Nghị quyết 19 “đốt nóng” trên dưới

(ĐTTCO) - Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 19-2018/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2018 và những năm tiếp theo.
Nghị quyết 19 “đốt nóng” trên dưới
 Mục tiêu của Nghị quyết là tập trung cải thiện các chỉ số môi trường kinh doanh để năm 2018 tăng thêm từ 8-18 bậc trên bảng xếp hạng của Ngân hàng Thế giới; trong đó cải thiện mạnh mẽ các chỉ số hiện đang bị xếp hạng thấp. Cụ thể, khởi sự kinh doanh tăng thêm ít nhất 40 bậc; giải quyết tranh chấp hợp đồng tăng thêm 10 bậc; giải quyết phá sản DN tăng thêm 10 bậc.
Đặc biệt, Nghị quyết 19/2018 nhấn mạnh việc bãi bỏ, đơn giản hóa 50% điều kiện đầu tư, kinh doanh; kiến nghị bãi bỏ một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo Danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư; giảm ít nhất 50% danh mục hàng hóa, sản phẩm phải kiểm tra chuyên ngành. 
Bên cạnh đó, tiếp tục chuyển đổi mạnh mẽ cách thức quản lý nhà nước từ chủ yếu tiền kiểm sang chủ yếu hậu kiểm; xóa bỏ căn bản tình trạng một mặt hàng chịu quản lý, kiểm tra chuyên ngành của nhiều hơn một cơ quan; giảm tỷ lệ các lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành tại giai đoạn thông quan từ 25-27% hiện nay xuống còn dưới 10%.
Đẩy nhanh tiến độ ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính, thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Đến hết 2018, hầu hết dịch vụ công phổ biến, liên quan đến người dân, doanh nghiệp được cung cấp ở mức độ 3 và 4.

Thực tế, sau 4 năm thực hiện các Nghị quyết 19 của Chính phủ, môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của nước ta liên tục được cải thiện. Năm 2017, năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam tăng 5 bậc so với năm 2016 (từ vị trí 60/138 lên vị trí 55/137 nền kinh tế).

Môi trường kinh doanh đạt thứ hạng 68/190, tăng 14 bậc so với năm 2016. Đây là mức tăng bậc nhiều nhất trong thập niên qua. Nếu tính 2 năm liên tiếp môi trường kinh doanh nước ta tăng 23 bậc. Bộ chỉ số thứ 3 là đổi mới sáng tạo cải thiện 12 bậc, đạt thứ hạng 47/127. Đây cũng là thứ hạng cao nhất Việt Nam đạt được từ trước cho đến nay.

Tuy nhiên, những cải thiện đó vẫn chưa bền vững và chưa đạt mục tiêu đề ra; thứ hạng của nhiều chỉ số còn thấp khá xa so với các nước trong khu vực và hầu như không có cải thiện cả về điểm số và thứ hạng trong nhiều năm qua; một số chỉ số quan trọng khác thậm chí còn tụt hạng.

Thí dụ, số điều kiện kinh doanh bãi bỏ còn thấp so với mục tiêu bãi bỏ ít nhất 1/3 đến 1/2 số điều kiện hiện hành. Số hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành trước thông quan mới giảm được 10% so với mục tiêu ít nhất 20% đã đề ra; số hàng hóa thuộc diện kiểm tra chuyên ngành giảm chưa đáng kể so với mục tiêu giảm ít nhất 1/2 danh mục hàng hóa (không phải là nhóm hàng hóa) thuộc diện kiểm tra chuyên ngành.

Hay nhìn ra bên ngoài, các nước trong khu vực ASEAN đang tập trung cải cách mạnh mẽ hơn Việt Nam cả về số lượng và mức độ. Năm 2017, môi trường kinh doanh của Thái Lan tăng 20 bậc; Indonesia tăng 19 bậc; Brunei tăng 16 bậc. Về năng lực cạnh tranh, Việt Nam vẫn chỉ đứng thứ 6 trong khu vực. 

Kết quả thực hiện Nghị quyết 19 trong 4 năm qua cho thấy sự vào cuộc chưa đồng đều giữa các bộ, ngành, địa phương; nhiều nơi vẫn còn thiếu quyết liệt, chậm thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp. Vì thế, để đạt được mục tiêu xếp hạng môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh bằng mức trung bình của các nước ASEAN 4 đòi hỏi phải có nỗ lực cải cách mạnh mẽ, toàn diện về quy mô và cường độ trên tất cả lĩnh vực.

Theo đó, yêu cầu đặt ra cho các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lúc này, là phải trực tiếp chỉ đạo và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh thuộc thẩm quyền và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về kết quả đạt được trong phạm vi ngành, địa phương.

Trong đó tập trung cải cách thủ tục hành chính, cải thiện các chỉ số khởi sự kinh doanh, cấp phép xây dựng và các thủ tục liên quan, tiếp cận điện năng, đăng ký sở hữu và sử dụng tài sản, nộp thuế và bảo hiểm xã hội theo thông lệ quốc tế.

Những mục tiêu đưa ra tại Nghị quyết 19/2018 không dễ dàng nhưng vẫn có thể thực hiện được nếu như có đủ quyết tâm và sự nỗ lực, quan trọng là người đứng đầu của các bộ, ngành, địa phương. Bởi lẽ, Nghị quyết 19 mới sẽ tạo áp lực rất lớn đối với các Bộ trưởng về mặt thời gian phải hoàn thành bãi bỏ một nửa điều kiện kinh doanh và cắt giảm phải thực chất, không chỉ là những con số.

Nghị quyết cũng nhấn mạnh đến vai trò của địa phương, thúc đẩy việc đánh giá năng lực cạnh tranh đến cấp quận, huyện, sở, ban, ngành. Với cách làm này, sẽ không còn hiện tượng “trên nóng dưới lạnh” như trước, thay vào đó là “trên nóng, giữa nóng và dưới cũng nóng”, tạo ra công cụ “đốt nóng” từ trên xuống dưới.

Các tin khác