Ngành thương mại TP.HCM đảm bảo hàng hóa phục vụ giãn cách xã hội

(ĐTTCO)-Theo đại diện Sở Công Thương TP.HCM, hầu hết đơn vị sản xuất, kinh doanh trên địa bàn Thành phố đều đồng hành cùng ngành thương mại và chính quyền triển khai đồng bộ biện pháp phòng chống dịch.
Siêu thị Co.opmart hỗ trợ tiêu thụ dưa hấu cho người dân. (Ảnh: Phan Tuấn Anh/TTXVN)
Siêu thị Co.opmart hỗ trợ tiêu thụ dưa hấu cho người dân. (Ảnh: Phan Tuấn Anh/TTXVN)

Nhằm tiếp tục tăng cường biện pháp phòng chống dịch COVID-19 và dập dịch hiệu quả trên địa bàn, chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai giãn cách xã hội trong 14 ngày tới, kể từ 0 giờ ngày 15/6/2021.

Trước bối cảnh này, ngành thương mại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết sẽ tiếp tục linh hoạt kịch bản ứng phó với diễn biến mới của dịch COVID-19, cũng như đảm bảo nguồn cung hàng hóa trong giai đoạn giãn cách xã hội và bình ổn thị trường hàng hóa thiết yếu trên địa bàn.

Không chủ quan trong bình ổn thị trường

Theo đại diện Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh, với kinh nghiệm phòng chống dịch COVID-19 và trong đợt giãn xách xã hội vừa qua trên địa bàn thành phố, cả kênh phân phối hiện đại lẫn mạng lưới chợ truyền thống đã không chủ quan, bám sát thị trường.

Song song đó, hầu hết đơn vị sản xuất, kinh doanh trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đều đồng hành cùng ngành thương mại và chính quyền thành phố triển khai đồng bộ biện pháp phòng chống dịch COVID-19.

Tính đến nay, hạ tầng thương mại, phân phối, bán lẻ trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh có hệ thống điểm bán đa dạng mô hình kinh doanh với khoảng 237 chợ, 236 siêu thị, 45 trung tâm thương mại và 2.735 cửa hàng bán lẻ. Hệ thống phân phối hiện đại trong nước vẫn chiếm tỷ lệ cao về các điểm bán hàng với siêu thị chiếm 80%, trung tâm thương mại chiếm 60%, cửa hàng tiện lợi chiếm 76%.

Ngành thương mại Thành phố Hồ Chí Minh không chỉ đủ sức đáp ứng nhu cầu mua sắm tiêu dùng của người dân trên địa bàn mà còn phục vụ cho nhiều tỉnh, thành khu vực phía Nam. Bên cạnh đó, ngành công thương Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã chủ động phối hợp với tỉnh, thành phố trong Chương trình kết nối cung-cầu và bình ổn thị trường cùng chung tay đẩy mạnh kênh bán hàng online để vừa đảm bảo phòng chống dịch bệnh, vừa tạo điều kiện duy trì ổn định hoạt động kinh tế-xã hội.

Theo ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh, từ đầu tháng Sáu đến nay, cũng là thời điểm thành phố thực hiện giãn cách xã hội, nguồn cung hàng hóa thiết yếu luôn được đảm bảo cung ứng đầy đủ và kịp thời cho người dân mua sắm. Ngoài những ngành hàng có giá cả ổn định, giảm sâu, thì nhà bán lẻ, đơn vị sản xuất, kinh doanh còn thực hiện phong phú chương trình khuyến mãi, giảm giá để chia sẻ gánh nặng với người tiêu dùng trong bối cảnh dịch bệnh.

"Về phía Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh, trong bối cảnh giãn cách xã hội không chủ quan trong phòng chống dịch COVID-19 và bám sát thị trường, đồng thời kích hoạt chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu trên địa bàn thành phố; trong đó, những nhà bán lẻ, đơn vị kinh doanh, doanh nghiệp... tham gia Chương trình bình ổn thị trường Thành phố Hồ Chí Minh được yêu cầu luôn sẵn sàng dự trữ và cung ứng hàng hóa tương ứng với từng kịch bản phòng chóng dịch COVID-19 của chính quyền thành phố," ông Nguyễn Nguyên Phương cho biết thêm.

Chính sách giá ưu đãi đa dạng ngành hàng

Là một trong những thương hiệu hàng đầu và cánh tay nối dài của hàng Việt, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) đã và đang không ngừng bình ổn thị trường, góp phần đảm bảo ổn định hoạt động thương mại để tạo điều kiện thuận lợi và an toàn cho người dân mua sắm trong bối cảnh giãn cách xã hội. Hơn thế nữa, Saigon Co.op duy trì thực hiện luân phiên chương trình khuyến mãi, giảm giá với chính sách giá ưu đãi đa dạng ngành hàng.

Cụ thể, ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc Saigon Co.op cho hay đồng loạt hệ thống siêu thị, cửa hàng, trung tâm thương mại của Saigon Co.op đang tiếp tục bổ sung danh mục hàng hóa khuyến mãi, giảm giá thêm hơn 10.000 sản phẩm nhu yếu phẩm và các sản phẩm chống dịch.

Kể từ nay đến ngày 10/7 tới, hệ thống Co.opmart, Co.opXtra trên cả nước giảm giá từ 25-50%, hoặc mua 1 tặng 1 cho hơn 3,5 triệu sản phẩm chống dịch, gồm: khẩu trang vải, gel, nước rửa tay sát khuẩn...

Nhiều nhóm hàng hóa thiết yếu có nhu cầu cao trong giai đoạn giãn cách xã hội cũng được hệ thống Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food, Co.op Smile giảm giá cho người tiêu dùng ở mức 20-30%; trong đó, có thể kể đến những mặt hàng dầu ăn, đường, gạo, gia vị, nước chấm, thực phẩm đóng gói, thực phẩm đông lạnh, thức uống bổ dưỡng... Riêng nhóm hàng thực phẩm tươi sống như thịt lợn, thủy hải sản, rau củ, quả... được giảm giá ở mức từ 15-20%.

Trong khi đó, chuỗi hơn 100 cửa hàng bách hóa Co.op Smile (www.coopsmile.vn) có chương trình giảm giá nhu yếu phẩm, tặng quà tặng bánh, tặng sữa, tặng dù, tặng khẩu trang cho khách. Kênh mua sắm qua truyền hình HTVCo.op, các website bán hàng online như www.coophomeshopping.vn, www.htvcoop.com.vn, … tăng cường danh mục sản phẩm mùa dịch, áp dụng các ưu đãi giảm giá trực tiếp 40.000-60.000 đồng trên sản phẩm, mua 2 tặng 1...

Nganh thuong mai TP.HCM dam bao hang hoa phuc vu gian cach xa hoi hinh anh 2Người dân mua sắm hàng hóa tại siêu thị. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Ghi nhận thực tế tại hệ thống đại siêu thị GO!, Big C cho thấy, thương hiệu bán lẻ này đang triển khai Chương trình Lễ hội trái cây" nhằm kích cầu tiêu thụ trái cây vùng, miền trên cả nước. Dự kiến, thông qua chương trình này, GO!, Big C sẽ tiêu thụ khoảng 200 tấn trái cây các loại như bơ, sầu riêng, vải thiều, nhãn, thanh long, xoài, vú sữa, chôm chôm, măng cụt, bưởi da xanh...

Đặc biệt, hiện tại 42 siêu thị, đại siêu thị GO!, Big C, mini go!, Top markets đang dành những vị trí đẹp nhất để trưng bày giới thiệu nông sản, đặc sản vùng, miền; trong đó, có thể kể đến trái vải của tỉnh Bắc Giang có thương hiệu với đầy đủ thông tin, chứng nhận VietGAP, mã vạch truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý...

Ngoài kinh doanh nông sản, đặc sản tươi, kênh phân phối bán lẻ của Central Retail còn giới thiệu tới khách hàng một số món ăn và thức uống được chế biến sẵn từ nguồn nguyên liệu này. Điển hình, người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn hơn trong việc tiêu thụ nông sản, đặc sản địa phương với chè vải hạt sen, thạch trái vải, bánh Danish trái vải, bông lan kem sữa tươi vải thiều…

Trao đổi với phóng viên TTXVN ở góc độ người tiêu dùng, chị Lê Phương, cư ngụ tại quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng trong đợt bùng phát dịch COVID-19 lần này, nhà nằm trên địa bàn được xác định là "điểm nóng" nên thời gian đầu gia đình cũng lo lắng, nhất là vấn đề an toàn sức khỏe và thực phẩm. Tuy nhiên, đến thời điểm này, gia đình khá an tâm khi nguồn cung hàng hóa thiết yếu đầy đủ và các điểm bán lẻ trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh nói chung, quận Gò Vấp nói riêng vẫn duy trì hoạt động bình thường.

Cùng quan điểm, nhiều người dân trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ đảm bảo nguồn cung hàng hóa thiết yếu đầy đủ là một trong những giải pháp góp phần dập dịch và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đồng hành cùng chính quyền thành phố thực hiện biện pháp phòng chống dịch COVID-19.

Mặt khác, việc nhà bán lẻ, điểm bán thực hiện nghiêm Thông điệp 5K của Bộ Y tế, đồng thời yêu cầu khách hàng đo nhiệt độ, khử khuẩn, khai báo y tế... khi tham gia mua sắm sẽ đảm bảo truy xuất kịp thời và giảm bớt tình trạng lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.

Các tin khác