PHÓNG VIÊN: - Những năm gần đây, du lịch Việt Nam liên tục nhận được nhiều giải thưởng uy tín, trong đó hơn một lần chúng ta nhận được giải thưởng điểm đến di sản hàng đầu thế giới. Nhưng dường như ngành du lịch vẫn chưa tận dụng tốt thế mạnh này trong thu hút du khách. Vậy làm sao để không bỏ phí các giải thưởng, thưa ông?
Ông ĐẶNG MẠNH PHƯỚC: - Trước hết cần phải khẳng định những giải thưởng mà Việt Nam nhận được là khích lệ lớn cho ngành du lịch Việt Nam. Nếu so với một số nước trong khu vực Việt Nam có lợi thế hơn về mặt di sản.
Tuy nhiên, để trả lời câu hỏi làm thế nào phát huy giá trị này trước hết cần phải hiểu rõ về lý thuyết du khách sẽ không chi tiêu cho tài nguyên, thứ mà du khách trả tiền để đến và lựa chọn điểm đến Việt Nam là ở sản phẩm.
Chúng ta rất tự hào về những tài nguyên có được, nhưng lại chưa sản phẩm hóa những tài nguyên ấy, chưa xây dựng sản phẩm du lịch hấp dẫn phù hợp với thị trường mục tiêu. Do vậy ngành du lịch cần xác định rõ đâu là thị trường hướng tới các mục tiêu ngắn hạn và dài hạn.
Xin được nói thêm, trong bối cảnh phát triển du lịch như hiện nay, khi mà xu hướng phát triển bền vững đang được ưa chuộng tại nhiều quốc gia trong khu vực cũng như thế giới, thì Việt Nam cũng nên tập trung thêm vào nhóm khách chi tiêu trung, cao cấp, thậm chí là khách hạng sang để thu hút thêm nguồn doanh thu từ du khách, đồng thời vẫn đảm bảo được các yếu tố về môi trường, xã hội hướng tới sự phát triển bền vững trong tương lai.
- Vậy theo ông đâu là thị trường mà ngành du lịch Việt Nam có thể đẩy mạnh thu hút nhóm khách hạng sang? Để thu hút nhóm khách này cần những giải pháp nào?
- Trong bất cứ thị trường nào của ngành du lịch Việt Nam, từ truyền thống như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… đến các thị trường khác luôn có rất nhiều phân khúc khách hàng.
Đơn cử như thị trường Trung Quốc, trước dịch covid đây là thị trường lớn của du lịch Việt Nam, nhưng chúng ta lại chưa đón được khách hàng ở phân khúc chi tiêu cao. Trong khi đó, Trung Quốc được xem là thị trường khách du lịch cao cấp và sang trọng của thế giới và nhiều nước muốn thu hút nguồn khách này.
Vì thế chúng ta không cần đặt câu hỏi phân khúc khách cao cấp, hạng sang ở đâu. Họ vẫn luôn ở đó, nhưng vấn đề là làm sao tiếp cận được họ. Theo tôi, để tiếp cận được phân khúc này cần hai thang đo quan trọng.
Thứ nhất về sản phẩm, khách chi tiêu cao sẽ có yêu cầu cao nên chúng ta buộc phải đầu tư cho công tác phát triển sản phẩm. Sẽ không thể nào thu được nhiều tiền từ du khách mà không bỏ ra nhiều chất xám, không chỉ cung cấp những gì mình có như tài nguyên mà phải đầu tư nâng cao giá trị các sản phẩm du lịch.
Khách du lịch Việt Nam ngày càng chi tiêu nhiều hơn, nhưng có một thực tế là chọn du lịch nước ngoài nhiều hơn. Bởi lẽ chúng ta phải thừa nhận sản phẩm của du lịch Việt Nam bị đánh giá là “nghèo nàn” trong mắt du khách quốc tế, thì trong mắt khách Việt có thể còn “nghèo nàn” hơn, nên họ không lựa chọn.
Thứ hai, phân khúc hạng sang không phải là phân khúc đại trà, nên để tiếp cận phân khúc này không chỉ cần nỗ lực của ngành du lịch, mà cần có sự chung tay của doanh nghiệp cho công tác nghiên cứu thị trường, từ đó mới thấu hiểu hành vi, mong muốn của du khách.
Kết hợp cả hai yếu tố này chúng ta mới có chiến lược truyền thông cụ thể, định vị hình ảnh du lịch Việt Nam phù hợp với phân khúc khách hạng sang, tung ra những sản phẩm phù hợp để thu hút du khách.
- Lâu nay khi bàn chuyện du lịch Việt Nam vẫn hay được so sánh với Thái Lan, dẫu biết rằng chúng ta còn nhiều điểm chưa thể bằng du lịch Thái Lan, nhưng nếu xét ở khía cạnh thu hút khách hạng sang thì có điều gì Việt Nam có thể học hỏi quốc gia này, thưa ông?
- Theo tôi không chỉ riêng câu chuyện hút khách hạng sang, mà trong bức tranh chung của ngành du lịch nếu đem Việt Nam so sánh với Thái Lan khá khập khiễng, vì ngành du lịch Thái Lan được tập trung đầu tư và ưu tiên rất lớn.
Ở góc độ của một người quan sát, tôi cho rằng du lịch Việt Nam có thể học hỏi 2 điểm. Thứ nhất, học hỏi ở Thái Lan trong việc xây dựng một tầm nhìn chiến lược rõ ràng. Ngành du lịch Thái Lan biết rõ họ muốn điều gì, sẽ phát triển du lịch ở những phân khúc nào, thị trường nào trong ngắn, trung và dài hạn. Thứ hai là họ có kế hoạch thực thi cụ thể.
Cũng cần nói thêm, nhiều người hay nói du lịch Việt Nam không thể nào so sánh với Thái Lan về ngân sách truyền thông, xúc tiến. Thực tế khi không có nhiều tiền, chúng ta phải sử dụng tiết kiệm số tiền mình đang có, bằng cách xây dựng tầm nhìn chiến lược rõ ràng và kế hoạch cụ thể, khi đó mới đảm bảo chi tiêu hiệu quả số tiền mình đang có.
Thái Lan vốn đã có thương hiệu trong việc thu hút phân khúc khách hạng sang. Vì thế, để định vị được Việt Nam là một điểm đến của du lịch cao cấp, du lịch hạng sang, đòi hỏi một chiến lược tổng thể dài hạn hơn là việc nảy sinh một ý tưởng và nghĩ rằng sẽ hoàn thành ý tưởng đó.
Việc này cần sự chung tay của doanh nghiệp trong phát triển sản phẩm, của cơ quan nhà nước trong định vị thương hiệu quốc gia, nâng cao hiệu quả xúc tiến quảng bá.
- Nói về câu chuyện thu hút khách hạng sang, bên cạnh khách quốc tế thì khách nội địa cũng có không ít người chịu chi. Nhưng nhóm khách này lại thích các tour outbound (du lịch nước ngoài) hơn. Vậy có cách nào níu chân nhóm khách này cho du lịch Việt Nam hay không?
- Là doanh nghiệp theo dõi sát sao sự thay đổi của thị trường khách du lịch Việt Nam, chúng tôi có thể khẳng định khách du lịch Việt Nam ngày càng chi tiêu nhiều hơn. Và đúng là có một thực tế khách du lịch Việt Nam luôn có xu hướng chọn du lịch outbound nhiều hơn.
Để tìm nguyên nhân, chúng ta cần đặt khách du lịch Việt Nam ngang hàng với thị trường khách quốc tế, để xem vì sao họ không chọn điểm đến Việt Nam. Nguyên nhân đầu tiên là sản phẩm.
Theo nghiên cứu của chúng tôi, năm 2022 khi ngành du lịch bùng nổ đón khách nội địa, thì khách chủ yếu chi tiêu nhiều vào sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng ngắn ngày, bởi không có nhiều sản phẩm để lựa chọn. Chính vì thế khi outbound trở lại, người Việt Nam với khao khát khám phá thế giới sẽ chọn đi nhiều.
Theo tôi việc phát triển đồng bộ du lịch outbound, inbound, du lịch trong nước là bình thường, không cần phải đặt ra bài toán làm thế nào để khách du lịch Việt Nam không đi outbound mà đi trong nước, vì đây là việc chúng ta đi ngược lại xu hướng của của du khách.
Song cần lưu ý người Việt Nam không chỉ đi du lịch một lần trong năm mà đã đi nhiều hơn, vậy làm sao để trong 2 lần thì có một lần du lịch trong nước? Để làm được ngành du lịch cần tìm hiểu lại nhu cầu của du khách Việt.
Chúng ta phải thừa nhận sản phẩm của du lịch Việt Nam bị đánh giá là “nghèo nàn” trong mắt du khách quốc tế, thì trong mắt khách Việt có thể còn “nghèo nàn” hơn, nên họ không lựa chọn. Nếu chúng ta giải được bài toán của nhóm khách Việt thì bài toán thu hút khách hạng sang sẽ bớt vất vả hơn rất nhiều khi có sẵn nhóm khách chi tiêu cao.
- Trở lại với thực tế của ngành du lịch Việt Nam những ngày này, chúng ta mới đón tin vui khi Trung Quốc đưa Việt Nam vào danh sách thí điểm du lịch theo đoàn. Tuy nhiên, vẫn còn ý kiến lo ngại nếu vẫn làm một cách bị động, thì 2023 vẫn là năm khó khăn với du lịch Việt Nam. Ông nghĩ sao về ý kiến này?
- Nếu chúng ta vẫn thu hút du khách một cách bị động và vẫn phải chờ việc mở cửa của các thị trường như trước đây, thì tôi đồng ý năm nay vẫn còn nhiều khó khăn với ngành du lịch.
Mục tiêu đón 8 triệu lượt khách quốc tế trong năm nay của ngành du lịch Việt Nam nếu so với một số nước trong khu vực thì khá khiêm tốn, như Thái Lan với mục tiêu đã được nâng lên 20-30 triệu du khách. Mục tiêu của chúng ta ngang bằng với mục tiêu của Campuchia, nhưng cần lưu ý Campuchia giai đoạn trước dịch lượng khách luôn luôn thấp hơn Việt Nam.
Điều này cho thấy mục tiêu không quá cao nhưng với cách làm hiện tại thì vẫn là thử thách.
Việc Trung Quốc đưa Việt Nam vào danh sách thí điểm du lịch theo đoàn đợt 2, cũng không chắc rằng có thể bù đắp cho lượng khách quốc tế theo mục tiêu của năm nay.
Tôi cho rằng chúng ta cần có một phương án chuẩn bị, một cách tiếp cận chủ động hơn về mặt thị trường, đưa ra phương án kịch bản thay đổi linh hoạt hơn. Có như vậy chúng ta mới có khả năng đạt mục tiêu 8 triệu, hay nếu may mắn hơn chúng ta có thể đạt được hơn 8 triệu lượt khách trong năm nay.
- Xin cảm ơn ông.
Khách hạng sang sẽ có yêu cầu cao nên chúng ta buộc phải đầu tư cho công tác phát triển sản phẩm. Sẽ không thể nào thu được nhiều tiền từ du khách mà không bỏ ra nhiều chất xám, không chỉ cung cấp những gì mình có như tài nguyên mà phải đầu tư nâng cao giá trị các sản phẩm du lịch.