Một trong những tin vui với các doanh nghiệp (DN) du lịch trong những ngày gần đây là Bộ VH-TT&DL Trung Quốc đã ra thông báo về việc cho phép DN du lịch Trung Quốc thí điểm khôi phục hoạt động tổ chức tour du lịch theo đoàn cho công dân đến nhiều nước, trong đó có Việt Nam.
Hồi phục quá chậm
Nhiều DN đã và đang sẵn sàng đón những đoàn khách Trung Quốc đầu tiên tới Việt Nam, sau thời gian dài gián đoạn vì dịch COVID-19. Ông Phạm Minh Nhựt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Nha Trang – Khánh Hòa cho hay, các DN đã chuẩn bị sẵn sàng từ cơ sở hạ tầng, các gói combo du lịch với sản phẩm đặc thù để đón khách Trung Quốc.
Tuy nhiên, để đạt được con số khách du lịch bằng với trước dịch COVID-19 (năm 2019, Việt Nam đón hơn 5,8 triệu lượt khách Trung Quốc, chiếm hơn 30% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam) thì cần có thời gian gian dài, bởi sau dịch COVID-19, “thị hiếu và nhu cầu của khách Trung Quốc đã có sự thay đổi và chúng ta cũng cần có thời gian để tiếp cận được”, ông Nhựt nói.
Theo biểu đồ Chỉ số phục hồi du lịch sau dịch COVID-19 từ báo cáo của Hội đồng tư vấn du lịch (TAB), chỉ số phục hồi của ngành du lịch Việt Nam năm 2022 là 18,1% - đứng cuối bảng phục hồi du lịch quốc tế của khu vực (cao nhất là Singapore với 30,9%, Malaysia: 27,5%, Thái Lan: 22%).
Trong khi đó, báo cáo của Tổng cục Thống kê thông tin: khách quốc tế đến Việt Nam tháng 2/2023 đạt 933 nghìn lượt người, tăng 7,1% so với tháng trước và gấp 31,6 lần so với cùng kỳ năm trước do Việt Nam đã mở cửa du lịch, các đường bay quốc tế được khôi phục trở lại.
“Tính chung 2 tháng đầu năm 2023, khách quốc tế đến nước ta đạt 1.804,1 nghìn lượt người, gấp 36,6 lần cùng kỳ năm trước nhưng vẫn chưa bằng 60% so với cùng kỳ năm 2019 – năm chưa xảy ra dịch COVID-19”, báo cáo cho thấy tốc độ phục hồi của ngành du lịch Việt Nam còn khá chậm, nên mục tiêu thu hút 8 triệu khách du lịch quốc tế trong năm 2023 đầy thách thức.
TS. Lương Hoài Nam, Thành viên Hội đồng Tư vấn du lịch, thẳng thắn đánh giá “bức tranh” phát triển du lịch Việt Nam quá xấu và chúng ta không còn đường lùi cho những giải pháp đột phá. “Trước COVID-19, thu hút khách du lịch quốc tế của Việt Nam chỉ bằng một nửa so với Thái Lan, con số này đủ khiến những người làm du lịch buồn lắm rồi. Và rồi giai đoạn hậu COVID-19, chúng ta mở cửa du lịch sớm hơn với hy vọng rút ngắn khoảng cách, đuổi kịp Thái Lan nhưng kết quả năm 2022, Việt Nam chỉ đón khách quốc tế bằng 1/3 so với Thái Lan. Năm nay, nếu không cẩn thận, thu hút khách quốc tế của Việt Nam chỉ bằng 1/4 so với Thái Lan", ông Nam chia sẻ.
“Du lịch của Việt Nam đang phục hồi quá chậm”, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel Corporation, dẫn số liệu so sánh với chính Campuchia – quốc gia luôn thu hút ít khách quốc tế hơn Việt Nam, thì năm nay họ đã đặt mục tiêu hút được 8 triệu khách quốc tế - bằng với con số mà Việt Nam đặt ra. Nếu không nhanh, ngành du lịch Việt Nam không chỉ tụt hậu rất xa so với Thái Lan, mà so với chính Campuchia.
“Nếu cứ đi lùi thế này, rồi còn ngành du lịch Việt Nam nữa không, nhiều khách sạn phải rao bán để trả tiền ngân hàng, các phố du lịch quá buồn tẻ”, TS. Lương Hoài Nam chia sẻ. Ông cũng dẫn số liệu nhiều hãng hàng không đang trong tình cảnh khó khăn về tài chính. Cụ thể, Vietnam Airlines lỗ lũy kế hơn 34.000 tỷ đồng, âm vốn chủ sở hữu hơn 10.000 tỷ đồng, có nguy cơ bị hủy niêm yết. Công ty con Pacific Airlines lỗ lũy kế hơn 10.000 tỷ đồng, gấp 3 lần vốn chủ sở hữu; Vietjet Air sau hơn 10 năm công bố lãi cũng đã lỗ 2.170 tỷ đồng trong năm 2022…
Chính sách visa cần ‘cởi mở’
“Giải cứu du lịch, không chỉ giải cứu DN hàng không, du lịch… mà còn là giải cứu người nghèo, có thêm một khách du lịch là bà bán hàng rong có thêm một khách hàng, em bé bán quà tặng ở Sa Pa có thêm một khách hàng”, TS. Lương Hoài Nam cho rằng giải pháp lúc này là cần có chính sách visa cởi mở.
Cụ thể, ông Nam kiến nghị, chính sách visa Việt Nam hãy nới lỏng như Thái Lan, thời gian cho phép khách quốc tế lưu trú nâng lên 30-45 ngày, coi chính sách visa là tăng tính cạnh tranh.
“Thái Lan miễn visa cho nhiều nước, thời gian lưu trú của khách từ 30-65 ngày; hay Singapore miễn visa cho rất nhiều nước, chỉ có 36 quốc gia và vùng lãnh thổ đến quốc gia này phải xin visa – mỗi năm họ đón khách quốc tế nhiều hơn Việt Nam, dù diện tích của họ rất nhỏ”, ông Nam thông tin.
Chủ tịch HĐQT Vietravel Corporation Nguyễn Quốc Kỳ cho rằng có 4 yếu tố để thu hút khách quốc tế: thương hiệu quốc gia đó có đủ sức hấp dẫn, sản phẩm du lịch có gì nổi trội, giá bao nhiêu – sau dịch khách chi tiêu rất cân nhắc, và cuối cùng là chính sách visa.
Do vậy, nhiều quốc gia đã chọn chính sách nới lỏng visa là lợi thế cạnh tranh trong phát triển du lịch. Hay có những quốc gia sử dụng visa như một mục tiêu để phát triển du lịch trong từng giai đoạn. Ông Kỳ dẫn chứng như năm 2018, Nga đã cho phép tất cả du khách có vé bóng đá xem World Cup là có visa vào Nga.
"Tại sao một nước khắt khe trong việc cấp visa như Nga lại nới lỏng như vậy, có lẽ vì họ muốn thúc đẩy phát triển kinh tế, thúc đẩy du lịch ở thời điểm đó. Theo đó, Quốc hội, Chính phủ cần nhanh chóng sửa luật, ban hành các chính sách đột phá, cởi mở về visa", ông Kỳ mong muốn.
Cùng với chính sách visa, rõ ràng Việt Nam cũng cần đẩy mạnh công tác xúc tiến du lịch. Đại diện Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho hay ở châu Âu, tin tức về du lịch Việt Nam chưa được phổ biến sâu rộng, điều này thật đáng tiếc vì Việt Nam là một điểm đến hấp dẫn và nhận được phản hồi tốt từ những người đã từng đến đây.
Vì vậy, EuroCham đề nghị Tổng cục Du lịch thành lập các văn phòng ở nước ngoài tại các nước châu Âu đóng vai trò điều phối viên và đầu mối cho các bên liên quan ở các nước đó để truyền đạt hiệu quả về thành công và những phát triển quan trọng của Việt Nam.
Ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Năm 2023, dự báo toàn ngành còn gặp nhiều khó khăn vì vẫn còn tàn dư ảnh hưởng của dịch COVID-19. Đây sẽ là khó khăn chung của toàn ngành, khi mà kinh tế thế giới vẫn có những biến động, du khách sẽ thắt chặt chi tiêu. Các địa phương, đơn vị cần nghiên cứu lại tâm lý, xu hướng du lịch của khách quốc tế để xây dựng nhiều sản phẩm chuyên biệt, hấp dẫn hơn và tham mưu, đề xuất thay đổi chính sách visa sao cho phù hợp. Bà Huỳnh Phan Phương Hoàng, Phó Tổng giám đốc Công ty Du lịch Vietravel Từ giữa tháng 3/2022 đến nay, khách nước ngoài đến Việt Nam thông qua DN chỉ đạt 25% so với năm 2019. Con số này vẫn còn kém xa so với mục tiêu đề ra là phục hồi khoảng 70%. Thị trường nguồn của Vietravel vẫn tập trung vào thị trường chính là Trung Quốc, Nhật Bản và Nga. Những thị trường này hiện nay, chúng ta đang còn có yếu tố chưa được tốt như chính sách du lịch mở cửa vẫn chưa được thông thoáng. Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM Đang có sự phục hồi du lịch không đồng bộ giữa khách nội địa và quốc tế, chủ yếu là nhờ khách nội địa. Tuy nhiên, khách du lịch nội địa chi tiêu chỉ bằng khoảng 40-50% so với khách quốc tế. Điều này khiến nhà hàng, khách sạn vẫn khó khăn. Các nhà hàng đã thiết lập theo chuẩn quốc tế để phục vụ khách nước ngoài thì không phải điểm đến nào cũng chuyển đổi được để phục vụ khách nội địa. |