mệnh giá. Đặc điểm của vàng huy động thông qua phát hành chứng chỉ, là người gửi vàng không được phép rút vàng trước hạn, thay vì hình thức tiết kiệm như trước đây.
Tuy nhiên, theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, muốn thực hiện được đề án này phải có những điều kiện, bởi việc huy động vàng trong dân rủi ro rất lớn. Thứ nhất là về giá, bởi giá vàng là một ẩn số khó lường trước, khó dự báo một cách chính xác khi vàng trên thế giới luôn biến động.
Vì vậy, muốn thực hiện được phương thức huy động này, Ngân hàng Nhà nước cần có những chuyên gia giỏi phân tích và đưa ra dự báo về giá vàng, và cần sử dụng các công cụ bảo hiểm rủi ro do biến động của giá vàng thế giới. Trong dài hạn, Chính phủ nên xây dựng một thị trường vàng hiện đại, để thị trường vàng trong nước liên thông với thị trường vàng thế giới, một thị trường cho phép vàng trong dân được đưa vào lưu thông trong hệ thống tín dụng thông qua chứng chỉ vàng và sàn vàng quốc gia.
Thứ hai, làm thế nào để đảm bảo an toàn lượng tài sản khổng lồ của dân và của Nhà nước, bởi trong quá khứ, việc một số lãnh đạo ngân hàng thương mại bán khống một số vàng lớn đã để lại món nợ khổng lồ cho ngân hàng. Đây là bài học lớn cho cả hệ thống ngân hàng và Ngân hàng Nhà nước trong việc quản lý thị trường vàng tương lai.
Tuy nhiên, theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, đây cũng chỉ là một giải pháp cần được nghiên cứu. Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là Nhà nước cần phải tạo lập được niềm tin của người dân, để người dân có thể thực sự tin tưởng và an tâm dùng chứng chỉ vàng thì hẳn còn nhiều việc mà Nhà nước phải làm.
Có thể nói, cách huy động vàng trong dân hiệu quả nhất là tạo môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, cùng những chính sách khuyến khích người dân bỏ vốn để sản xuất kinh doanh, đầu tư vào cổ phiếu hoặc gửi vàng vào ngân hàng.
Thực tế chứng minh, người dân vẫn là nhà đầu tư sáng suốt nhất trong các quyết định đầu tư của mình. Trong điều kiện thuận lợi, không cần sự kêu gọi hoặc các biện pháp hành chính của Nhà nước, người dân vẫn sẽ sẵn sàng bán vàng ra để đầu tư.
Cho nên, chúng ta phải hạn chế được những rủi ro, các chính sách kinh tế phải ổn định, chính sách về tài chính tiền tệ tuân thủ theo quy luật thị trường. Đặc biệt, chúng ta phải kiểm soát được lạm phát và đặc biệt cần lập sàn vàng hoặc sở giao dịch vàng để chống rủi ro.