Chính phủ Mỹ đang đặt ra mục tiêu khuyến khích các nước đang phát triển ngừng sử dụng thiết bị viễn thông Trung Quốc. Chính phủ Mỹ khuyến khích việc sử dụng các biện pháp thay thế mà Washington cho rằng an toàn hơn và có ít điều kiện ràng buộc hơn, theo Wall Street Journal đưa tin trong bài báo mới đây.
Mỹ sẵn sàng cung cấp khoản vay và một số kênh tài chính khác có quy mô hàng tỷ USD để hỗ trợ các công ty mua phần cứng từ các nhà cung cấp tại một số nước mà Mỹ khuyên mua chứ không phải từ Trung Quốc, theo khẳng định của bà Bonnie Glick, phó giám đốc toàn cầu tại Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ USAID.
Theo bà cho biết, USAID sẽ triển khai nhân viên đến gặp các chính trị gia và nhà quản lý tại các nước đang phát triển để thuyết phục họ không sử dụng thiết bị viễn thông được cung cấp bởi 2 công ty lớn của Trung Quốc bao gồm Huawei Technologies và ZTE.
Việc cung cấp hỗ trợ tài chính cho thấy Washington đang triển khai dùng công cụ mới trong nỗ lực leo thang cuộc “Chiến tranh Lạnh” trong ngành công nghệ với Trung Quốc. Chính quyền đã cố gắng để ngăn Trung Quốc phát triển về công nghệ bởi những lo lắng về khả năng gián điệp và hành vi thương mại không hợp lý.
Trong 2 năm gần đây nhất, Washington đã vận động các nước đồng minh hợp tác với Mỹ trong việc cấm các thiết bị viễn thông mạng 5G của Trung Quốc. Các thiết bị này sẽ giúp phát triển mạng 5G có tốc độ siêu nhanh, công nghệ 5G vốn vô cùng quan trọng trong việc phát triển dịch vụ xe tự lái, đồng thời nó giúp các nhà máy hoạt động hiệu quả hơn và khuyến khích hoạt động đổi mới sáng tạo tăng lên.
Giới chức Mỹ nói rằng chính phủ Trung Quốc có thể yêu cầu Huawei hay ZTE thực hiện hành vi gián điệp, còn phía các doanh nghiệp và Bắc Kinh đã khẳng định kịch bản sẽ không bao giờ xảy ra.
Chiến dịch của phía Mỹ ban đầu tập trung chủ yếu vào việc triển khai 5G tại châu Âu, phía Mỹ đã có những thành công nhất định ví như tại Anh hay Ba Lan. Một số nước khác trong đó có Đức hiện vẫn còn đang tranh cãi về việc liệu có nên cấm thiết bị do Trung Quốc sản xuất hay không.
Tuy nhiên, việc thuyết phục các nước đang phát triển thay đổi thiết bị hệ thống mạng khá khó khăn. Tại châu Phi hiện nay, các công ty sản xuất thiết bị không dây của Trung Quốc hiện đang thống trị thị trường. Những nhà mạng không có tiềm lực tài chính mạnh, vốn nhạy cảm với vấn đề chi phí đều đã đổ xô tìm đến Huawei và ZTE.
Hai công ty này hiện đang nắm khoảng từ 50% đến 60% thị phần tại châu Phi và Trung Đông ở thời điểm đầu năm nay. Còn theo quan chức Mỹ, dường như họ bị áp đảo bởi các doanh nghiệp Trung Quốc bởi doanh nghiệp Trung Quốc mang đến các nước đang phát triển khoản vay với điều khoản vô cùng hấp dẫn
Tham vọng của phía Mỹ trong việc hạn chế sự phát triển của ngành công nghệ Trung Quốc đang ngày một lớn dần. Bộ Thương mại Mỹ mới đây đã áp biện pháp hạn chế xuất khẩu công nghệ Mỹ cho Trung Quốc, hạn chế Trung Quốc phất triển các sản phẩm thiết bị viễn thông và bán dẫn. Bộ Ngoại giao Mỹ trong khi đó yêu cầu các nhà ngoại giao nước này vận động các nước đồng minh loại bỏ thiết bị của Huawei và ZTE.
Trong tháng 10/2020, USAID đã ký kết thỏa thuận với Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC) để ngăn chặn việc triển khai mạng 5G sử dụng thiết bị Trung Quốc tại một số nước đang phát triển. Điều này được thực hiện với sự phối hợp của khoảng 10.000 nhân viên FCC và USAID Mỹ tại hơn 100 quốc gia.
Theo bà Glick, thông điệp mà phía Mỹ gửi đến các nước đang phát triển sẽ bao gồm 2 chủ đề chính: Thiết bị Trung Quốc dễ bị gián điệp, những khoản vay mà phía Trung Quốc cấp ra sẽ có thể khiến các nước mắc bẫy nợ.
“Đã có quá nhiều câu chuyện xảy ra trước đó, nhiều nước ngập trong nợ và rồi Trung Quốc thâu tóm tài sản quốc gia của họ”, bà Glick nhấn mạnh.