PHÓNG VIÊN: - Theo ông, ngành NH Việt Nam hòa nhập vào sân chơi hệ thống NH toàn cầu ở mức độ nào?
TS. NGUYỄN TRÍ HIẾU: - Trong 4 thập niên qua, ngành NH Việt Nam đã từng bước hội nhập hệ thống NH toàn cầu, trong đó 4 NHTM có vốn nhà nước là đầu tàu trong quan hệ này. Bên cạnh đó, nhiều NHTMCP hạng trung có mối quan hệ đại lý với các NH lớn trên thế giới, nhiều NH nhận bằng khen và giải thưởng quốc tế.
Song theo quan sát của tôi, phần lớn NH Việt Nam được NH lớn trên thế giới xếp hạng rủi ro cao nhất, liên quan đến rửa tiền. Họ cho rằng NH Việt Nam chưa áp dụng các cơ chế về phát hiện, kiểm tra và xử lý các giao dịch rửa tiền một cách triệt để. Việt Nam đã có Luật Phòng chống rửa tiền nhưng việc thi hành không nghiêm minh. Thực trạng này khiến nhiều NH lớn trên thế giới từ chối mở tài khoản vãng lai cho NH Việt Nam. Có thể họ chủ quan khi đánh giá theo hướng tiêu cực, nhưng đó là thực tế cần quan tâm để ứng phó.
Cụ thể, về quá trình hội nhập quốc tế của ngành NH có một số điểm cần nhìn nhận. Thứ nhất, theo số liệu của Bộ Kế hoạch - Đầu tư, hiện có 4 NHTM có vốn nhà nước và 3 NHTMCP thành lập 15 chi nhánh và NH con, hoạt động tại 6 nước và vùng lãnh thổ (Đức, Hồng Kông, Mỹ, Lào, Campuchia, Myanmar), với tổng vốn đầu tư hơn 831 triệu USD. Đặc biệt, trong năm 2019, Sở Quản lý tài chính tiểu bang New York (Mỹ) đã cấp phép hoạt động văn phòng đại diện của Vietcombank sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) phê duyệt. Đây tín hiệu rất tích cực vì là trường hợp duy nhất sau gần 20 năm các NH Việt Nam phấn đấu để có mặt trên thị trường tài chính Mỹ.
Thứ hai, các NH thâm nhập thị trường quốc tế đã có cơ hội tiếp cận với vốn, công nghệ, kinh nghiệm, trình độ quản lý của các định chế tài chính lớn. Song việc áp dụng những kiến thức kinh nghiệm này còn rất hạn chế, vì môi trường kinh doanh và pháp lý khác biệt so với nhiều nền kinh tế khác. Nhiều chuyên gia NH nước ngoài đã hợp tác với NH trong nước nhưng không trụ được lâu, họ gặp rất nhiều khó khăn trong công việc, nhất là cách thẩm định, nhìn nhận về rủi ro của NH.
Thứ ba, sản phẩm của NH Việt Nam thiếu sự đa dạng so với sản phẩm và dịch vụ của NH các nước tiên tiến. Chẳng hạn, phương thức vay vốn lưu động theo công thức (cho vay theo một tỷ lệ trên cơ sở hàng tồn kho, khoản phải trả và một số tài sản của khách hàng) chỉ vài NH Việt Nam áp dụng cho khách hàng thân thiết và chỉ với vài loại tài sản. Một sản phẩm huy động rất thịnh hành ở Mỹ là tài khoản thị trường tiền tệ (tài khoản vãng lai được trả lãi cao gần bằng lãi suất tiết kiệm nhưng sẽ hạn chế số lần rút tiền mỗi tháng) nhưng lại không phổ biến ở Việt Nam.
Thứ tư, nhiều NH trên thế giới đã đi vào tự động hóa sử dụng công nghệ thông tin cho mọi giao dịch, hạn chế việc cung cấp dịch vụ thông qua các chi nhánh vật lý. Trong khi đó, mạng lưới chi nhánh với số lượng nhân viên giao dịch đông đảo vẫn là hình thức kinh doanh NH phổ biến ở Việt Nam.
Thứ năm, sự bảo mật thông tin và an toàn cho khách hàng tại Việt Nam còn rất nhiều kẽ hở so với hệ thống bảo mật an ninh mạng tại các NH lớn trên thế giới. Các vụ việc tài khoản khách hàng bị hack, bị mất tiền xảy ra ngay cả tại những NH lớn và cách xử lý vẫn còn lúng túng.
- Hệ thống NH tại các quốc gia phát triển đã áp dụng Basel III và đang tiến vào Basel IV, trong khi Việt Nam đang ở điểm khởi hành của Basel II. Ông đánh giá sao về khoảng cách này?
- Theo Nghị định 141/2006 của Chính phủ, mức vốn pháp định của các NH 3.000 tỷ đồng. Tiếp theo, Thông tư 41/2016 của NHNN yêu cầu các NH phải hoàn thành chuẩn mực Basel II và duy trì tỷ lệ an toàn vốn ở mức 8%. Để hoàn thiện cả 3 trụ cột trong Basel II, các NH còn phải tuân thủ quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ theo Thông tư 13/2018 của NHNN, yêu cầu về quản lý rủi ro, đánh giá nội bộ về mức đủ vốn bao gồm cả kiểm tra sức chịu đựng về vốn trong kịch bản bất lợi.
Để đối phó Nghị định 141, những năm 2006-2010 một số NH đã sử dụng biện pháp sở hữu chồng chéo, các nghiệp vụ tài chính làm tăng vốn ảo. Thời gian gần đây, một vài NH thực hiện chuẩn mực Basel theo Thông tư 41 và 13, qua việc đầu tư trái phiếu chéo nhằm tăng vốn trung và dài hạn. Để tránh tình trạng này, tháng 11-2019 NHNN ban hành Thông tư 22 giãn thời hạn cho đến ngày 1-12-2023 đối với các TCTD chưa đáp ứng yêu cầu về hệ số CAR theo Thông tư 41.
Trên thực tế chuẩn mực Basel II được triển khai hiệu quả sẽ củng cố được sự vững mạnh, an toàn của hệ thống tài chính NH. Tuy nhiên, do sự chậm trễ trong tuân thủ, đã làm ảnh hưởng đến uy tín của hệ thống NH Việt Nam. Hiện chưa thể dự báo chính xác bao giờ các NH mới thực hiện hoàn hảo Basel II, vì vậy việc tiến vào Basel III, Basel IV như các nước còn chặng đường rất dài. Bên cạnh đó, xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam và các NH của Việt Nam vẫn ở mức non-investment grade (không thuộc mức đầu tư). Điều này có thể trở thành rào cản về uy tín khi NH Việt Nam tham gia hệ thống tài chính toàn cầu.
- Trong năm 2020, Việt Nam là 1 trong 3 quốc gia có mức tăng trưởng GDP dương. Điều này có cải thiện uy tín của Việt Nam nói chung và hệ thống NH nói riêng, thưa ông?
- Điều này chỉ có tác động gián tiếp, không tác động trực tiếp. Nghĩa là, Việt Nam vượt qua dịch bệnh và có mức tăng trưởng dương là yếu tố tốt cho việc xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam cũng như các NH trong nền kinh tế. Tuy nhiên, về triển vọng của nền kinh tế Việt Nam và các NH, những công ty xếp hạng tín nhiệm còn xem xét nhiều yếu tố khác.
Chính phủ đã phê duyệt chiến lược phát triển NH năm 2025 định hướng 2030, với mục tiêu có ít nhất 2-3 NHTM nằm trong top 100 NH lớn nhất khu vực châu Á xét về tổng tài sản. Trong 3 NHTM có vốn của nhà nước tiềm năng (Vietcombank, BIDV và VietinBank), Vietcombank là NH có quan hệ quốc tế và có những tên giao dịch quốc tế là ứng viên sáng giá nhất. Để đạt mục tiêu này, Vietcombank phải tăng tổng tài sản và vốn chủ sở hữu đến khoảng 5 tỷ USD.
- Theo ông, hệ thống NH Việt Nam cần làm gì để hội nhập sâu và toàn diện vào hệ thống tài chính toàn cầu?
- Đầu tiên, phải đẩy nhanh áp dụng Thông tư 41 cho toàn hệ thống NH. Việc gia hạn thời hạn đến đầu năm 2023 quá lâu. Cùng với đó, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, triển khai với các phương tiện ebanking, ví điện tử, mobile money. Tiếp theo, tăng cường giám sát các NH theo chỉ tiêu hệ thống xếp hạng CAMELS và tăng cường vai trò giám sát của Công ty Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (DIV). Vì trong tương lai cho NH phá sản, DIV là công ty có trách nhiệm đứng ra bồi thường nên DIV phải được nâng tầm lên như FDIC của Mỹ.
Điểm nữa là vấn đề xử lý nợ xấu, Nghị quyết 42 của Quốc hội sẽ hết hạn sau 5 năm. Theo tôi khi hết hạn nên luật hóa thay vì chỉ gia hạn Nghị quyết. Thêm vào đó, việc xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp cần phải được khuyến khích nhiều hơn nữa. Hiện tại Việt Nam chỉ có 2 công ty xếp hạng tín nhiệm là SaigonRatings và FiinRatings (Fiin Group), cần khuyến khích các công ty đó xếp hạng tín nhiệm cho doanh nghiệp cũng như các công cụ nợ của Việt Nam.
Ngoài ra, xếp hạng tín nhiệm cá nhân cũng rất quan trọng, trước đây đã có đề xuất nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được. Việt Nam nên thực hiện xếp hạng cá nhân qua hệ thống xếp hạng chấm điểm tín nhiệm như Mỹ để các NH có cơ sở cho vay cá nhân nhanh chóng và có thể triển khai cho vay tín chấp với những cá nhân có điểm tín nhiệm cao.
- Xin cảm ơn ông.
Ngành NH Việt Nam đã đi qua chặng đường dài với những bước phát triển mạnh mẽ. Nhưng trong xu thế phát triển của thị trường tài chính thế giới, hệ thống NH Việt Nam vẫn chưa bắt kịp. |