Người giàu Trung Quốc “sớm nở chiều tàn”

(ĐTTCO) - Trung Quốc đang sản sinh số tỷ phú, triệu phú nhanh gấp 3 lần so với các nước khác. Tuy nhiên, giới nhà giàu Trung Quốc có số phận mong manh, “bạo phát bạo tàn” hơn triệu phú, tỷ phú ở những nơi khác.


Nếu như ông Đặng Tiểu Bình (trái) thúc đẩy kinh tế đất nước bằng việc ủng hộ người giàu, thì ông Tập Cận Bình chủ trương trấn áp tham nhũng từ các ông trùm là nhà giàu…
Nếu như ông Đặng Tiểu Bình (trái) thúc đẩy kinh tế đất nước bằng việc ủng hộ người giàu, thì ông Tập Cận Bình chủ trương trấn áp tham nhũng từ các ông trùm là nhà giàu…
Vươn lên dẫn đầu
Trong số 500 cá nhân giàu nhất toàn cầu theo Chỉ số tỷ phú Bloomberg, 81 người là người Trung Quốc với tổng tài sản trị giá 1.100 tỷ USD. Con số đó chỉ đứng sau Mỹ, nơi 162 tỷ phú nắm giữ tổng cộng 3.400 tỷ USD. Trong khi đó, bất chấp sự hoành hành của đại dịch, UBS Group AG ước tính nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới có hơn 380 tỷ phú vào năm 2020 với số tài sản tăng gấp 10 lần kể từ năm 2009. Bảng xếp hạng Hurun Global Rich List 2021, cho biết tính đến cuối năm 2021 Trung Quốc đã có hơn 1.000 tỷ phú, nhiều nhất thế giới.
Báo cáo giàu có toàn cầu lần thứ 12 của Credit Suisse, cho biết trong vòng 5 năm tới Trung Quốc sẽ sản sinh các triệu phú với tốc độ nhanh hơn Mỹ. Theo đó, số lượng triệu phú ở Trung Quốc sẽ tăng 92,7% lên 10,17 triệu người vào năm 2025, so với mức tăng 27,8% ở Mỹ lên 28,06 triệu người trong cùng kỳ. Anthony Shorrocks, nhà kinh tế và tác giả của báo cáo, cho biết trong cuộc họp hồi tháng 6: “Sự gia tăng của tài sản ở Trung Quốc từ 2000-2020 tương đương 80 năm tăng trưởng sự giàu có ở Mỹ từ 1925-2005".
Báo cáo Credit Suisse, một nghiên cứu hàng năm được tổng hợp từ dữ liệu về tài sản của 5,2 tỷ người trưởng thành ở khoảng 200 quốc gia, và là báo cáo tài sản toàn diện nhất trên toàn cầu, cho biết trong tổng số tài sản toàn cầu đạt được 28.700 tỷ USD năm 2020, Trung Quốc đóng góp 4.200 tỷ USD. Nền kinh tế lớn thứ 2 chiếm 9,4% triệu phú thế giới vào năm 2020 với 5,3 triệu người, chỉ sau Mỹ chiếm 39% triệu phú trên toàn thế giới, tức 22 triệu triệu phú. Nhật Bản đứng thứ 3 với 6,6%.

Sự cân bằng mong manh
Song các tỷ phú Trung Quốc hiện đang bị “hạ bệ” rất nhanh. Jack Ma - tỷ phú công nghệ - có giá trị tài sản ước tính 50 tỷ USD đã chuyển công ty công nghệ tài chính Alipay của mình thành một liên doanh mới với tên Ant Group và chuẩn bị IPO trên các sàn giao dịch chứng khoán Hồng Kông và Thượng Hải. Cuộc IPO dự kiến huy động khoản tiền lớn nhất trong lịch sử, khoảng 34,5 tỷ USD, sẽ giúp Ant được định giá hơn 300 tỷ USD.
Nhưng 2 ngày trước khi Ant dự kiến niêm yết vào ngày 5-11-2020, Sở Giao dịch chứng khoán Thượng Hải quyết định đình chỉ IPO của Ant. Tài sản của Jack Ma trước đó đã giảm 2,6 tỷ USD, và đã giảm thêm gần 13 tỷ USD do sự kiện này. Ông Ma đột ngột biến mất. Có tin đồn ông này bị quản thúc tại gia, bị bỏ tù, thậm chí có thể đã chết. Mãi đến tháng 1-2021, ông Ma xuất hiện trở lại trong bài phát biểu qua video ngắn ở một sự kiện từ thiện. Kể từ đó, doanh nhân này im hơi lặng tiếng.
Nhưng Jack Ma không phải là trường hợp duy nhất. Các ông trùm công nghệ Trung Quốc đã mất 87 tỷ USD tài sản trong cuộc trấn áp của chính quyền bắt đầu từ tháng 7-2021. Tổng giá trị tài sản ròng của 20 tỷ phú Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ và công nghệ sinh học đã giảm 16% kể từ khi nền tảng gọi xe Didi Chuxing được niêm yết tại Mỹ vào cuối tháng 6.
Kế hoạch niêm yết trị giá 4,4 tỷ USD của Didi bất chấp những cảnh báo từ chính quyền về bảo mật dữ liệu đã khiến Bắc Kinh thắt chặt kiểm soát, làm giá cổ phiếu của các tập đoàn công nghệ lớn nhất Trung Quốc lao dốc không phanh. Huang, người sáng lập trang web thương mại điện tử Pinduoduo lỗ 15,6 tỷ USD, tương đương 1/3 tài sản. Pony Ma, người sáng lập tập đoàn Internet Tencent, mất hơn 12 tỷ USD tức 22% tài sản.
Những người sáng lập các công ty dạy kèm lớn Trung Quốc cũng chứng kiến sự giàu có của họ bị ảnh hưởng bởi thông báo của chính quyền  vào tháng 8-2021, rằng họ phải tái cấu trúc để trở thành các tổ chức phi lợi nhuận. Yu Minhong, người sáng lập New Oriental Education, đã bị giảm giá trị 12% cổ phần của mình trong công ty dạy kèm, từ 3 tỷ USD xuống chỉ còn 500 triệu USD.
Năm 1978, nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình nhắm đến việc thúc đẩy kinh tế của đất nước, cho rằng cần "để một số người làm giàu trước". Kể từ đó, Trung Quốc đã phát triển thành cường quốc kinh tế, sản sinh ra các tỷ phú nhanh hơn bất kỳ quốc gia nào trên trái đất. Riêng Bắc Kinh hiện là thành phố có nhiều tỷ phú hơn bất kỳ thành phố nào trên thế giới, kể cả New York.
Nhưng từ năm 2012, áp lực đối với giới nhà giàu tại Trung Quốc gia tăng mạnh, khi Chủ tịch nước Tập Cận Bình tuyên bố trấn áp tham nhũng. Kể từ đó, các ông trùm bị buộc tội giao dịch nội gián, hối lộ... Một số bị đi tù, một số đã chết. Theo Duncan Clark, tác giả cuốn sách “Alibaba: Ngôi nhà Jack Ma đã xây ở Trung Quốc”, có một sự cân bằng mong manh đối với những người muốn kiếm tiền. Theo ông, bí quyết của giới nhà giàu Trung Quốc là phải “cố gắng không đối mặt với chính phủ”.

Lằn ranh đỏ
Jack Ma thành lập tập đoàn thương mại điện tử khổng lồ Alibaba vào năm 1999 và kiếm được hàng tỷ USD. Nhưng ông không hài lòng với việc chỉ chinh phục lĩnh vực bán lẻ, đã tìm cách tận dụng cơ sở khách hàng khổng lồ của mình để kiếm nhiều tiền hơn. Năm 2004, ông tạo ra Alipay, được xem là cú hích vào thế giới tài chính do nhà nước kiểm soát. Cơ sở khách hàng của Alipay đã tăng lên 730 triệu người dùng, trở thành hệ thống thanh toán phổ biến nhất ở Trung Quốc. 
Vào thời điểm chuẩn bị đưa Ant Group nổi lên, ông Ma đã ở đỉnh cao quyền lực và đủ tự tin để công khai kích động giới tinh hoa tài chính Trung Quốc, tấn công các cơ quan quản lý vì đã kìm hãm sự đổi mới, cũng như các ngân hàng hoạt động với tâm lý "tiệm cầm đồ". Đây dường như là giới hạn cuối cùng đối với một quốc gia không ưa thích những lời chỉ trích. Có nghĩa nhà tỷ phú này đã nhảy qua một trong những "lằn ranh đỏ" của Bắc Kinh, theo học giả Wu Qiang. 
Có những lý do chính đáng khiến các chính phủ muốn cắt giảm quyền lực của các công ty công nghệ lớn. Châu Âu nói riêng đã dẫn đầu trong việc truy quét những gã khổng lồ công nghệ với những khoản tiền phạt khổng lồ khi họ vi phạm các quy tắc. Thậm chí ở Mỹ, hiện nay cũng đang có cuộc tranh luận chính trị về việc liệu có cần đưa các Big Tech vào vòng khuôn phép giống như các công ty công ích hay không. 
 Tính đến cuối năm 2021 Trung Quốc có hơn 1.000 tỷ phú, nhiều nhất thế giới. Nhưng áp lực đối với giới nhà giàu tại Trung Quốc cũng gia tăng mạnh.

Các tin khác