​Ngân hàng Nhà nước “vá lỗ hổng” Thông tư 39

(ĐTTCO) - Thị trường hoạt động ngân hàng (NH) luôn tạo ra các phát kiến mới mà ở đó các văn bản quy phạm pháp luật chưa thể bao quát được. Những phát kiến này đến từ 2 hoạt động chính của hệ thống NH là cho vay và đầu tư nằm trên tài sản hiện có của bảng cân đối kế toán NH. 
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Và chính vì những phát kiến này mà hệ thống NH luôn ở trong tình trạng khát vốn, dù NHNN bơm tiền để giảm lãi suất cũng chẳng đạt đến mục tiêu, hạn mức (room) tăng trưởng tín dụng bao nhiêu cũng không đủ… Vậy phải chăng khoảng trống này lâu nay NHNN không nhìn thấy và bỏ ngỏ?
Khai thác khoảng trống pháp lý
Thực ra những văn bản pháp luật trong hoạt động NH của NHNN luôn điều chỉnh những “phát kiến” mà hệ thống NHTM luôn tạo ra trong hoạt động cho vay và đầu tư của mình, và hiện nay đó là Thông tư 39/2016/TT-NHNN. 
Trước thời điểm Thông tư 39 có hiệu lực, hoạt động cho vay của các NHTM thỏa sức cho vay dựa trên Quyết định 1627/2001/QĐ-NHNN, vì danh mục cấm cho vay được quy định tại Điều 9 Quy chế cho vay của tổ chức tín dụng (TCTD), tức không cho vay các giao dịch pháp luật cấm, còn việc đảo nợ các TCTD thực hiện theo quy định riêng của NHNN.
Nhưng đến khi Thông tư 39 ra đời, danh mục cấm được bổ sung nhiều hơn được quy định ở Điều 8 thông tư này. Cụ thể danh mục cấm còn xác định thêm đối tượng cho vay để mua vàng miếng, để đảo nợ không chỉ ở chính TCTD đó mà còn ở TCTD khác.  
Tuy nhiên, khi danh mục cấm đã được bổ sung ở Thông tư 39, thị trường tài chính được cởi trói bằng việc cho ra đời Nghị định 163/2018/NĐ-CP (thay thế cho Nghị định 90/2011/NĐ-CP quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp - TPDN). Tức các DN lại có thêm một công cụ tài trợ mới, nghĩa là NH có thêm một kênh để tiêu tiền. Thay vì thông qua hoạt động tín dụng, các NHTM sẽ đầu tư nắm giữ TPDN.
Theo đó, khi áp vào Thông tư 02/2013/TT-NHNN quy định về việc phân loại nợ trong hoạt động NH, mặc nhiên khoản đầu tư, ủy thác đầu tư TPDN như là một khoản nợ cần được phân loại và trích lập dự phòng.
Từ đây, thị trường TPDN từ trầm lắng bởi Nghị định 90/2011 đã phát triển mạnh. Và chỉ trong 2 năm hệ thống NHTM đã nhanh chóng nắm giữ lượng lớn TPDN phát hành ở thời điểm đó.
Phải thừa nhận rằng, Nghị định 163/2018 và Nghị định 81/2020 sửa đổi Nghị định 163/2018 đã đưa đến một sự phát triển mạnh cho thị trường TPDN, mà người mua cũng chủ yếu là các NHTM. Như vậy, với một công cụ là TPDN phát hành ngoài sự thuận lợi trong quy trình, thì người mua là NH quan tâm đến loại tài sản đảm bảo và mức khấu trừ để nếu có trích lập dự phòng cũng trên cơ sở thấp nhất.
Như vậy, qua 2 hoạt động cho vay và đầu tư được minh chứng ở trên đã cho thấy, các nhà quản trị NHTM luôn khai thác một cách triệt để những khoảng trống của văn bản pháp luật, đặc biệt là sự không đồng nhất về thời gian trong các văn bản đó. 

Vá lỗ hổng Thông tư 39/2016
Hiện nay, các NHTM cho vay và phân loại nợ dựa trên 2 Thông tư 39/2016 và Thông tư 11/2021. Tuy nhiên, cho đến nay Thông tư 39 đã bộc lộ những bất cập khi danh mục cho vay đang được các nhà quản trị NH phát kiến thêm các mục đích cho vay mà Thông tư 39 không cấm.
Chẳng hạn danh mục cấm quy định tại Điều 8 Thông tư 39 cũng chỉ dừng ở những giao dịch pháp luật cấm như vay mua vàng miếng và đảo nợ. Trong khi có thể “né” bằng cách vay với mục đích đặt cọc tiền đấu giá, góp vốn vào một công ty khác để chứng minh năng lực tài chính trong đấu thầu dự án…
Minh chứng là qua vụ án FLC, thị trường có dịp chứng kiến những phát kiến về mục đích cho vay được thuyết minh trong hồ sơ công bố của DN. Đó là đọc vào thuyết minh báo cáo tài chính của Công ty Đầu tư kinh doanh phát triển bất động sản FLCHomes (FHH) - thuộc hệ sinh thái FLC, chúng ta thấy một hợp đồng tín dụng mà NH Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cho công ty này vay 400 tỷ đồng, với mục đích bù đắp vốn tự có đã chi.
Trong thực tế, chúng ta thường thấy khi một cá nhân mua một bất động sản và thanh toán số tiền mua này bằng tiền tự có của mình. Tuy nhiên, sau một thời gian cá nhân này cần một khoản tiền để phục vụ cho những nhu cầu nào đó, kể cả việc đầu tư vào một bất động sản thứ hai, thì có thể thực hiện khoản vay này tại các NH với mục đích bù đắp tài chính. Hồ sơ sẽ tốt nếu cá nhân này ký một giấy nhận nợ khống với một người thân trong gia đình để minh chứng tiền mua căn nhà thứ nhất từ tiền mượn.
Câu chuyện này muốn nói đến thay vì cho vay để mua bất động sản, thì NH thực hiện cho vay bù đắp tài chính để cho vay những tài sản trước đây đã hình thành.
Nói dễ hiểu, một DN khi đã dùng tiền của công ty để thanh toán cho các hoạt động của công ty như góp vốn thành lập công ty, chi mua tài sản và thậm chí tài sản được hình thành bởi vốn vay, chi thanh toán các khoản nợ… thì các khoản chi này sẽ được  Sacombank tài trợ thông qua một nghiệp vụ gọi là “bù đắp vốn tự có đã chi”. 
Điều đáng nói là một Sacombank đang được tái cơ cấu theo đề án gửi cho NHNN, một nhà quản trị NH được lựa chọn để xử lý nợ xấu, nhưng lại bắt tay với các DN để tạo ra các sản phẩm cho vay trên. Phải chăng cách xử lý nợ tốt nhất là đẩy mạnh việc cho vay để tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ giảm? Để lấy khoản thu mới bù đắp tổn thất khoản cho vay trước và khoản cho vay hiện tại để sau này tính tiếp? Nghĩa là đề án tái cơ cấu Sacombank sẽ được kéo dài thời hạn thay vì 10 năm, sẽ tự động gia hạn thêm.
Thí dụ trên cho thấy những điều Thông tư 39 không cấm cho vay cái này, thì các nhà quản trị NH sẽ bất chấp để nghĩ ra những sản phẩm cho vay khác nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.
Theo dự thảo sửa đổi Thông tư 39 được NHNN phác thảo, đã gia tăng 6 khoản mục cấm cho vay trong Điều 8 lên đến 8 khoản mục, với 2 khoản mục được bổ sung vào danh mục cấm cho vay. Cụ thể, Khoản 7 Điều 8 bổ sung cấm không cho vay để chứng minh khả năng tài chính, và Khoản 8 Điều 8 bổ sung thêm cấm cho vay góp vốn, hợp tác đầu tư, kinh doanh; nhận chuyển nhượng phần vốn góp tại công ty khác; thanh toán tiền đặt cọc; bù đắp vốn tự có/hoàn tiền vay.
Rõ ràng, khi danh mục cấm cho vay càng dài thì càng cho thấy những phát kiến của các nhà quản trị NH càng nhiều, bất chấp nền kinh tế đang khát vốn cho nhu cầu hoạt động sản xuất kinh doanh. Những phát kiến cho vay này vừa đưa đến rủi ro cao cho hoạt động NH và nợ xấu thực luôn cao hơn nợ xấu công bố, vừa làm vô hiệu hóa công cụ điều hành của NHNN, trong đó có room tăng trưởng tín dụng. 
 Một Sacombank đang được tái cơ cấu theo đề án gửi cho NHNN, một nhà quản trị NH được lựa chọn để xử lý nợ xấu, nhưng lại bắt tay với các DN để tạo ra các sản phẩm cho vay mới theo kiểu phát kiến mới mà Thông tư 39 không hề đề cập.

Các tin khác