Số liệu của Tổng cục Thống kê (TCTK) công bố mới đây cho thấy, 6 tháng đầu năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt khoảng 3.016.000 tỷ đồng, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 12,2%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 8,4%, tương đương cùng kỳ 2022.
Trong khi đó, theo chiến lược phát triển bán lẻ của Bộ Công Thương đến năm 2025 và tầm nhìn đến 2035, bán lẻ Việt Nam phải đạt mức tăng trưởng bình quân 13-14%/năm.
Chúng ta đều biết, tiêu dùng nội địa là 1 trong 3 trụ cột góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế giai đoạn 2021-2025 và cả những năm tiếp theo. Vì vậy với những kết quả đã đạt được vừa qua về cơ bản chưa thể hài lòng, nếu không muốn nói đáng lo ngại, khi bán lẻ có thể xem là một trong những chỉ dấu phản ánh sức khỏe của doanh nghiệp và nền kinh tế.
Do đó, trong giai đoạn tới rất cần khai thác mạnh mẽ hơn nữa các tiềm năng của bán lẻ, đồng thời khắc phục những hạn chế, yếu kém và những cản trở cho sự tăng trưởng hàng năm của “mặt trận” kinh tế quan trọng này.
Đầu tiên, là vấn đề sức mua chung của xã hội. Quan sát trên thị trường hiện nay ai cũng thấy rõ, nhiều chuỗi siêu thị đặc biệt là các trung tâm thương mại và các diện tích kinh doanh dịch vụ của các cửa hàng nhỏ của tư nhân cũng đều bị thu hẹp, nhất là ở các TP lớn như Hà Nội, TPHCM.
Tại kênh truyền thống, doanh số bán hàng bị giảm mạnh, chợ có ít người vào mua hàng hơn so với mấy năm trước đây, do sức cạnh tranh yếu hơn bán lẻ hiện đại, ít được đầu tư cơ sở vật chất và tổ chức quản lý, dù chợ đảm nhiệm đến 80% mặt hàng thiết yếu, tươi sống cho tiêu dùng.
Về cơ cấu tiêu dùng, do thu nhập còn tiếp tục khó khăn trong các tầng lớp dân cư, nên các gia đình chủ yếu tập trung vào mặt hàng thiết yếu hàng ngày, dành tiền cho tiết kiệm và dự phòng chung. Bởi vậy, dù có liên tục các đợt khuyến mại tiếp thị, quảng cáo hàng hóa, song sức mua cũng không tăng trưởng được nhiều so với trước khuyến mại.
Sức mua giảm sút còn bị tác động ở một số nguyên nhân khác, như thuế VAT tiêu dùng dù đã giảm 2%, song mặt bằng chung vẫn đang còn cao. Đã vậy, hàng hóa của Việt Nam khi thực hiện việc mua bán phải trải qua quá nhiều khâu trung gian, khiến giá bị đẩy lên 30-40%. Tình trạng giá bán lẻ cuối cùng đến tay người tiêu dùng cao vô lý đã kéo dài nhiều năm chưa giải quyết, làm sức mua bị ảnh hưởng lớn.
Những năm gần đây, dư luận nghe nói đến nhiều cụm từ “chia sẻ, hài hòa lợi ích”. Thực tế doanh số bán hàng tăng hay giảm phụ thuộc vào cụm từ hết sức nhân văn này, bởi có những hiện tượng của một số đơn vị và cá nhân kinh doanh bán lẻ mang tính độc quyền, ép giá mua, nâng cao giá bán, chỉ biết thu lợi nhuận tối đa cho mình, đã làm giảm sức mua, giảm doanh số mà chưa có những bàn tay quản lý nhà nước hỗ trợ chia sẻ, làm trọng tài hoặc can thiệp.
Theo Bộ Công Thương, để phát triển thị trường trong nước, thúc đẩy phân phối hàng hóa qua khâu bán lẻ cần quan tâm đến vấn đề tăng trưởng doanh số hàng năm - yếu tố góp phần thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển. Từ những định hướng trên, cộng thêm những khó khăn ở thị trường xuất khẩu hiện nay, việc quay lại thị trường nội địa, tìm mọi cách nâng doanh số bán lẻ thực chất và vững chắc là tất yếu.
Những giải pháp cơ bản để tăng doanh số bán lẻ, chính là tháo gỡ những nút thắt về sức mua, hệ thống phân phối, công tác quản lý nhà nước về giá cả hiện nay, nhất là đối với các hàng thiết yếu. Hiện nay, Chính phủ đang có những giải pháp để kích thích tiêu dùng như thúc đẩy đầu tư công, giải quyết chính sách thu hút người lao động, công ăn việc làm và tăng thu nhập, giảm thuế VAT 2% cho hàng hóa, đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, hạ lãi suất của ngân hàng một cách hợp lý, cải cách hành chính mọi mặt nhằm giảm chi phí cho doanh nghiệp.
Về phía doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, cũng cần tiếp tục đầu tư khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, liên doanh liên kết giữa sản xuất và phân phối, nâng cao năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm, phối hợp đưa hàng hóa đến tay người tiêu dùng xã hội với giá cả hợp lý, tạo giá trị gia tăng bằng đổi mới, sáng tạo.