PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, việc bùng nổ dịch viêm phổi cấp do chủng mới của virus corona gây ra đã và sẽ ảnh hưởng thế nào đến ngành du lịch và các công ty lữ hành?
Ông PHAN ĐÌNH HUÊ: - Theo tôi, ngành du lịch Việt Nam đang bước vào quý I thực sự ảm đạm. Dịch cúm corona không chỉ khiến các công ty lữ hành gặp khó khăn mà nhiều lĩnh vực xoay quanh du lịch cũng bị lao đao khi khách sụt giảm mạnh.
Trước hết là thị trường khách chủ lực Trung Quốc. Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, lượng khách Trung Quốc đến Việt Nam trong năm 2019 tính theo từng tháng luôn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu khách quốc tế, trung bình 30-50%.
Thậm chí ngay trong tháng 1, khi dịch cúm corona chưa bùng phát, lượng khách Trung Quốc đến Việt Nam cũng tăng mạnh. Nhưng từ khi dịch viêm phổi cấp bùng phát ở Trung Quốc, lượng khách từ thị trường này giảm nghiêm trọng. Đặc biệt, khi có 3 người Việt Nam đầu tiên nhiễm virus corona, Thủ tướng đã chỉ đạo ngừng cấp visa cho khách du lịch Trung Quốc.
Điều quan ngại hơn là không chỉ khách Trung Quốc sụt giảm mạnh, khách inbound (khách nước ngoài đến Việt Nam) từ các thị trường Âu, Mỹ cũng đang có xu hướng hủy tour do lo ngại Việt Nam nằm trong vùng dịch.
Bởi lẽ khách từ những khu vực này khi hủy tour phải vài tháng sau mới có kế hoạch trở lại du lịch. Điều này sẽ khiến không chỉ các công ty lữ hành, các dịch vụ khác như hàng không, khách sạn, nhà hàng, trung tâm mua sắm… sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
Nói riêng về các công ty lữ hành, ngoài việc khách nước ngoài hủy tour đến Việt Nam, khách Việt Nam cũng sẽ ngần ngại trước nhiều tour du lịch nước ngoài. Đặc biệt các tour đi Trung Quốc tính đến thời điểm này đã hủy hết, thậm chí nhiều công ty lữ hành còn hủy tour Trung Quốc đến hết tháng 3 để nghe ngóng tình hình.
Các công ty trong ngành du lịch hiện chỉ biết chờ đợi và hy vọng dịch cúm corona sẽ sớm được kiểm soát. Kỳ vọng đến hết quý I tình hình sẽ khởi sắc trở lại để ngành du lịch có thể lấy lại đà phát triển cho năm 2020. Trên thực tế không chỉ du lịch mà nhiều ngành kinh tế khác của Việt Nam cũng đang bị ảnh hưởng bởi dịch nCoV.
- Như vậy ngành du lịch đang đứng trước rất nhiều khó khăn. Vậy chúng ta có cơ sở nào để hy vọng sớm lấy lại niềm tin cho khách du lịch, nhất là ở các thị trường Âu, Mỹ?
- Một điều có thể nhận thấy ở dịch viêm phổi cấp lần này chính là sự hoảng loạn. Mọi người dân nhất là người Trung Quốc đều hết sức hoảng loạn do chưa tìm ra phương thức chữa trị hữu hiệu và cũng chưa có vaccine ngừa chủng virus này.
Tại Trung Quốc, TP Vũ Hán đã ban bố cảnh cáo cao nhất, nội bất xuất, ngoại bất nhập để kiểm soát virus lây lan. Tỉnh Quảng Tây vừa phát thông báo dừng giao dịch hàng hóa của doanh nghiệp, cư dân trên toàn tuyến biên giới, đóng các cửa khẩu phụ, cặp chợ biên giới từ ngày 31-1 đến 8-2 để ứng phó với dịch nCoV.
Một số quốc gia như Nga đã tuyên bố đóng cửa biên giới với Trung Quốc. Riêng Việt Nam tuy được cảnh báo nằm trong vùng dịch, nhưng chúng ta bình tĩnh hơn, người dân cũng ít hoảng loạn hơn và đây cũng chính là tia hy vọng cho ngành du lịch. Vì khi chúng ta bình tĩnh sẽ tạo được niềm tin cho du khách sớm quay trở lại thị trường Việt Nam trong những quý tiếp theo.
- Để vượt qua giai đoạn khó khăn này, theo ông các công ty lữ hành nên làm gì, có cần thêm sự trợ lực của Nhà nước?
- Như tôi đã nói, thiệt hại kinh tế của các công ty lữ hành cũng như các doanh nghiệp kinh doanh nhiều ngành nghề liên quan là không tránh khỏi, thậm chí nhiều doanh nghiệp sẽ bị thiệt hại không hề nhỏ.
Tuy nhiên, thời điểm này các doanh nghiệp chỉ có thể tiết giảm tối đa các chi phí để duy trì hoạt động chứ chưa có giải pháp nào khác. Chúng tôi mong mỏi Nhà nước sẽ hỗ trợ bằng nhiều hình thức cho các doanh nghiệp du lịch trong giai đoạn này.
Đặc biệt rất cần những thông tin chính xác về những tỉnh/thành không bị dịch viêm phổi để kích thích người dân trong nước đi du lịch nội địa. Đồng thời thông tin rõ nét về việc kiểm soát dịch bệnh để du khách nước ngoài an tâm và vẫn chọn đến nhiều địa điểm du lịch của Việt Nam trong thời gian tới.
- Xin cảm ơn ông.
Bà TRƯƠNG THỊ THU GIANG, Phó Giám đốc ban tiếp thị, Công ty Du lịch Vietravel: Tập trung khai thác thị trường mới Có thể nói việc bùng phát dịch cúm corona đã ảnh hưởng khá lớn đến ngành du lịch trong nước. Nhất là thời điểm Tết Nguyên đán - được xem là 1 trong 2 mùa du lịch cao điểm nhất trong năm. Riêng với thị trường khách Trung Quốc, thời điểm từ Tết Nguyên đán đến đầu hè là mùa cao điểm nhất trong năm, chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Đối với Vietravel, ngoài việc doanh thu bị giảm mạnh, sẽ chịu thêm chi phí visa, phí phạt hủy do trước đó chúng tôi đã chuẩn bị sẵn dịch vụ và đã thực hiện xin cấp visa, thanh toán cho các đối tác hàng không, khách sạn, nhà hàng, xe vận chuyển… để chuẩn bị sẵn sàng cho các chuyến du xuân của du khách, từ ngày 23-1 công ty đã hủy toàn bộ tour đến Trung Quốc và ngược lại. Du khách có thể chọn cho mình những tour đến những điểm chưa bị ảnh hưởng của dịch bệnh, hoặc sẽ được hoàn tiền 100% giá trị tour. Xét đến khía cạnh thiệt hại về tài lực, dịp Tết Nguyên đán, Vietravel đã hủy khoảng 60 đoàn (khoảng 1.000 khách Trung Quốc sang Việt Nam) và hơn 1.000 khách Việt Nam du lịch Trung Quốc, chưa kể đến các thị trường khác và một số tour trong nước đến Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc. Nếu tình hình dịch cúm corona kéo dài, ít nhất đến giữa năm 2020 ngành du lịch mới có dấu hiệu khởi sắc. Trước tình hình hiện nay, chúng tôi đang thực hiện một số giải pháp. Đối với thị trường inbound, Vietravel tập trung khai thác mới và đẩy mạnh thêm nguồn khách đến từ các nước Trung Đông và Ấn Độ. Đối với thị trường outbound, công ty sẽ kích cầu phát triển thêm các tuyến Đông Bắc Á, châu Âu, Mỹ vào mùa hoa anh đào, tulip, hay du lịch kết hợp thăm thân vào mùa hè tại Mỹ, Canada. Đối với thị trường nội địa, chúng tôi sẽ xây dựng thêm nhiều sản phẩm mới để phục vụ du khách trong nước. |