Nền kinh tế xuất hiện nhiều thách thức mới

(ĐTTCO) - Theo Bộ Công Thương, đang có nhiều thời cơ được mở ra cho xuất khẩu và sản xuất công nghiệp của Việt Nam, nhưng đồng thời lại đón nhận những khó khăn, thách thức mới phát sinh.
Ngành may mặc đang gặp một số khó khăn về thị trường xuất khẩu do kinh tế suy thoái

Ngành may mặc đang gặp một số khó khăn về thị trường xuất khẩu do kinh tế suy thoái

Chồng chất những khó khăn mới

Theo báo cáo của Bộ Công Thương về tình hình thực hiện Nghị quyết số 01/NQ - CP, tình hình sản xuất công nghiệp, hoạt động thương mại 6 tháng đầu năm 2023, gửi báo chí ngày 4-7, thì sự bất ổn, không chắc chắn của kinh tế toàn cầu đang ở mức cao nhất trong nhiều năm, tác động đến ổn định kinh tế vĩ mô và triển vọng tăng trưởng của Việt Nam khi nước ta là nền kinh tế có độ mở lớn.

Nguy cơ suy thoái kinh tế, lạm phát khiến nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh tại các quốc gia trên thế giới, trong đó có khu vực châu Âu - châu Mỹ là những đối tác thương mại lớn của Việt Nam.

Đáng lo ngại là xu hướng phi toàn cầu hóa và bảo hộ đang trỗi dậy. “Các nước phát triển ngày càng quan tâm nhiều đến các vấn đề an toàn cho người tiêu dùng, phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu sẽ là tiền đề để họ dựng lên các tiêu chuẩn và quy định mới liên quan đến chuỗi cung ứng, nguyên liệu, lao động, môi trường đối với các sản phẩm nhập khẩu (như dự luật chống phá rừng, CBAM của EU; Mỹ gắn các vấn đề lao động, môi trường, sở hữu trí tuệ).

Cùng với đó, xu hướng các tập đoàn đa quốc gia đang thực hiện chiến lược chuyển dịch chuỗi cung ứng, sản xuất đến gần với thị trường tiêu thụ và đa dạng hóa chuỗi cung ứng sản xuất (thay vì chỉ tập trung nhà máy sản xuất ở một số nước như Trung Quốc, Việt Nam). Các tập đoàn đa quốc gia đang tập trung đầu tư các nhà máy sản xuất ở một số nước như: Ấn Độ, Mexico, Brazil… làm gia tăng đối thủ cạnh tranh tại các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam và ảnh hưởng trực tiếp đến thị phần của Việt Nam tại các thị trường này.

Vẫn còn nhiều cơ hội mở ra

Mặc dù khó khăn như vậy, nhưng vẫn còn nhiều cơ hội mở ra. Theo Bộ Công thương, việc FED quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức 5% - 5,25% trong kỳ điều chỉnh tháng 6-2023 làm giảm áp lực đối với thị trường trong nước. Bởi khi Ngân hàng Nhà nước nới lỏng chính sách tiền tệ, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế sẽ có tác động tích cực trong thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng trong những tháng cuối năm.

Bộ Công thương cũng cho rằng, sự phục hồi yếu của các nền kinh tế lớn như Mỹ và Trung Quốc thời gian qua đã làm giảm giá dầu trên thế giới. Đồng thời, Trung Quốc mở cửa trở lại nền kinh tế sẽ tiếp tục gia tăng cơ hội cho Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu, đầu tư và du lịch.

Các nước công nghiệp phát triển tiếp tục đẩy mạnh chiến lược đa dạng nguồn cung, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, đa dạng hóa đầu tư (Trung Quốc +1) sẽ giúp Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất và xuất khẩu quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Ở trong nước, Việt Nam vẫn duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định xã hội trong bối cảnh biến động của địa chính trị và kinh tế thế giới diễn ra phức tạp. Các tổ chức quốc tế uy tín tiếp tục đánh giá và dự báo tích cực về triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2023 và thời gian tới. Mặc dù tăng trưởng kinh tế của Việt Nam chậm lại nhưng vẫn ở mức tích cực trong quý II và những quý tiếp theo của năm 2023.

Cơ hội vẫn mở ra cho ngành may mặc khi thuế nhập khẩu vào EU còn 0% theo cam kết EVFTA

Cơ hội vẫn mở ra cho ngành may mặc khi thuế nhập khẩu vào EU còn 0% theo cam kết EVFTA

Đồng thời, Chính phủ đang thúc đẩy nhanh giải ngân đầu tư công năm 2023, nhất là trong những tháng cuối năm để tạo tăng trưởng đột phá, sẽ có tác động tích cực đến phục hồi và tăng trưởng ở một số ngành như: thép, vật liệu xây dựng, cơ khí… Bộ Công thương cho rằng, giải ngân đầu tư công sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong thời gian tới, góp phần kích cầu và thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trong nước.

Nhiều chính sách tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh được triển khai, bao gồm cả thuế, phí sẽ giúp cộng đồng doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới. Chẳng hạn như, chính sách bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm (hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động đang ở thuê; hỗ trợ tiền cho người lao động quay lại thị trường lao động…), chính sách miễn giảm thuế, phí, lệ phí (như giảm thuế VAT cho hầu hết mặt hàng từ 10% xuống 8%; giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô lắp ráp, sản xuất trong nước; giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay; giảm 30% tiền thuê đất, thuê mặt nước và gia hạn thời gian nộp các loại thuế)... cũng là giải pháp tiếp sức cho các doanh nghiệp khôi phục và phát triển.

Về xuất khẩu, theo Bộ Công Thương, một số mặt hàng may mặc bắt đầu được hưởng thuế nhập nhập khẩu 0% khi vào thị trường EU theo cam kết của Hiệp định EVFTA... chính là điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh xuất khẩu hàng may mặc sang khu vực này.

Các tin khác